05/11/2022 10:08 GMT+7

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thần

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Khoảng 40% dân số thế giới sống ven biển và có nguy cơ bị bão tố, sóng thần tấn công. Một vũ khí hữu ích để chống đỡ bão tố và sóng thần chính là rừng ngập mặn.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thần - Ảnh 1.

Siêu bão Odette tàn phá thị trấn Del Carmen vào tháng 12-2021 - Ảnh: AFP

Rừng ngập mặn không chỉ ngăn sạt lở mà còn trở thành tấm khiên hóa giải tác động của sóng bão.

1km rừng ngập mặn có thể giảm 70% sức mạnh sóng thần và trữ bốn lần khí carbon hơn rừng nhiệt đới.

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LIÊN HIỆP QUỐC

Sống sót sau cuồng phong bão táp

Thị trấn nhỏ Del Carmen tọa lạc trên đảo Siargao (tỉnh Surigao del Norte) ở miền nam Philippines. Với dân số hơn 20.000 người, mỗi năm thị trấn đón tiếp hơn 200.000 du khách.

Ngoài du lịch, người dân còn sống nhờ nông nghiệp và đánh cá. Do vị trí đầu sóng ngọn gió nhìn ra Thái Bình Dương, thị trấn thường xuyên đương đầu với bão tố, triều cường, nước biển dâng.

Trung tuần tháng 12-2021, siêu bão Odette (tên quốc tế là bão Rai) đổ bộ lên đảo Siargao với cường độ bão cấp 5 theo thang bão Saffir-Simpson. Trời mưa dữ dội. Sức gió lên tới 195km/h. Cuồng phong tàn phá mọi thứ. 

Sau cơn bão, 100% cơ sở hạ tầng tư nhân và công cộng bị hư hại, hơn 6.700 gia đình mất kế sinh nhai do nhà cửa và tàu đánh cá hư hỏng. 

Tuy nhiên, tổ chức quốc tế phi lợi nhuận Rare (Mỹ) đánh giá nếu không có chính sách khôi phục rừng ngập mặn và trồng lại khoảng 600ha trong tám năm trước đó, Del Carmen có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn nhiều.

Ông Jully Pallear ở làng Parina không bao giờ quên ngày 8-11-2013 khi siêu bão Yolanda (tên quốc tế là bão Haiyan) sắp đổ bộ vào tỉnh Đông Samar (Philippines). Ông vội vàng đưa vợ và sáu con đến chỗ cao xa bờ biển, sau đó quay trở lại giúp đỡ người già yếu, người neo đơn vào nhà thờ trú ẩn. 

Bão ập đến. Mặc dù 123/153 căn nhà trong làng bị hư hại nhưng làng không chịu chung số phận với hơn 6.300 người chết và không bị san bằng như ở thị trấn Tacloban. Ông nói với báo Rappler: "Nếu không có rừng ngập mặn, nước sẽ còn dâng cao hơn và tất cả chúng tôi chết chắc".

Người dân thị trấn General MacArthur thuộc tỉnh Đông Samar cho biết họ mắc nợ các vạt rừng ngập mặn rất nhiều trong siêu bão Yolanda. 

Hàng trăm căn nhà bị cuồng phong quật đổ, tuy nhiên người đứng đầu thị trấn giải thích nhờ rừng ngập mặn kết hợp với kế hoạch sơ tán hoàn hảo nên không có người dân nào thiệt mạng trong khi thị trấn lân cận có đến 64 người chết. 

Chị Marianita Calbao chỉ tay vào hai doi đất cách vịnh chưa đầy 1km và nói: "Nhờ mấy hòn đảo ở đó, rừng ngập mặn cũng ở đó". 

Chương trình phát thanh The World (Mỹ) dẫn lời GS Rene Rollon ở Đại học Philippines đánh giá: "Rừng ngập mặn dày đặc đã đánh tan năng lượng sóng bão, nhờ đó đã bảo vệ được thị trấn".

Trên đảo Silonay - một địa chỉ du lịch sinh thái nổi tiếng của Philippines, chị Amma Bool nhớ đến siêu bão Yolanda và kể: "Chúng tôi không đi sơ tán. Mọi người ở lại vì nghĩ rằng rừng ngập mặn sẽ bảo vệ". 

Họ đã quyết định đúng. Chị nhận xét về tác động tàn phá của bão với thị trấn Tacloban: "Đây là lời cảnh báo cho dân địa phương chúng tôi. Họ biết bão Yolanda đã phá hủy Tacloban thế nào và vì sao đảo Samar được cứu sống nhờ rừng ngập mặn".

TS Saudamini Das (Ấn Độ) và TS Jeffrey R. Vincent (Mỹ) đã nghiên cứu 409 ngôi làng trên bờ biển phía đông Ấn Độ bị trận siêu bão Odisha năm 1999 càn quét làm gần 10.000 người thiệt mạng. 

Họ kết luận có mối tương quan nghịch đáng kể giữa số người chết trong làng với chiều rộng rừng ngập mặn giữa làng với bờ biển. Tại bang Orissa, người dân đã được cảnh báo sơ tán nhưng vì nhiều lý do nhiều người vẫn ở lại và rừng ngập mặn đã cứu sống họ.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thần - Ảnh 3.

Ngư dân đánh bắt cá ở rừng ngập mặn Pichavaram (bang Tamil Nadu của Ấn Độ) - Ảnh: epw.in

Lá chắn sinh học giảm tác hại sóng thần

Sáng sớm ngày 26-12-2004, động đất mạnh 9,1 độ Richter xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra (Indonesia). Đáy biển nâng lên 40m chỉ trong vài giây phát sinh sóng thần tàn phá các nước dọc Ấn Độ Dương. 

Khoảng 230.000 người thiệt mạng, trong đó tỉnh Aceh (Indonesia) bị nặng nhất với khoảng 167.000 người. Kênh truyền hình The Weather Channel (Mỹ) dẫn chứng nhiều nghiên cứu thực địa chứng minh bộ rễ và tán cây rậm rạp của rừng ngập mặn có thể giảm sức tàn phá của sóng thần.

Kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh về bờ biển phía tây tỉnh Aceh của TS Juan Carlos Laso Bayas ở Đại học Hohenheim (Đức) cho thấy rừng ngập mặn trồng chắn trước các khu dân cư đã làm giảm bình quân 8% số nạn nhân thương vong trong sóng thần (khoảng 10.000 người) nhưng không làm giảm thiệt hại về cấu trúc. 

Nghiên cứu của hai nhà khoa học Tetsuya Hiraishi và Kenji Harada (Nhật) ghi nhận nếu vành đai rừng ngập mặn dày 100m, sóng thần có thể giảm tới 90% sức tàn phá. Tại Indonesia, số người chết trên đảo Simeulue gần tâm chấn tương đối thấp, một phần nhờ rừng ngập mặn.

Tại Ấn Độ, các nhà nghiên cứu nhận thấy trong 12 ngôi làng ở bờ biển đông nam, làng nào nằm sau rừng ngập mặn dù rậm rạp hoặc thưa thớt đều ít bị thiệt hại hơn làng không có rừng. 

Rừng ngập mặn ở Pichavaram thuộc huyện Cuddalore (bang Tamil Nadu) đã bảo vệ tốt xóm làng cách rừng từ 100m-1.000m. Còn tại Malaysia, Hiệp hội Phúc lợi ngư dân ven bờ bang Penang đã ghi nhận mức thiệt hại thấp hơn tại các khu vực có rừng ngập mặn bảo vệ.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 3: Rừng ngập mặn đương đầu bão tố và sóng thần - Ảnh 4.

Cua khổng lồ sống trong rừng ngập mặn tỉnh Aceh, Indonesia, đem lại sinh kế cho người dân Ảnh: steemit.com

Một tiết lộ thú vị khác là bốn quốc gia bị sóng thần tàn phá nặng nề gồm Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan đã mất 28% diện tích rừng ngập mặn trong giai đoạn năm 1980-2000, tức từ hơn 5 triệu ha rừng đã giảm chỉ còn 3,6 triệu ha. 

Chính phủ các nước kể trên đã nhận ra sai lầm khi coi rừng ngập mặn là vùng đất vô dụng và để xảy ra nạn chặt phá cây rừng không thương tiếc.

Nhà khoa học môi trường Agus Halim ở Indonesia có vợ và hai con thiệt mạng trong thảm họa sóng thần năm 2004. Sau đó, ông đã giúp Chính phủ Indonesia tổ chức xây dựng lại hệ sinh thái ven biển bị hư hại. 

Ông khẳng định trên tạp chí New Scientist (Anh): "Rừng ngập mặn rất quan trọng trong vai trò bảo vệ các khu vực ven biển vì chúng có thể hấp thụ năng lượng sóng". Ông hy vọng với hàng ngàn héc ta rừng trồng quanh tỉnh Aceh hiện nay, nếu sóng thần xảy ra lần nữa, mức thiệt hại chắc chắn sẽ giảm rất nhiều.

Ngư dân Kenya mất dần nguồn cá. Họ đã chăm sóc rừng đước để trữ khí carbon bán kiếm tiền. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới liên kết rừng ngập mặn với thị trường carbon xanh thế giới.

Rừng ngập mặn nhiều lợi ích cho con người

Rừng ngập mặn bao gồm các nhóm cây và cây bụi chịu mặn mọc ven biển các vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Rừng ngập mặn có khoảng 70 loài chia thành 19 họ và 28 chi như đước, mắm, vẹt, bần.

Rừng ngập mặn giữ vai trò vành đai phòng hộ tạo vùng đệm an toàn giữa đất liền và biển. Thân, lá và bộ rễ che chắn gió, giữ lại phù sa, duy trì độ dốc nông có công dụng hấp thụ năng lượng sóng và giảm năng lượng gió đi qua tán cây rậm.

Rừng còn cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái khác như nguyên liệu thô, duy trì nghề cá, giải trí và hấp thụ carbon.

Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở? Chiến đấu với thủy thần - sống chung hay đọ sức? - Kỳ 2: Đê chắn sóng có ngăn được sạt lở?

TTO - Con đường dẫn đến thị trấn Elmina trên bờ biển miền nam Ghana giống cảnh quan in trên bưu thiếp với nước biển xanh biếc, rặng dừa mát rượi và pháo đài Saint-Georges-de-la-Mine xa xa - một địa danh du khách phải ghé thăm.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên