01/11/2018 11:18 GMT+7

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 3: VN làm gì với nhựa dùng 1 lần?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật chống các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng có động thái gì để bảo đảm an toàn cho người dùng và bảo vệ môi trường?

Hiểm họa từ vi hạt nhựa - Kỳ 3: VN làm gì với nhựa dùng 1 lần? - Ảnh 1.

“Combo” ly nhựa, ống hút nhựa... cho khách ngồi tại chỗ ở một quán cà phê - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lâm Quốc Hùng - trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết:

- Tác hại dễ nhìn thấy khi sử dụng bao bì nhựa trong cuộc sống là ảnh hưởng tới môi trường. Ở VN cũng đã có những cuộc vận động, có khuyến cáo hạn chế sử dụng túi nilông, bao bì nhựa như ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống dùng liền. Hiện đã có quy chuẩn kỹ thuật hiện hành với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm từ nguyên liệu chất dẻo, kim loại, sứ, gốm, nhựa, hộp xốp..., quy định rõ từ nguồn gốc của nguyên liệu và phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật mới được phép sử dụng.

* Ai thẩm tra thẩm định tiêu chuẩn này để đảm bảo chất lượng bao bì chứa đựng thực phẩm, thưa ông?

- Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Theo nghị định 15 vừa có hiệu lực thực hiện, sản xuất bao bì đựng thực phẩm không thuộc nhóm phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng cơ sở phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định mới được sản xuất.

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chức năng đã có một số cuộc lấy mẫu kiểm tra chất lượng bao bì nhựa chứa đựng thực phẩm trên thị trường, như các hộp nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm. Trong đó, việc kiểm tra thực hiện theo các tiêu chí về an toàn như các chất bay hơi, hàm lượng kim loại nặng, chỉ tiêu dioxin... Qua kiểm tra chưa phát hiện các mẫu hộp xốp, hộp nhựa có tồn dư hóa chất quá mức hay các vấn đề khác, nhưng đó là chúng tôi mới nói trong phạm vi các mẫu được khảo sát.

* Hiện người dùng rất khó biết bao bì nào là nhựa nguyên sinh hay đã được tái chế. Ông có cho rằng nhựa tái chế thì mức độ độc hại có thể nhiều hơn không?

- Nếu nhựa tái chế mà đảm bảo tiêu chuẩn thì không có gì lo ngại. Nhưng nên chú ý ảnh hưởng của nhiều loại bao bì nhựa với sức khỏe phụ thuộc nhiều vào độ pH của thức ăn mà bao bì đó chứa. Ví dụ như thức ăn chua, hay ngoại trừ các hộp nhựa có hướng dẫn của nhà sản xuất là có thể sử dụng đựng thức ăn trên 70 độ C, còn lại thì không nên dùng hộp nhựa chứa thức ăn nóng trên 70 độ hay đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ...

* Trước đây các nhà hàng, quán cà phê đều sử dụng đồ sứ, gốm, thủy tinh để đựng đồ ăn, thức uống cho khách hàng, nay họ dùng đồ nhựa để giảm chi phí nhân công nhưng hậu quả lớn là thải ra môi trường rất nhiều rác thải nhựa không phân hủy. Theo ông, có nên có quy định chặt chẽ về việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần đựng thực phẩm hay không?

- Thói quen sử dụng nhiều túi nhựa khi đi mua sắm, thay vì dùng giỏ đi chợ, túi vải như trước đây là một thói quen xấu và hậu quả nhìn thấy rõ nhất là lượng rác thải ra trái đất của chúng ta quá lớn. Nhiều quốc gia xung quanh chúng ta đã có những giải pháp, có nơi đánh thuế cao với bao bì nhựa, hay bán túi nhựa cho khách hàng tới siêu thị thay vì cung cấp miễn phí, mục tiêu là khiến người tiêu dùng có ý thức tiết giảm nhu cầu sử dụng túi nhựa, bao bì nhựa.

Vấn đề của Việt Nam là chúng ta chọn giải pháp nào để thực hiện việc này, tôi rất mong sớm có giải pháp để giảm thiểu các tác động đến môi trường. Và với bao bì đựng thực phẩm có nguy cơ sản xuất từ loại nhựa kém chất lượng hay không đảm bảo thì việc giảm sử dụng cũng đồng nghĩa giảm tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vấn đề lớn hiện nay là thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã hình thành trong mỗi người. Mỗi gia đình Việt Nam hằng ngày dùng rất nhiều túi nilông khi đi chợ, đi siêu thị, thậm chí đi mua đồ ăn chín, uống cà phê… cũng đều là bao bì nhựa. Theo các chuyên gia, cần phải thay đổi thói quen đó.

Nếu chúng ta thay đổi, người bán hàng cũng thay đổi và người tạo ra sản phẩm cũng thay đổi. Và quan trọng nhất là chủ trương chính sách của Nhà nước phải chú trọng giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần.

Bạn đọc ĐOÀN DUY

Các nước có chính sách hạn chế

Rác thải nhựa đang là vấn đề được quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Trung Quốc, từ lâu các siêu thị lớn đã bán túi nilông thay vì cung cấp miễn phí theo nhu cầu để người tiêu dùng hạn chế sử dụng túi.

Tại Hàn Quốc, đại diện của Bộ Môi trường Hàn Quốc cho hay nước này đã cấm đốt rác thải nhựa, các rác thải nông nghiệp trái phép, nhằm hạn chế phát sinh khói độc và bụi ra môi trường. Hàn Quốc cũng có chính sách yêu cầu các cửa hàng bán đồ uống sử dụng ly thủy tinh, ly sứ cho khách dùng tại cửa hàng thay vì ly nhựa. Với đồ uống cho khách mang đi có thể sử dụng ly nhựa nhưng không sử dụng ống hút nhựa kèm theo.

Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện các thương hiệu đồ uống bán theo chuỗi đều sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa, muỗng nhựa một cách vô tội vạ. Do giá bao bì nhựa còn rất rẻ và mặc cho các khuyến cáo của cơ quan y tế (không dùng bao bì nhựa/hộp xốp đựng thức ăn nóng, đồ chua, đồ nhiều dầu mỡ...), thực tế người bán và người mua vẫn dùng những sản phẩm này để đựng thực phẩm.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên