09/03/2024 17:52 GMT+7

Nữ giới bị rong kinh kéo dài, nguy cơ mắc bệnh lý nào?

Rong kinh nếu lơ là, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh, hiếm muộn, cướp đi 'thiên chức' làm mẹ của chị em phụ nữ.

Phụ nữ bị rong kinh kéo dài nếu lơ là có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn - Ảnh: dedaunan.com

Phụ nữ bị rong kinh kéo dài nếu lơ là có thể dẫn đến vô sinh, hiếm muộn - Ảnh: dedaunan.com

Bác sĩ Trần Thị Mộng Tuyền - khoa sản Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết rong kinh là hiện tượng lượng máu kinh nguyệt ra kéo dài hơn so với chu kỳ bình thường.

Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt, việc hành kinh kéo dài trung bình khoảng 3-5 ngày.

Khi kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày được xem là rong kinh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rong kinh như mất cân bằng hormone. Cụ thể, hormone estrogen và progesterone ở phụ nữ sẽ giúp điều chỉnh sự tích tụ niêm mạc tử cung bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu có một loại hormone nào thiếu hụt gây mất cân bằng, niêm mạc tử cung sẽ phát triển quá mức, dẫn đến lượng máu kinh ra nhiều.

Những nguyên nhân có thể làm mất cân bằng hormone ở phụ nữ gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh lý tuyến giáp, tình trạng béo phì, kháng insulin…

Ngoài ra, rong kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng buồng trứng. Nếu trứng không rụng vào chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể phụ nữ không thể sản xuất ra hormone progesterone như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường làm mất cân bằng hormone, hệ quả là rong kinh.

U xơ tử cung cũng là nguyên nhân gây rong kinh. U xơ tử cung là bệnh lý lành tính nhưng cũng có thể làm cho chu kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.

Một số nguyên nhân khác có thể liên quan đến rong kinh như: lạc nội mạc tử cung, tình trạng lạc nội mạc trong cơ tử cung có thể gây đau bụng, chảy máu, khiến người bệnh thấy lượng máu kinh nhiều hơn, hành kinh kéo dài.

Ngoài ra có thể mắc polyp tử cung. Polyp lành tính, kích thước nhỏ nằm trên niêm mạc tử cung có thể gây chảy máu kéo dài hoặc có thể liên quan đến mang thai do sẩy thai hoặc thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu bất thường.

Trường hợp sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc chống đông, thuốc nội tiết có thể gây hành kinh kéo dài.

Các bệnh lý khác như rối loạn đông máu di truyền (như bệnh VonWillebrand), ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, hay rối loạn tiền mãn kinh cũng có thể dẫn đến rong kinh.

Rong kinh cũng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của phương pháp đặt vòng tránh thai.

Bác sĩ Tuyền cho biết rong kinh khiến chị em thiếu máu do mất máu quá nhiều vào mỗi chu kỳ kinh. Khi bị thiếu máu, chị em sẽ thấy khó thở, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thiếu sức sống...

Nguy hiểm hơn có thể gây vô sinh, hiếm muộn. Nguyên nhân là khi bị rong kinh, máu sẽ có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập gây bệnh.

Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên vòi trứng, buồng tử cung… gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Đối với viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang… nếu lơ là, không thăm khám và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây vô sinh, hiếm muộn, cướp đi “thiên chức” làm mẹ của chị em phụ nữ.

Nữ giới làm gì khi bị rong kinh?

Bác sĩ Tuyền khuyến cáo khi phát hiện bị rong kinh, nữ giới cần đi khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng nhất.

Thông qua thăm khám tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn cách xử trí hiệu quả nhất, giải quyết triệt để tình trạng này, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản.

Những điều cần biết về chứng bệnh rong kinhNhững điều cần biết về chứng bệnh rong kinh

Rong kinh là là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 1 tuần và lượng máu mất đi vượt quá 80ml.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên