07/11/2022 09:59 GMT+7

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 5: Châu Âu phòng thủ và sống chung

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - "Cuối cùng tôi nhận ra không thể kháng cự được nữa mà phải chấp nhận thực tế về nước biển dâng và sống thích nghi với nó" - ông Jean-François Bloc, thị trưởng Quiberville (tỉnh Seine-Maritime miền bắc nước Pháp) nói.


Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 5: Châu Âu phòng thủ và sống chung - Ảnh 1.

Lắp đặt các bó xơ dừa để ổn định môi trường sống trong đầm lầy ngập mặn ở hạt Essex - Ảnh: Essex Wildlife Trust

Ở tuổi 78, niềm vui nho nhỏ của cụ bà Monique Le Barc là chiếc nhà xe di động để tại khu cắm trại xếp hạng ba sao trên bãi tắm Quiberville-sur-Mer ở Quiberville (tỉnh Seine-Maritime miền bắc nước Pháp). Trong thời gian khu cắm trại mở cửa, bà có thể trang trí lại trước hiên để đón tiếp bạn bè và gia đình. Thế nhưng sắp tới khu cắm trại phải di dời vì ngập. Một khu cắm trại mới đã được thi công từ tháng 3-2022 cách xa biển gần 1km, dự tính sẽ hoạt động vào đầu tháng 4-2023.

Cho nước biển tràn vào đất liền có kiểm soát

Nhiều năm nay ông Jean-François Bloc, thị trưởng Quiberville, chỉ có mỗi một từ trong đầu mỗi khi nói đến chuyện ngăn ngừa nước biển dâng: "Bê tông, bê tông và bê tông chống chịu tốt hơn". Ông lớn lên ở Quiberville, là con trai một người bán thịt tại địa phương và đã nhiều lần chứng kiến cơ sở hạ tầng mong manh thế nào trước sức mạnh của biển.

Năm 1977, một cơn bão lớn đánh hỏng nặng con đê. Trong cơn bão thế kỷ cuối năm 1999, sông Saâne ven biển tràn bờ do mưa như trút nước gây lũ lụt lớn. Nước ngập lên tới 1,60m. Các nhà xe di động trong khu cắm trại trôi nổi trong nước gần nửa tháng. Ông nhớ lại: "Tôi phải giúp mọi người ra khỏi nhà qua cửa sổ và dùng xuồng chở thực phẩm cho cư dân". Bây giờ thì suy nghĩ của ông đã thay đổi. Ông thừa nhận: "Cuối cùng tôi hiểu ra chúng ta không thể duy trì mọi thứ ở vị trí của chúng vô thời hạn. Không phải chỉ có ngập... Bờ biển đã lùi vào 70m sau nhiều năm, trung bình mỗi năm từ 35-40cm. Các biệt thự biến mất hết rồi".

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 5: Châu Âu phòng thủ và sống chung - Ảnh 2.

Phá đê bao cho nước biển tràn vào ở vịnh Lancieux - Ảnh: AFP

GS Stéphane Costa tại Đại học Caen đã nghiên cứu đường bờ biển trong khu vực 30 năm nay. Ông nhận xét: "Quiberville bị đe dọa ngập từ phía biển và lụt từ phía sông Saâne trên đất liền. Chúng ta còn phải đối phó với sạt lở. Các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn với tình trạng biến đổi khí hậu. Không chỉ mực nước biển dâng cao làm tăng nguy cơ ngập mà còn cản trở sông Saâne thoát nước. Sóng sẽ đánh vào vách đá mạnh hơn và thúc đẩy nhanh quá trình xói lở. Chưa kể triều cường và bão tố ngày càng dữ dội hơn".

Kênh truyền hình France 24 mô tả tình trạng nước biển dâng gây sạt lở như thanh gươm Damocles treo lơ lửng trên Quiberville. Thị trưởng Bloc bộc bạch: "Sau mỗi cơn bão, chúng tôi xây dựng lại vững chắc hơn. Nhưng với nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết ngày càng khốc liệt, rõ ràng làm như vậy chưa đủ...". Di dời khu cắm trại là giai đoạn ban đầu trong khuôn khổ một dự án chưa từng có ở Pháp. Thay vì ngăn chặn sóng biển với đê bao và bờ kè, chính quyền địa phương Quiberville được Liên minh châu Âu và Chính phủ Pháp hỗ trợ đã quyết định cứ để nước biển tràn vào đất liền và thay đổi quy hoạch, thậm chí có thể di chuyển dân cư.

Dự án cho nước biển tràn bờ mang lại hai lợi ích. Một là giảm nguy cơ ngập. Khi thủy triều xuống, sông Saâne có thể tăng dòng chảy thoát nước ra biển. Ngược lại, nước biển có thể tràn vào đất liền theo cách có kiểm soát. Hai là tạo các khu vực tiếp xúc giữa nước ngọt và nước biển, từ đó thúc đẩy đa dạng sinh học, ví dụ khôi phục các bãi đẻ cho cá và khu vực dành cho chim.

Từ năm 2017, Pháp đã nghĩ đến giải pháp quản lý linh hoạt đường bờ biển bằng cách trả lại cho biển các vùng biển bị xâm lấn. Ví dụ ở vịnh Lancieux thuộc tỉnh Côtes-d'Armor, thay vì sửa chữa lại đê bao, địa phương đã để nước tràn vào các khu đất thấp có đê bao nông nghiệp để làm ruộng muối.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 5: Châu Âu phòng thủ và sống chung - Ảnh 3.

Khu cắm trại trên bãi tắm Quiberville-sur-Mer phải di dời - Ảnh: AFP

Thích nghi với thiên nhiên chứ không chinh phục thiên nhiên

Nhà nghiên cứu Sophie Verspieren (Bỉ) nhận xét những năm gần đây các nhà nghiên cứu chú trọng đến chủ trương bước lùi chiến lược, tức thích nghi với thiên nhiên thay vì chinh phục thiên nhiên, không chống sạt lở mà hành động cùng sạt lở.

Bước lùi chiến lược ra đời tại Đức vào năm 1987. Tại Anh, Bộ Môi trường, Lương thực và Nông thôn (DEFRA) đã áp dụng giải pháp này từ những năm 1980. DEFRA định nghĩa như sau: "Bước lùi chiến lược bao gồm quá trình cân nhắc để thiết kế lại sông, cửa sông và/hoặc hệ thống đê ven biển. Bước này có thể diễn ra dưới hình thức rút lui về các vùng đất cao, xây dựng tuyến đê sâu trong đất liền, rút ngắn chiều dài tuyến đê, giảm chiều cao đê bao hay kè đá, mở rộng vùng ngập nước".

Giải pháp nổi tiếng nhất trong bước lùi chiến lược là hoàn trả nguyên trạng bờ biển như trước khi xây đê. Hạt Essex (đông nam nước Anh) là khu vực ven biển có nguồn tài nguyên phong phú và cũng là một trong những khu vực bị đe dọa ngập lụt nặng nhất ở Anh. Các dấu hiệu sạt lở đã xuất hiện ở các cửa sông. Ngoài nguy cơ sạt lở bờ biển do tự nhiên hoặc do nhân tạo, Essex còn phải đối mặt với mối đe dọa nước biển dâng cao.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 5: Châu Âu phòng thủ và sống chung - Ảnh 4.

Ngập ở Buckhurst Hill thuộc hạt Essex vào giữa tháng 8-2022 - Ảnh: Cơ quan Cứu hỏa và cứu nạn hạt Essex

Trước đây hầu hết các địa phương trong hạt Essex đều xây kè đất, đê hoặc kè bê tông để chống ngập. Hiện nay, hạt Essex đã chủ trương khôi phục các đầm lầy ngập mặn nằm giữa đê và biển. Đầm lầy có tác dụng hấp thụ năng lượng sóng biển, từ đó làm giảm sức mạnh của sóng biển tác động đến đất liền, như vậy sẽ giảm sạt lở. Theo tính toán nếu không có đầm lầy ngập mặn, phải xây đê cao gấp bốn lần với chi phí có thể tăng gấp 10 lần với con đê rộng khoảng 80m. GS Lydie Gianella Goeldner tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne (Pháp) giải thích một khi khôi phục đầm lầy ngập mặn nhằm tạo các bãi bồi và ruộng muối, nước biển sẽ tràn vào bờ theo ba cách: một là vẫn giữ đê, chỉ cho nước biển tràn qua các van, cống trên thân đê; hai là phá một số vị trí dẫn nước mặn trên thân đê và ba là phá bỏ đê hoàn toàn.

Hoàn trả lại nguyên trạng ven biển giúp cải thiện môi trường sinh thái với chi phí thấp hơn. Môi trường rồi sẽ tái nhiễm mặn, từ đó giúp phục hồi hệ sinh thái biển, tạo khu vực sinh tồn mới cho các loài chim, thủy sản, thúc đẩy dòng chảy lưu thông, tạo bãi bồi tích tụ phù sa để nâng cao địa hình làm giảm tác động xâm thực của biển.

Hai nhóm giải pháp ngăn chặn sạt lở ven biển

- Nhóm giải pháp cứng như đê, bờ kè bê tông, cừ, rạn san hô nhân tạo, đảo đá được áp dụng phổ biến những năm 1970-1990. Giải pháp cứng có tuổi thọ cao hơn nhưng tốn kém, làm xấu mỹ quan, gây ô nhiễm. Bờ biển gần đê bao, bờ kè có thể bị xói lở nặng hơn.

- Nhóm giải pháp mềm chủ trương hài hòa với thiên nhiên như bước lùi chiến lược, trồng rừng, vải địa kỹ thuật, bổ sung cát, phục hồi cồn cát. Giải pháp mềm được áp dụng phổ biến từ những năm 1980 mang lại hiệu quả trong trung hạn và dài hạn.

Hiện nay, cuộc tranh luận nên sử dụng nhóm giải pháp nào vẫn bất phân thắng bại. Tổ chức Mạng lưới Đại Tây Dương về ngăn ngừa và quản lý các nguy cơ ven biển (ANCORIM) nhận xét hai nhóm giải pháp có thể bổ sung cho nhau. Chọn giải pháp cứng hay giải pháp mềm sao cho hiệu quả còn tùy thuộc quá trình nghiên cứu năng lượng sóng...

Sau nhiều năm xây đê ngăn nước biển, Hà Lan đã chuyển sang triết lý mới: sống chung với tự nhiên. Dự án xây dựng "cỗ máy cát" của Hà Lan đã được nhiều nước tham khảo.

Kỳ tới: Hà Lan, dùng sức mạnh thiên nhiên di chuyển cát

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 4: Trồng rừng đước bán carbon kiếm tiền

TTO - Nước biển dâng cao, sóng mạnh bất thường, ngư dân Kenya đã tập hợp lại chăm sóc rừng đước ngập mặn để trữ carbon bán lấy tiền và bảo vệ bờ biển của mình.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên