Chim tìm vịt xanh và tín hiệu vui ở Tràm Chim

NGUYỄN HOÀI BẢO 31/12/2023 03:12 GMT+7

TTCT - Trong gần 10 ngày giữa tháng 12-2023, các tay máy say mê chụp ảnh chim rần rần kéo nhau về Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) để chụp con tìm vịt xanh…

Chim tìm vịt xanh bắt mồi. Ảnh: N.H.B.

Chim tìm vịt xanh bắt mồi. Ảnh: N.H.B.

Tìm vịt xanh (tên tiếng Anh là Asian Emerald Cuckoo, tên khoa học là Chrysococcyx maculatus thuộc họ Cuculidae) là một trong những loài chim có ngoại hình rất đặc biệt với màu lông rực rỡ, lưng xanh ngọc, ngực có vằn xanh-trắng.

Cái tên "tìm vịt" có lẽ bắt nguồn từ loài Plaintive Cuckoo có tiếng kêu âm trầm đầy cảm xúc "vít vít vít…" như người đi tìm vịt lạc ngoài đồng. Ngoài hai loài trên, ở Việt Nam còn có hai loài tìm vịt khác là tìm vịt tím (Violet Cuckoo) và tìm vịt vằn (Banded Cuckoo). Những loài này đều thuộc nhóm chim đẻ trứng vào tổ loài khác và để loài khác ấp trứng nuôi con hộ.

Tìm vịt xanh là loài chim di cư lang thang, sống không cố định, nơi nào nhiều thức ăn thì chúng đến. Chúng ăn rất nhiều sâu, đặc biệt là những loài sâu lông gây hại cây ăn trái, một cá thể chim tìm vịt xanh có thể ăn vài trăm con sâu mỗi ngày.

Cơn sốt săn ảnh tìm Vịt xanh

Tìm vịt xanh là một loài chim khó thấy vì chúng chỉ tìm bắt sâu trên ngọn cây cao. Đối với các nhiếp ảnh gia chuyên săn ảnh chim hoang dã, tìm vịt xanh là một thách thức lớn, mặc dù đây là loài phân bố rộng nhưng rất hiếm gặp. 

Tôi là người rong ruổi khắp cả nước nhiều năm qua nhưng hơn 13 năm rồi mới gặp lại loài chim này lần thứ hai. Và tuy đã gắn bó nghiên cứu ở Tràm Chim từ rất lâu, tôi chưa bao giờ thấy tìm vịt xanh xuất hiện ở đây, hoặc có thể chúng từng về nhưng mình không thấy được.

Hôm 10-12, khi đang ngồi cà phê với một người bạn gần một cây si lớn tại WildBird Hotel ở Tràm Chim, anh bạn bỗng chỉ tay bảo vừa thấy một con kingfisher (chim bói cá) rất đẹp. Theo hướng chỉ của anh, tôi nhoài người ra nhìn và vô cùng sửng sốt khi thấy nó. 

Không kịp nói với anh bạn đó là con tìm vịt xanh, tôi lao vào phòng cầm lấy bộ máy ảnh chạy hộc tốc lên sân thượng của khách sạn, nơi có chiều cao tương đương với cây si mà con tìm vịt xanh về tìm sâu.

Bức ảnh con tìm vịt xanh ấy vừa được đăng lên trang Facebook cá nhân, tôi đã nhận vô số lời nhắn hỏi từ cộng đồng chụp ảnh chim. Rồi người đi xe gắn máy, người đi xe hơi, người lên xe giường nằm đổ về Tràm Chim để săn ảnh tìm vịt xanh. 

Cả những tay máy nổi tiếng trong làng nhiếp ảnh chim hoang dã như anh Lê Văn Hiếu, Nguyễn Phố ở Bà Rịa - Vũng Tàu, những người từng đi vài chuyến tới Mã Đà (Đồng Nai) để tìm tìm vịt xanh nhưng thất bại.

Và những ngày sau đó, hình ảnh con tìm vịt xanh ở Tràm Chim tràn ngập trên trang cá nhân của rất nhiều tay máy. Mỗi ngày, tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại với cùng một câu hỏi mở đầu: "A lô, Bảo khỏe không? Nó còn về không?". 

"Nó" ở đây chính là con tìm vịt xanh. Đến sáng 19-12 vẫn thấy nó về, dù tần suất đã giảm đi rất nhiều khi sâu trên cây si đã được nó xử đẹp đáng kể trong 10 ngày ròng rã.

Chim tìm vịt xanh với bộ lông đẹp rực rỡ. Ảnh: N.H.B.

Chim tìm vịt xanh với bộ lông đẹp rực rỡ. Ảnh: N.H.B.

Sứ giả nông nghiệp xanh và du lịch bền vững

Nhân câu chuyện lần đầu thấy và chụp được ảnh chim tìm vịt xanh mới thấy chim không chỉ là những sinh vật đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, giúp diệt trừ các sinh vật gây hại trong nông nghiệp như sâu, chuột, ốc bươu vàng… mà còn như sứ giả du lịch. 

Với vẻ đẹp độc đáo, sự tinh tế trong cách vận động và âm thanh đặc biệt từ tiếng hót, chim đã thu hút con người từ xa xưa. Sức hút của chim không chỉ đến từ vẻ ngoài hoặc sự khác biệt về hình thức, mà còn từ thông điệp sâu sắc mà chúng gửi gắm. 

Chim là biểu tượng của sự tự do, sự liên kết với tự nhiên, và cảm nhận sâu sắc về sự sống. Sự xuất hiện của chúng không chỉ đem lại niềm vui cho người quan sát mà còn mở ra cửa sổ để hiểu sâu hơn về tự nhiên và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Nhiêu loài chim quý xuất hiện ở Tràm Chim, Tam Nông như Diều đầm lầy (trái, ảnh Quốc Hoài), Bồ nông chân xám (ảnh Sâm Thương)

Nhiêu loài chim quý xuất hiện ở Tràm Chim, Tam Nông như Diều đầm lầy (trái, ảnh Quốc Hoài), Bồ nông chân xám (ảnh Sâm Thương)

Vườn quốc gia Tràm Chim là trái tim của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng đất với hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa. Rộng khoảng 7.300ha, bao gồm các hệ sinh thái cảnh quan đa dạng của rừng tràm, đồng cỏ ngập nước theo mùa và mạng lưới kênh rạch phức tạp, Vườn quốc gia Tràm Chim nổi tiếng với vai trò là môi trường sống cho các loài chim nước, được công nhận là một trong những khu bảo tồn quan trọng nhất cho các loài chim nước ở ĐBSCL và khu vực Đông Nam Á. Đây còn là khu Ramsar và là địa điểm thuộc mạng lưới đường bay Đông Á - Úc (EAAFP) duy nhất được công nhận tại Việt Nam cho đến nay.

Hơn 230 loài chim đã được ghi nhận ở đây, trong đó dễ dàng bắt gặp nhất các loài thuộc họ diệc như cò trắng, cò bợ, diệc xám, diệc lửa, cò lép… thường kiếm ăn ở vùng nước nông ở các kênh rạch. 

Ở các vực nước sâu hơn, có thể gặp được những loại chim chuyên lặn để bắt mồi như còng cọc, điên điển và le hôi, có nhiều loài thoắt ẩn thoắt hiện trong đám cỏ năng và rừng tràm như trích cồ, gà lôi nước, le khoang cổ, vịt trời… 

Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 cũng là mùa chim di cư, có thể thấy được những đàn chim hàng ngàn con bay qua bay lại hoặc đậu ngập đám rừng tràm vào sáng sớm hoặc chiều muộn.

Nhưng trong những ngày vừa qua, khu vực Vườn quốc gia Tràm Chim không chỉ gây xôn xao với việc xuất hiện của tìm vịt xanh, mà còn thấy rất nhiều chim trên các đồng lúa. Sự xuất hiện của chúng đã thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những người trân quý thiên nhiên, đến tham quan, chiêm ngưỡng, chụp ảnh các loài chim.

Hàng ngàn cá thể chim của nhiều loài khác nhau kéo về ăn trên các đồng ruộng là tín hiệu tích cực của nền nông nghiệp xanh. Ảnh: N.H.B.

Hàng ngàn cá thể chim của nhiều loài khác nhau kéo về ăn trên các đồng ruộng là tín hiệu tích cực của nền nông nghiệp xanh. Ảnh: N.H.B.

Sau nhiều năm liên tục giữ mực nước cao trong Vườn quốc gia Tràm Chim để phòng chống cháy rừng, khiến môi trường tự nhiên thay đổi rất nhiều, từ năm nay, với quyết tâm phục hồi hệ sinh thái trước đây, Ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đã bắt đầu cho điều tiết nước phù hợp với chế độ ngập tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười theo khuyến cáo của các nhà sinh học. 

Khi mực nước được điều tiết phù hợp, "tín hiệu mùa khô" đã giúp các cây cỏ ra hoa, từ đó côn trùng phát triển, các loài động vật như cá, ếch nhái, rắn, chuột… có nhiều thức ăn và phát triển theo. Chim là những loài động vật trên cùng của chuỗi thức ăn cũng quần tụ về đây kiếm mồi. 

Thêm nữa, việc nông dân huyện Tam Nông nói riêng, Đồng Tháp nói chung giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng cũng giúp môi trường sống của nhiều loài động vật, trong đó có chim, thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

Vì vậy, những ngày qua du khách được chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt diệu nơi đây, với những đàn chim bay ngợp trời - một tín hiệu tích cực của môi trường sinh thái phục hồi, một nơi "đất lành chim đậu". 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận