Thứ 6, ngày 23 tháng 4 năm 2021
Cù Lao Chàm 'không túi nilông' kéo khách du lịch
TTO - Đặt chân lên đảo, ngoài tấm bảng lớn kêu gọi không dùng túi nilông để chung tay bảo vệ môi trường, du khách còn được những lái tàu, người bốc vác trên đảo nói về thông điệp bảo vệ môi trường.
"Ấn tượng đầu tiên tôi thấy là các bà nội trợ có giỏ đi chợ bằng vỏ cây rất lạ. Tôi đưa lên mạng, mọi người rất ngạc nhiên với sự khác biệt từ hòn đảo xinh đẹp này" - anh Kam Hing Yin, du khách đến từ Hong Kong, nói về đảo Cù Lao Chàm, Việt Nam.

Người dân Cù Lao Chàm dùng giỏ sử dụng nhiều lần để đi chợ - Ảnh: TR.TR.
Lần đến Việt Nam tham quan đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), anh Kam Hing Yin chọn mua quà cho vợ là một túi xách bằng chất liệu cói. "Nói không với túi nilông" giờ đây không chỉ là khẩu hiệu của cư dân đảo Cù Lao Chàm, mà còn được người dân ở đây biến thành một sự khác biệt trong sản phẩm du lịch.
Việc loại bỏ túi nilông để giảm tác hại môi trường khiến nhiều phụ nữ trên đảo còn “hóa khó thành khôn”. Đó là làm ra những giỏ xách thời trang từ những vật liệu, cây cỏ có trên đảo thành sản phẩm đặc trưng bán cho du khách khi tới đây.
Bà Trần Thị Kim Thùy
Không gì là không thể!
Đã gần mười năm nay, người dân trên hòn đảo du lịch này nói không với loại vật dụng tưởng không-thể-nào-thiếu này. Chúng tôi làm một vòng từ chợ, quầy hàng cho đến nhà từng hộ dân để "vạch lá tìm sâu". Đâu đâu người dân cũng đưa ra được những vật dụng thay thế túi nilông.
Ý tưởng đảo không túi nilông này được khởi phát từ ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy TP Hội An trước đây. Ngày ấy, Hội An đã là thương hiệu du lịch có tiếng với bạn bè quốc tế. Đảo Cù Lao Chàm cách đó gần 20km cũng được "thơm lây". Nhưng khách đến đông hơn số dân trên đảo, Cù Lao Chàm ngập rác thải.
Thành ủy TP Hội An cũng đau đầu với việc này, thế là một cuộc cách mạng vận động không mang túi nilông ra đảo được triển khai. Qua thời gian thử nghiệm "làm quen", xã đảo này tiến đến việc ký cam kết, ai cố ý vi phạm thì phải "đóng quỹ" 150.000 đồng.
"Bất tiện chứ, nhất là đựng mấy thứ đồ nước. Ở đây hải sản bán ra không dùng túi nilông ban đầu ai cũng thấy "thiếu thiếu". Nhưng riết rồi cũng thành thói quen. Xã hỗ trợ, ai cũng có giỏ nhựa đi chợ rồi thành nếp" - bà Hương, một người bán hàng ngay chợ Tân Hiệp, kể.
Theo bà Hương, không riêng du khách mà người dân trên đảo lúc đầu cũng không ai chịu quay về "thời ông bà mình". Vì sự tiện lợi của túi nilông hơn hẳn những vật liệu thay thế. Nhưng chính quyền thành phố đã định kỳ một năm hai lần tặng giỏ xách đi chợ và túi xách tự hủy.
Giờ đây, đã thành nếp, đi chợ bằng giỏ dùng nhiều lần để đựng thịt cá, túi dễ phân hủy đựng vật dụng khác...
Cái khó ló cái khôn
Những người bán hàng ở chợ cũng tìm những thứ đồ dễ tiêu hủy thay thế để bọc sản phẩm của mình. Chẳng hạn như các loại lá cây có nhiều trên đảo như lá chuối, lá bàng và giấy để gói những thứ đồ khô. Hay như dùng túi sinh học tự hủy để thay thế cho những túi nilông loại lớn mà khách vô tình mang ra.
Theo bà Trần Thị Kim Thùy - cán bộ môi trường xã Tân Hiệp, người dân rất ý thức, ở đây không ai còn muốn sử dụng túi nilông. Bằng chứng là người dân đã hoàn toàn chủ động tìm vật liệu thay thế cho loại chất liệu này.
Bà Thùy cho biết từ sự vận động "mưa dầm thấm lâu" mới có được thương hiệu như ngày nay. Không những vậy, việc "hậu kiểm" cũng phải được thực hiện thường xuyên để bản thân doanh nghiệp, khách từ nơi khác đến đảo cũng tự thấy ý thức bảo vệ môi trường.
"Ai cũng biết tác hại của túi nilông và cũng hiểu được sự tiện lợi của nó. Do vậy, muốn thay đổi thói quen thì phải có những vật dụng thay thế. Cù Lao Chàm được lợi là vì ở đây đang là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên thương hiệu vì môi trường, bảo vệ môi trường cũng được "ấn định" cho các doanh nghiệp hoạt động tại đây" - bà Thùy nói.
Có thể thực hiện ở các khu bảo tồn
Ông Trần Tấn Dũng, bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho rằng việc không sử dụng túi nilông trên đảo đã tạo nên một sự khác biệt cho khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này trên cả nước, bên cạnh kêu gọi nâng cao nhận thức thì phải tạo ra những sản phẩm thay thế vật dụng này.
"Do Nhà nước chưa có quy định nên để tạo ra "hành lang pháp lý" bảo vệ đảo và khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi thực hiện ký cam kết với người dân và doanh nghiệp. Sau đó, ai thực hiện sai cam kết thì xử phạt" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, mô hình này có thể nhân rộng trước tiên ở nơi có vị trí biệt lập như đảo, hoặc các khu vực có phong trào môi trường mạnh như khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn, vườn quốc gia...
-
TTO - Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 23-4 khẳng định đặc biệt coi trọng vấn đề vùng đặc quyền kinh tế, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông.
-
TTO - Bộ Y tế chiều 23-4 cho biết cả nước có 6 ca mắc COVID-19 mới, đều được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Đà Nẵng (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca), Khánh Hòa (2 ca), An Giang (1 ca), TP.HCM (1 ca).
-
TTO - Sau khi sập sàn Coolcat, trong vòng chưa đến 1 tuần đã có hàng ngàn người báo bị mất tiền, ước tính sơ bộ con số thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Hàng trăm đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản cũng được gửi đến cơ quan chức năng.
-
TTO - Các tàu cứu hộ của Singapore, Malaysia đã lên đường nhưng chỉ tới Bali sau ngày 24-4. Vấn đề là lượng oxy trên tàu ngầm mất tích của Indonesia ước tính chỉ còn đủ đến 3h sáng 24-4. Mọi hi vọng đang dồn về Ấn Độ.
-
TTO - Do không có khả năng kinh doanh xuất khẩu và cũng không am hiểu đầy đủ những luật lệ trong sân chơi quốc tế, 'cha đẻ' gạo ST25 không có đăng ký bảo hộ sản phẩm ở Mỹ và các thị trường lớn khác.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận