20/07/2023 12:33 GMT+7

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 2: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

"Hãy tin tôi đi, bóng đá nữ sẽ có mặt ở vòng chung kết World Cup trước cả nam cho mà xem...". Tác giả của câu nói này là ông Trần Thanh Ngữ, vào đầu thập niên 1990, khi ông đang là trưởng Phòng Thể dục Thể thao quận 1, TP.HCM.

Những cô gái Việt lần đầu dự SEA Games tại Indonesia 1997, hiện vẫn còn nhiều người gắn bó sự nghiệp bóng đá trong vai trò huấn luyện viên như Kim Hồng - huấn luyện viên thủ môn đội tuyển hiện nay - Ảnh tư liệu

Những cô gái Việt lần đầu dự SEA Games tại Indonesia 1997, hiện vẫn còn nhiều người gắn bó sự nghiệp bóng đá trong vai trò huấn luyện viên như Kim Hồng - huấn luyện viên thủ môn đội tuyển hiện nay - Ảnh tư liệu

Từ đội bóng nữ đầu tiên châu Á đến sự trở lại đầu thập niên 1990

Ông đã mất được 17 năm. Ông, với cách gọi thân thương của giới thể thao chỉ là "Tư Ngữ", là cha đẻ của không chỉ bóng đá nữ mà cả xe đạp nữ, aerobic. Thậm chí môn billiards - ngày nay đã có những tay cơ đẳng cấp thế giới như Trần Quyết Chiến - cũng có công lớn của ông Tư!

Lịch sử bóng đá nữ châu Á sẽ phải ghi tên Việt Nam, khi ở đất nước này đã có một đội bóng đá của nữ nhi được thành lập từ năm 1933. Ngày ấy, kỹ sư canh nông Phan Khắc Sửu đi học từ Pháp về và ông quyết định thành lập một đội bóng nữ với tinh thần nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ là chính. Đội bóng đầu tiên ấy mang tên Cái Vồn.

Theo lịch sử, thời Pháp thuộc, vào năm 1932, quận Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ đã được đổi tên thành quận Cái Vồn. Đến năm 1957, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã sắp xếp lại và Cái Vồn thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, Cái Vồn là một phường thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Phan Khắc Sửu là một người sinh ra ở Trà Ôn, nên việc ông trở về quê hương thành lập đội bóng đá nữ Cái Vồn là điều dễ hiểu. 

Đội bóng nữ đầu tiên ngày ấy gồm 30 người, trong đó có cả Pháp lẫn Việt, và ngoài các trận đấu tập với nhau, đội nữ Cái Vồn cũng có vài trận giao hữu với nam giới ở địa phương. Tuy nhiên tuổi thọ của đội nữ Cái Vồn chỉ kéo dài đúng 5 năm, khi các nữ cầu thủ lần lượt lập gia đình và không có đội ngũ kế thừa. Đặc biệt, cha đỡ đầu - ông Phan Khắc Sửu - do tham gia hoạt động đấu tranh đòi độc lập cho Việt Nam nên bị chính quyền thuộc địa đày đi Côn Đảo 8 năm, dẫn đến việc tan rã đội bóng đá nữ đầu tiên của châu Á.

Hơn nửa thế kỷ sau, cũng một người Tây học - ông Trần Thanh Ngữ, tốt nghiệp ngành dược tại Pháp, sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 tham gia lĩnh vực thể thao và giữ chức trưởng Phòng Thể dục Thể thao quận 1, TP.HCM - đã bắt tay gầy dựng lại bóng đá nữ.

Ông Tư Ngữ là một người có nhiều sáng kiến, táo bạo, luôn làm những điều mới mẻ. Không chỉ có bóng đá nữ, ông cũng chính là người gầy dựng phong trào đua xe đạp nữ, thể dục nhịp điệu (sau này nâng cao lên là sport aerobic). Nhân vật này có vô số chuyện độc đáo, như môn billiards vốn thời kỳ đầu thập niên 1990 vẫn bị xem là một món giải trí không lành mạnh.

Sở Thể dục Thể thao TP.HCM hồi ấy muốn tổ chức một giải billiards mừng Xuân nhưng nộp hồ sơ mãi vẫn không được lãnh đạo TP.HCM trả lời. Thế là ông Tư Ngữ xung phong đi giải quyết. Ông bước vào phòng làm việc của vị phó chủ tịch phụ trách văn xã với tấm ảnh Bác Hồ chơi billiards và hỏi: Tại sao môn này bị xem là xấu? Và thế là khai thông thế bế tắc cho billiards, giúp môn này ngày nay của Việt Nam đã có những tay cơ tầm cỡ thế giới!

Ông Trần Thanh Ngữ (đeo kính) và các cô gái bóng đá nữ đời đầu ở Tao Đàn - Ảnh: tư liệu

Ông Trần Thanh Ngữ (đeo kính) và các cô gái bóng đá nữ đời đầu ở Tao Đàn - Ảnh: tư liệu

Bóng đá nữ TP.HCM không thể đi một mình...

Trở lại với bóng đá nữ, ông Tư Ngữ đã lấy sân Tao Đàn do Phòng Thể dục Thể thao quận 1 quản lý làm đại bản doanh. Lực lượng của đội bóng đầu tiên là ông đi thuyết phục khắp nơi, đặc biệt từ các cô các chị làm những công việc bấp bênh. 

Nếu ngày ấy chúng ta có một cô thợ may Tường Vân khét tiếng trong làng đua xe đạp, thì các chị đá bóng đầu tiên là đến từ... chợ Cầu Muối! Kế đến là những cô gái cũng làm thợ may, bán bánh mì... như Kim Chi, Kim Hồng... mà nay đang nằm trong ban huấn luyện đội tuyển nữ Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm tháng đầu tiên của bóng đá nữ quận 1 (TP.HCM) không hề suôn sẻ chút nào. Ngay chính lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao TP.HCM lúc ấy cũng không ủng hộ. Xem ra cái quan điểm "đàn bà con gái mà mặc quần cộc đi đá banh" là hình ảnh phản cảm, vẫn còn in đậm trong đầu óc nhiều người. 

Thế nên mới có một giai thoại mà ông Tư Ngữ khi kể về những năm tháng đầu tiên của bóng đá nữ vẫn thường nhắc lại: "Trong một chuyến đưa đội nữ đi Tây Ninh đá giao hữu với một đội nam, đang trên đường thì nghe mật báo đích thân giám đốc Sở Thể dục Thể thao chạy Vespa rượt theo bắt! Thế là tôi (ông Tư Ngữ) cho chị em cầu thủ nằm rạp người xuống sàn, xuống ghế rồi lấy bạt che lại để thoát khỏi mắt vị giám đốc".

Sau này, ông Mai Bá Hùng - nguyên phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao, khi đó đang là một nhân viên của sở, minh oan cho lãnh đạo. "Khi đó, có ý kiến muốn cấm bóng đá nữ vì hồi đó rất khó để tổ chức được một trận bóng chỉ giữa các cô gái với nhau. Nên phần nhiều đội nữ khi ra sân phải đá với đội nam, thường là đội trẻ hoặc lão tướng. Hình ảnh này bị nhiều người xem là phản cảm", ông Mai Bá Hùng nói.

Xem ra bóng đá nữ khó có thể phát triển nếu chỉ mỗi mình quận 1 đơn thân độc mã làm. Thế là, trong một chuyến mà Sở Thể dục Thể thao Hà Nội vào TP.HCM đi học hỏi kinh nghiệm ở Phòng Thể dục Thể thao quận 1 do đích thân giám đốc Hoàng Vĩnh Giang dẫn đầu, ông Tư Ngữ đã đề nghị thủ đô cùng quận 1 phát triển bóng đá nữ. Tại đây, ông khẳng định với ông Giang rằng: "Hãy tin tôi đi, bóng đá nữ sẽ có mặt ở World Cup trước bóng đá nam".

Ông Hoàng Vĩnh Giang cũng là một con người ưa thích những điều mới mẻ. Nếu ở phía Nam có ông Tư Ngữ mở ra những món mới như bóng đá nữ, xe đạp nữ, sport aerobic thì ở Hà Nội ông Giang phát triển nhảy cầu, bắn cung, pencak silat... Ngay lập tức, ông đồng ý và về triển khai ngay.

Khi đã có được hai đội Hà Nội và Quận 1 - TP.HCM, ông Tư Ngữ bắt đầu chiến dịch quảng bá rộng rãi cho bóng đá nữ, dù nó vẫn chưa được ngành thể thao chấp nhận. 

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tư Ngữ tổ chức cuộc đua xe đạp Về Điện Biên vô cùng hoành tráng. Cuộc đua xuất phát ở Hà Nội, lên Điện Biên và đúng chiều 7-5 có chặng đua quanh đồi A1. Sau đó, đoàn về Hà Nội và đua vào TP.HCM. Tháp tùng đoàn đua có cả hai đội bóng đá nữ, và các cô đã thi đấu giao hữu để gây tiếng vang tại một số địa phương mà đoàn đua đi qua như Sơn La, Mộc Châu, Điện Biên...

Đó chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho bóng đá nữ Việt Nam phát triển, và sau đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên vào giữa năm 1997 ở giải tiền SEA Games do Malaysia tổ chức.

Các cô gái bóng đá nữ phải tự lau sàn mỗi ngày – Ảnh: Tư liệu

Các cô gái bóng đá nữ phải tự lau sàn mỗi ngày – Ảnh: Tư liệu

Vừa đá bóng vừa đi bán bánh mì

Nếu không tính đội nữ Cái Vồn, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đầu tiên đầu tư bóng đá nữ một cách bài bản để lần đầu tiên đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 1985 tại Bangkok. Giải lần đầu này chỉ có ba đội, ngoài chủ nhà còn có thêm Singapore và Philippines. Tuy nhiên, sau đó thì nó gián đoạn đến 10 năm và chỉ trở lại tại SEA Games 1995 cũng tại Thái Lan.

Với Việt Nam, bóng đá nữ lần đầu tham dự SEA Games là vào tháng 12-1997 tại Indonesia và đoạt HCĐ. Trong những năm của cái thuở ban đầu ấy, các cô gái đá bóng vẫn còn phải sống bằng nghề chính của mình như làm thợ may, bán bánh mì.

"Đá như đánh ghen ấy!"

Vào cái thuở ban đầu còn đầy bỡ ngỡ, các vị huấn luyện viên cứ gào thét chỉ đạo đá pressing, tạt cánh, phối hợp nhỏ, một chạm... là những từ ngữ chuyên môn mà các cô đâu có rành. Thế là ngay cả ở SEA Games 1997, ông Tư Ngữ nhiều lần phải lên tiếng: "Tụi con đá như đánh ghen ấy"! Ông cười khà khà bảo: "Phụ nữ Việt Nam ai chả biết đánh ghen. Nói thế là bám sát, đá rát, đá quyết liệt chứ có gì đâu"!

-----------------

Đã tròn 26 năm tính từ hai cột mốc: chuyến xuất ngoại đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam vào tháng 7-1997 dự giải tiền SEA Games tại Malaysia và hôm nay là đến New Zealand dự VCK World Cup...

Kỳ tới: Nữ cầu thủ Việt đoạt cúp ngay chuyến xuất ngoại đầu tiên

Bóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 1: Huỳnh Như, thủ quân thế hệ vàngBóng đá nữ Việt Nam, 30 năm hành trình World Cup - Kỳ 1: Huỳnh Như, thủ quân thế hệ vàng

Ngay khi chúng tôi hỏi thăm tài xế xem có biết nhà Huỳnh Như hay không, bầu không khí trong xe trở nên chộn rộn hẳn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên