04/11/2022 09:51 GMT+7

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Con đường dẫn đến thị trấn Elmina trên bờ biển miền nam Ghana giống cảnh quan in trên bưu thiếp với nước biển xanh biếc, rặng dừa mát rượi và pháo đài Saint-Georges-de-la-Mine xa xa - một địa danh du khách phải ghé thăm.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở? - Ảnh 1.

Làng chài Fuvemeh đã bị bỏ hoang vì sạt lở - Ảnh: Addo

Tuy nhiên, khung cảnh nên thơ ấy đang ẩn chứa mối đe dọa tiềm ẩn. Biển lặng lẽ gặm nhấm các bãi biển cát trắng thơ mộng.

Sống phập phồng trong nỗi lo sạt lở

Hiện tượng sạt lở bờ biển ở Ghana diễn ra rất nhanh. Tại làng Dzita thuộc huyện Keta (vùng Volta ở đông nam Ghana), nước biển lấn sâu vào bờ tới 17m. Tại phía đông sông Volta, bờ biển lùi vào mỗi năm 8m so với 2m trong thời gian trước. Làng chài Fuvemeh gần đầm Keta trên vịnh Guinea là một ví dụ điển hình. 

Làng đã bị bỏ hoang sau khi bị nước biển nhấn chìm vào năm 2016. Nước cuốn trôi phù sa và chia cắt bờ biển thành nhiều đảo nhỏ bây giờ trở thành nơi trú ngụ của bầy lợn hoang và vài ba cây dừa còn sót lại.

Sóng biển không chừa thứ gì, nuốt chửng nhà cửa, trường học, nông trại... buộc người dân phải di dời nhà sang các làng lân cận sinh sống. Ông Akorli Simon - cư dân cũ của làng Fuvemeh - ngậm ngùi: "Chúng tôi bị phá nát hết rồi". 

Ông đang sống tại làng Dzakplagbe, tuy nhiên chỗ ở mới cũng nằm ven biển nên ông phập phồng lo sợ không biết khi nào căn nhà mới lại chịu chung số phận như nhà cũ ở Fuvemeh. 

Ông than vãn: "Chúng tôi sợ nếu chính phủ không làm gì hết, cả cộng đồng sẽ biến mất và không chỉ duy nhất cộng đồng này".

Cửa sông Volta nổi tiếng với làn nước xanh biếc như pha lê, bãi biển với tầm nhìn tuyệt đẹp. Đây là địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến các khu nghỉ dưỡng. 

Chính vì vậy, ông Gladys Amele De-Tada đã xây lên một khu nghỉ dưỡng nho nhỏ mang tên Fadzi's Haven nép mình bên làng Havui. Để đến khu nghỉ dưỡng, du khách từ thị trấn Ada xuống chiếc thuyền nhỏ chạy ngoằn ngoèo theo sông Volta xuyên qua rừng ngập mặn.

Ông chủ De-Tada giải thích trên trang Mongabay (Mỹ): "Tôi luôn mơ ước có một chỗ để có thể đón tiếp mọi người, cho họ chỗ lưu trú và những bữa ăn ngon". Thế nhưng ông rất lo làng Havui sẽ cùng chịu chung số phận như làng Fuvemeh, bởi làng Havui đang bị sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. 

Ông chua chát nói: "Một ngày nào đó có thể tôi thức dậy và thấy mình ở dưới nước. Biển thật khó lường!".

Làng Salakope-Amutsinu cách thị trấn Ada khoảng 9km. Do các trận bão năm 2021 dẫn đến xói lở bờ biển, nhiều người dân đã trở thành kẻ không nhà. Anh Sylvester Kumawu, làm việc cho hội đồng làng, kể: "Họ tìm nơi ẩn náu trong nhà thờ và trường học, trong khi những người khác ngủ ngoài đường". 

Vào tháng 11-2021, gần 4.000 người ở huyện duyên hải Keta phải di dời sau khi thủy triều tấn công vào rạng sáng. Nước ồ ạt tràn vào nhà nhấn chìm đồ đạc, giường chiếu trong lúc cư dân đang say ngủ.

Báo Le Monde (Pháp) dẫn lời TS Donatus Angnuureng tại Đại học Cape Coast (Ghana) tóm tắt: "Toàn bộ bờ biển Ghana đều liên quan đến sạt lở, đặc biệt ở miền tây, một số điểm ở miền trung và hàng loạt vị trí ở miền đông". 

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở? - Ảnh 2.

Khai thác cát trái phép trên bãi biển thị trấn Elmina - Ảnh: Le Monde

Bờ biển Ghana dài 550km, tập trung đến 1/4 dân số sống ven biển và 80% hoạt động công nghiệp. Giữa giai đoạn năm 2005 - 2017, khoảng 37% diện tích đất ven biển đã trôi theo dòng nước do sạt lở và ngập lụt. Các công trình nghiên cứu ghi nhận mỗi năm sóng biển ngoạm vào bờ trung bình 2m.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở? - Ảnh 3.

Dự án xây đê chắn sóng tại thành phố duyên hải Axim (Ghana) đang có nhiều ý kiến trái chiều - Ảnh: unitedshowbiz.com.gh

Người dân địa phương nhớ lại cái thời đi bộ để ra biển. Còn bây giờ chỉ cần lạc tay lái là đã có thể rơi xuống nước.

TS ANGNUURENG

Đê chắn sóng: lợi bất cập hại?

Năm 2015, khi ngư dân thị trấn Elmina đề nghị có giải pháp bảo vệ bờ biển khỏi sạt lở, chính quyền đã đem các khối đá đặt dọc bãi biển tạo thành đê chắn sóng. Ghana đã áp dụng rộng rãi giải pháp dựng đê chắn sóng từ khi khởi động dự án bảo vệ bờ biển ở Keta năm 2001. 

Đến năm 2019, Bộ Công trình công cộng và Nhà ở công bố kế hoạch quản lý bờ biển với chủ trương chính là xây đê chắn sóng.

Ghana mong muốn khu vực đê chắn sóng sẽ kích thích hoạt động đánh cá, cải thiện vệ sinh môi trường, thúc đẩy du lịch và tạo công ăn việc làm cải thiện sinh kế cho người dân. 

Tổng thống Nana Addo Dankwa Akufo-Addo đã từng tuyên bố: "Xây đê phòng thủ trên biển là điều rất cần thiết vì khu vực này không thể thu được lợi nhuận to lớn từ du lịch nếu chúng ta không kiểm soát sạt lở bờ biển và các vùng đất hoang sơ ven biển".

Đến nay đã có hơn 100km bờ biển được đê chắn sóng bảo vệ. Dù vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định đê chắn sóng là giải pháp lợi bất cập hại và đề nghị Chính phủ Ghana cần áp dụng các giải pháp khác mang tính chất tổng thể và thuận tự nhiên hơn. 

TS Angnuureng lưu ý: "Các công trình kỹ thuật cứng là giải pháp tương đối hiệu quả để bảo vệ bờ biển khỏi bị xói lở cục bộ và ngắn hạn. Song khi xây đê ven biển, các bãi biển lân cận sẽ lãnh đủ các vấn đề khó khăn". 

Đê chắn sóng cản trở phù sa di chuyển, do đó biển đã đưa cát đến tận cửa sông, dần dần cửa sông bị bồi lấp, lối ra biển cạn dần khiến thuyền bè ngư dân không thể qua được những lúc thủy triều xuống.

GS.TS Kwasi Appeaning Addo - giám đốc Viện nghiên cứu môi trường và vệ sinh thuộc Đại học Ghana - nhận xét: "Một khu vực bị sạt lở nhẹ có thể bắt đầu sạt lở nặng hơn vì động lực dòng chảy đã thay đổi do đê chắn sóng". 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh các công trình cứng như đê chắn sóng bằng bê tông không hoàn toàn hiệu quả trong việc hạn chế sạt lở bờ biển ở Tây Phi, thậm chí còn gây thêm nhiều vấn đề ảnh hưởng môi trường. 

Đê chắn sóng ngăn lối vào bãi biển và bãi lầy vốn là khu vực cư trú quan trọng của nhiều loài động vật và thực vật ven biển, do đó đê chắn sóng có xu hướng làm suy giảm đa dạng sinh học.

GS.TS Addo đề nghị cách tiếp cận khác vừa giúp giảm chi phí xây dựng đê tốn kém vừa tuân theo quy luật tự nhiên: "Đắp đê chưa đủ, còn cần phải nâng cao nhận thức người dân để dừng phá hoại bờ biển và tái cân bằng hệ sinh thái. Chúng ta phải trồng lại rừng ngập mặn, dừa và có thể thiết lập các khu bảo tồn biển".

Rừng ngập mặn không chỉ ngăn sạt lở bờ biển mà còn là vũ khí hữu ích chống đỡ bão tố và sóng thần, thiệt hại sau bão ở mức thấp hơn các địa phương không có rừng che chở.

GS.TS Addo chua chát nhận xét: "Sạt lở là hiện tượng tự nhiên đã có từ xa xưa. Đến khi hoạt động của con người can thiệp vào, sạt lở mới trở thành vấn đề nghiêm trọng". Tại Ghana, ban đêm "cát tặc" lén lút khai thác cát bán lại cho các công ty xây dựng hoặc xây đê chắn sóng bảo vệ nhà họ.

Bãi biển thị trấn Elmina bị đào xới tan nát trong cơn sốt vàng năm 2011, khi hàng trăm thợ mỏ ra bờ biển đào tìm quặng quý bất hợp pháp. Đập thủy điện Akosombo trên sông Volta hoạt động từ năm 1965 cũng đã góp phần làm giảm lượng phù sa vốn có tác dụng bồi đắp cho những điểm sạt lở ven biển.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 1: Hàng rào bẫy phù sa ở Indonesia

TTO - Giải pháp mới: xây dựng hàng rào cho nước xuyên qua tại vùng nước nông theo phương pháp "xây dựng với thiên nhiên"...

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên