08/08/2023 19:46 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị dừng các lễ hội để chia sẻ với bà con vùng lũ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị dừng các hoạt động lễ hội, không tập trung đông người khi không cần thiết vào thời điểm này để chia sẻ khó khăn của bà con vùng lũ, với những gia đình có người chết, mất tích cũng như tránh rủi ro.

Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải sau trận lũ quét tối 5-8 - Ảnh: C.TUỆ

Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải sau trận lũ quét tối 5-8 - Ảnh: C.TUỆ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đề nghị như vậy tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương miền núi và trung du Bắc Bộ, chiều 8-8.

Theo ông Hoan, những ngày vừa qua, khu vực miền núi phía Bắc, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang... đã xảy ra mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất làm 13 người chết. Nhiều nhà ở, công trình, cơ sở vật chất, giao thông, thủy lợi, nước sạch… bị thiệt hại.

Ông Hoan gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị nạn. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực, đóng góp của các địa phương và các cơ quan liên quan đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Dẫn dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, mưa ở miền Bắc còn kéo dài tới ngày 10 hoặc 11-8. Sau đó tới 10 ngày cuối tháng 8, miền Bắc khả năng sẽ có một đợt mưa kéo dài tiếp theo.

Do đó, các địa phương chỉ có 10 ngày để tập trung khắc phục và chuẩn bị ứng phó với đợt mưa tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong đối phó với thiên tai, mưa lũ, càng có kinh nghiệm lại càng không được chủ quan - Ảnh: TÙNG ĐINH

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong đối phó với thiên tai, mưa lũ, càng có kinh nghiệm lại càng không được chủ quan - Ảnh: TÙNG ĐINH

Ông Hoan nhấn mạnh trong đối phó với thiên tai, mưa lũ, càng có kinh nghiệm lại càng không được chủ quan. Các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chủ động kiểm tra, rà soát, phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét.

"Trong 13 trường hợp chết và mất tích đợt mưa lũ này có những trường hợp do chủ quan dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Đề nghị làm sao phát huy mạng lưới truyền thông cơ sở, phải nhắc đi nhắc lại, cảnh báo trước và trong mùa mưa" - ông Hoan nhấn mạnh.

Cơ quan khí tượng thủy văn cần tăng cường tần suất các bản tin dự báo cảnh báo. "Chúng ta không sợ thừa mà sợ bà con mất cảnh giác. Chính quyền mỗi địa phương cũng cần có một bản đồ cảnh báo, dự báo để xem khu vực nào có nguy cơ cao, khu vực nào có nguy cơ thấp, từ đó có sự quan tâm tập trung hơn" - ông Hoan nói.

Một điểm nữa được ông lưu ý các địa phương cần có những sáng kiến về thông tin truyền thông về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất làm sao tới thôn, bản, nhất là những điểm có nguy cơ cao.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến ngày 8-8, mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt ở miền núi phía Bắc đã làm 13 người chết và mất tích, 58 nhà sập, 297 nhà bị hư hại…

Đây là đợt mưa lớn với tổng lượng mưa từ 300 - 400mm, kéo dài nhiều ngày, đất ở trạng thái bão hòa nước gây lũ quét sạt lở đất tại nhiều điểm.

Công tác chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương, người dân chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó có lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở nên đã giảm thiểu thiệt hại.

Xã Hồ Bốn, Mù Cang Chải ngổn ngang, tan hoang sau lũ quétXã Hồ Bốn, Mù Cang Chải ngổn ngang, tan hoang sau lũ quét

Gần 2 ngày sau trận lũ quét, xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) vẫn bị cô lập, đất đá ngập các bản và trung tâm xã. Theo Chủ tịch UBND xã Sùng A Bình, nhu yếu phẩm cũng bắt đầu cạn kiệt do lũ cuốn trôi hoặc bị ngập trong bùn đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên