04/05/2023 10:27 GMT+7

Bích họa ở Tam Thanh: Đừng đẩy người dân và họa sĩ về hai phía xa nhau

Vụ việc những bức bích họa ở làng chài Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam) bị người dân chê xấu và không gần gũi cho thấy có một số vấn đề trong quá trình tạo ra tác phẩm.

Bức bích họa vẽ người đàn ông kéo lưới ở làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) - Ảnh: LÊ TRUNG

Bức bích họa vẽ người đàn ông kéo lưới ở làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) - Ảnh: LÊ TRUNG

Về những bức bích họa ở làng chài Tam Thanh, dân địa phương chỉ biết tổng thể bức bích họa và có ý kiến sau khi tranh đã thành hình, dù chúng được vẽ lên chính tường nhà họ.

Độ vênh lớn giữa nghệ sĩ và đại chúng

Thực tế loạt bích họa này không xấu, tạo hình của tác giả khoác lên một màu sắc mới cho làng chài.

Bức bích họa người đàn ông kéo lưới được cân chỉnh cho phù hợp với bố cục hình chóp của căn nhà, hình thể nhân vật gợi cảm hứng từ nghệ thuật Champa được phôi thai và sinh trưởng ở mảnh đất miền Trung.

Tuy nhiên vắng bóng dấu ấn của người dân trong những tác phẩm này.

Sự việc còn cho thấy độ vênh rất lớn trong khía cạnh văn hóa thẩm mỹ giữa đại chúng và một họa sĩ đã qua quá trình tìm hiểu nghệ thuật.

Người dân vốn quen thuộc với các bức tranh có tính minh họa cao, theo đó hình ảnh, ý tưởng phải trực quan, dễ hiểu.

Sự gắn bó mật thiết giữa tranh cổ động với đời sống người dân trong thời gian dài có thể cũng dẫn đến điều này. Về phía mình, họa sĩ thường đề cao tính diễn ý của tác phẩm, vẽ mây mà không phải mây, đàn ông mà không là đàn ông.

Bất hòa xảy ra khi người dân không thể cứ đi đoán ý họa sĩ mà người vẽ cũng không thể cứ chiều theo ý đại chúng để "đẽo cày giữa đường".

Ở một bài viết mang tựa Nhiệm vụ bất khả thi? Thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật hiện đại và công chúng, tiến sĩ Deborah Rothschild cho rằng: "Các nghệ sĩ càng thường xuyên tuyên bố rằng mình muốn phá vỡ ranh giới giữa nghệ thuật và cuộc sống thì họ lại càng xa lánh công chúng.

Ban đầu khán giả có thể tiếp cận nghệ thuật với một tâm hồn cởi mở, nhưng dần dà họ cho rằng các nghệ sĩ đang diễu hành trong bộ quần áo mới của hoàng đế hoặc đang chơi khăm công chúng.

Nếu không được chỉ dẫn, ai sẽ đi ngưỡng mộ cái bồn tiểu của Marcel Duchamp, quả bóng rổ chìm trong bể nước của Jeff Koons, chưa kể đến những cảnh ăn uống bẩn thỉu và nhếch nhác của Paul McCarthy?".

Như tiến sĩ Deborah Rothschild đã nêu ra, "sự chỉ dẫn" là yếu tố quan trọng để khoác một bộ quần áo thật sự lên người của hoàng đế.

Điều này đúng không chỉ trong trường hợp tác phẩm nghệ thuật đặt ở phòng triển lãm mà còn với những bức bích họa cho người dân làng chài. Họa sĩ không nhất thiết cứ phải hỏi ý người dân muốn vẽ gì lên tường và làm theo, thay vào đó, họ nên tìm cách "giao tiếp" với công chúng của mình.

Cần sự cộng hưởng giữa người dân và bích họa

Anh Trần Ngọc Sinh, một họa sĩ có nhiều năm sinh sống tại Myanmar, cho biết người dân Myanmar ở một vài thành phố thường có thói quen mua tranh của các hoạ sĩ nghiệp dư về treo trong nhà.

Ở bang Shan có một nhóm họa sĩ vẽ tranh ngay giữa đường phố và bán những tác phẩm ngay tại đó cho người dân để lấy tiền mua màu, giấy vẽ. Người dân nơi đây cũng thường đến các triển lãm để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.

Sự kết nối mật thiết đã tạo nên bầu không khí tương hỗ lẫn nhau giữa người dân và giới nghệ sĩ.

Cách đây hai tháng, họa sĩ Đào Văn Hoàng đã thực hiện một bộ tranh tường về chủ đề sinh vật đại dương ở Trường mầm non La Petite Ecole (quận 2, TP.HCM).

Để các học sinh được tham gia quá trình tạo nên tác phẩm, họa sĩ đã đánh dấu một số khu vực cho trẻ vẽ thêm vào.

Chúng có thể in dấu bàn tay hoặc vẽ những con cá nhỏ mà không ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể.

Hình thức tiếp cận này khiến những khán giả nhí của bức bích họa thấy gắn kết với tác phẩm và thế giới hoang dã thực sự gần gũi với mình.

Tạo nên sự cộng hưởng giữa người dân bản địa và bức bích họa còn khó hơn cả quá trình tạo tác.

Đó không chỉ là công việc của riêng họa sĩ mà còn thuộc trách nhiệm của những người lên kế hoạch dự án.

Ở một nơi đã quá nổi tiếng với những bức bích họa như làng chài Tam Thanh, lẽ ra chuyện sáng tác phải nằm trong một quy trình khắt khe, sâu sát hơn. Và cũng đừng đẩy người dân và họa sĩ về hai chiến tuyến xa nhau.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Project for Public Space, nghệ thuật công cộng được phân biệt với nghệ thuật được trưng bày trong các bảo tàng theo ba đặc điểm chính sau:

Thứ nhất, nghệ thuật công cộng phải được ủy quyền theo một quy trình công khai và cộng đồng người dân có vai trò rõ ràng trong quá trình lựa chọn nghệ sĩ, địa điểm, tác phẩm nghệ thuật.

Thứ hai, tiền tài trợ cho dự án được lấy từ nguồn ngân sách công. Điều này đồng nghĩa với việc tác phẩm phải làm hài lòng nhiều đối tượng khán giả (chứ không chỉ với giới nghệ sĩ, hội đồng tuyển chọn) và vì sử dụng tiền ngân sách, tác giả cũng phải có trách nhiệm giải trình công khai.

Thứ ba, tác phẩm phải được thiết kế theo các tiêu chuẩn khắt khe để có thể tồn tại lâu bền ở môi trường ngoài trời (thường từ 20 đến 50 năm).

Vẽ con trâu không ra trâu, đàn ông có ngực..., dân làng bích họa Tam Thanh chêVẽ con trâu không ra trâu, đàn ông có ngực..., dân làng bích họa Tam Thanh chê

Người dân sống ở làng bích họa Tam Thanh "chê" một số bức tranh vẽ trên tường nhà, cho rằng có tính trừu tượng cao, không phù hợp với không gian làng biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên