29/07/2023 20:37 GMT+7

Đài Nga lý giải vì sao ông Tần Cương bị thay

Trong khi truyền thông phương Tây nói ông Tần Cương bị thanh trừng, Đài RT của Nga cho rằng đây chỉ là sự thay đổi về đường lối đối ngoại của Bắc Kinh.

Ông Tần Cương bị miễn nhiệm vị trí bộ trưởng Ngoại giao mới đây - Ảnh: REUTERS

Ông Tần Cương bị miễn nhiệm vị trí bộ trưởng Ngoại giao mới đây - Ảnh: REUTERS

Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây liên tục đồn đoán về tình hình liên quan đến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương

Đồn đoán về ông Tần Cương

Sau một tháng không xuất hiện công khai, ông Tần Cương bị miễn nhiệm, thay thế ông là người tiền nhiệm Vương Nghị. Thông tin về ông Tần đều bị xóa khỏi trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một cuộc "thanh trừng" và báo chí phương Tây đưa ra nhiều giải thích khác nhau về số phận của ông Tần. 

"Trong khi ở phương Tây, các nhân vật của công chúng và các chính trị gia vướng vào các vụ bê bối có thể chọn cách giữ kín và tránh truyền thông, thì với những trường hợp như vậy ở Trung Quốc, mọi diễn biến đều được truyền thông phương Tây diễn giải là một cuộc thanh trừng", đài Nga nhận định, nhắc lại những trường hợp tương tự trước đây như tỉ phú Jack Ma, vận động viên quần vợt Bành Soái.  

Theo Đài RT, tại Trung Quốc và các nước châu Á, vấn đề "hình ảnh trước công chúng" được coi trọng hơn nhiều so với phương Tây. "Trên hết, người Trung Quốc nhạy cảm và cân nhắc hơn nhiều trong những gì họ tuyên bố công khai so với phương Tây", đài này cho biết.

Một giả thuyết được RT đưa ra là sự đấu tranh phe phái trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giữa những "chiến lang" theo đường lối cứng rắn và "bồ câu" theo hướng ngoại giao mềm mỏng. Ông Tần theo phong cách "chiến lang" khi đảm nhận vị trí đại sứ tại Mỹ.

"Tuy nhiên, chức vụ 'bộ trưởng ngoại giao' của Trung Quốc không thực sự giống như cách hiểu ở phương Tây, mà đúng hơn là vai trò đại diện không thực sự nắm giữ quyền hoạch định chính sách; điều đó thuộc về Bộ Chính trị", đài này giải thích.

Xoa dịu căng thẳng với Mỹ

Trong khi đó, ông Vương là một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc. Trong Bộ Chính trị, ông còn giữ chức vụ trưởng Ban đối ngoại. Điều này có nghĩa ông Vương mới là người nắm quyền lực thực sự trong việc ra quyết định ngoại giao của Trung Quốc. 

Ông Vương được đánh giá là một người cực kỳ ôn hòa, kiềm chế và ăn nói nhẹ nhàng, yếu tố giúp ông thành công trong vai trò bộ trưởng Ngoại giao trước đây. Điều này trái ngược với phong cách "chiến lang".

Đài RT cho biết việc ông Vương quay trở lại vị trí này trong lúc quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp sau sự cố "khinh khí cầu do thám" hồi đầu năm nay. 

"Bắc Kinh hiện đang cố gắng can dự tích cực hơn với Washington cũng như với các đồng minh của họ. Chiến lược của họ là sử dụng ngoại giao để cố gắng hạ nhiệt căng thẳng chính trị, ngăn Mỹ xây dựng các liên minh đa phương chống lại Trung Quốc và đẩy mạnh môi trường chiến lược tương tự như Chiến tranh lạnh dựa trên các sự kiện ở Ukraine và lợi dụng Đài Loan", đài này giải thích.

Và với sự thay đổi đó, những nhân vật "diều hâu" như ông Tần Cương sẽ bị loại khỏi sự chú ý, tương tự như khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bị chuyển sang vị trí mới vào đầu năm.

"Câu chuyện ông Tần Cương gây bối rối cho người ngoài và dễ bị lợi dụng để phỉ báng Trung Quốc, nhưng khi quan sát nhiều hơn về những gì Trung Quốc đang muốn đạt được trong quan hệ với các nước khác, có thể giải thích được chuyện này theo một cách nào đó", Đài RT bình luận.

Những phát ngôn nổi bật của ông Tần Cương trong 7 tháng làm ngoại trưởngNhững phát ngôn nổi bật của ông Tần Cương trong 7 tháng làm ngoại trưởng

Trong lần đầu họp báo trên cương vị ngoại trưởng, ông Tần Cương cầm Hiến pháp Trung Quốc đọc khi nhận được câu hỏi về vấn đề Đài Loan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên