04/05/2024 11:52 GMT+7

Hoa đã nở trên những hố bom Điện Biên

Ngày 25-4-1954, người dân trại tập trung Noong Nhai nằm trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị giội bom napan và đạn pháo của quân Pháp. 444 người ngã xuống, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Người dân thường đến thắp hương ở tượng đài Noong Nhai tưởng nhớ những người đã mất - Ảnh: NAM TRẦN

Người dân thường đến thắp hương ở tượng đài Noong Nhai tưởng nhớ những người đã mất - Ảnh: NAM TRẦN

70 năm sau nỗi đau mất mát, đồng bào ở Noong Nhai càng thấm thía giá trị hòa bình.

Ông Lò Văn Hặc ở bản Noong Nhai 2 (xã Thanh Xương, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) ôm bó cỏ to quăng xuống ao. Bốn cái ao nuôi cá của ông xưa kia là những hố bom bỏ hoang. Tại cánh đồng Mường Thanh này, từng thửa ruộng, bờ ao được cải tạo từ những hố bom, hố pháo ở chiến trường năm xưa.

Người may mắn cuối cùng

70 năm sau vụ thả bom kinh hoàng ngày 25-4-1954, tìm về Noong Nhai chỉ còn ông Hặc là nhân chứng cuối cùng chứng kiến mảnh ghép đau thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày đó.

Năm nay đã ngoài 84, ông Hặc quắc thước, rắn rỏi như đá núi Điện Biên. Nhà cũ của ông ở giữa bản Noong Nhai 1, gần khu tưởng niệm Noong Nhai, cách căn nhà mới này một quãng đồng.

Hồi ức dội về, cậu thiếu niên 14 tuổi ngày ấy nhớ khoảnh khắc đang chơi cù với ba người bạn cùng bản thì bỗng nhiên trời tối đen như mực... 

"Tôi ngất đi, tỉnh dậy thì cả bốn người chúng tôi nằm trong đống củi. Bom nổ gần quá, gần như không còn nghe thấy gì", ông Hặc bàng hoàng nhớ lại.

Lúc ấy xung quanh toàn khói lửa, tiếng đạn pháo vẫn nổ, tiếng người kêu khóc, lửa cháy rần rật. Ông Hặc leo lên sàn nhà, bê cái ích (nồi đúc bằng đồng) mang ra bờ ao giấu, quay lại thì nhà đã bén lửa, cầu thang cháy và đổ sập xuống không vào được nữa.

Đồng bào Thái hay dùng cái ích đồng để đồ xôi, đời bố mẹ truyền lại đời con cái. Đến nay, nhà ông Hặc vẫn dùng cái ích ấy như là chứng tích cuối cùng của đau thương mà suốt cuộc đời ông chẳng bao giờ quên.

Bốn đứa trẻ chơi cù may mắn sống sót. Em trai ông Hặc tắm sông Nậm Rốm nghe tiếng nổ chạy về giữa đường bị mảnh pháo văng trúng bị thương ở chân. Người bác gần đó bị thương ở vai. Bố mẹ ông đi bắt cá ở ao xa, thoát nạn. Ông già 84 tuổi quắc thước nghẹn giọng nhắc lại ngày kinh hoàng.

Hồi ấy, bản Noong Nhai nuôi giấu bộ đội trong nhà. Ban ngày bộ đội rút ra ngoài hoặc ở trong hầm, ban đêm đào chiến hào đánh giặc. Bộ đội đến đánh Pháp được dân bản thương như con.

"Ban ngày người lớn đi làm nương nên ở bản toàn người già, phụ nữ với trẻ con. Sau vụ bỏ bom, ai còn sống thì đi chỗ khác ở, bản ấy nhiều năm sau chúng tôi mới quay lại", ông Hặc hồi tưởng.

70 năm đã qua, những người chứng kiến ngày đau thương ấy lần lượt ra đi, bốn người bạn thoát chết hôm ấy cũng chỉ còn mình ông Hặc. Nhân chứng cuối cùng ở Noong Nhai không thể quên hình ảnh người mất chân tay, người bị cháy kêu khóc trong lửa đạn.

Hình ảnh từng tốp bộ đội liều mình xông qua những cột khói của đạn pháo vào bản cứu người bị thương. Từng người được băng bó tạm rồi khiêng ra phía có chiến hào cho quân y chữa trị. Còn lại bộ đội chôn những người đã mất ở chính những căn hầm tránh bom.

Tổng cộng 444 người đồng bào các dân tộc đã mất trong trận bom ấy, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Nhà bên cạnh nhà ông Hặc có 12 người nhưng chỉ một người sống sót.

444 người đồng bào các dân tộc đã mất trong vụ bỏ bom ngày 25-4-1954 - Ảnh: NAM TRẦN

444 người đồng bào các dân tộc đã mất trong vụ bỏ bom ngày 25-4-1954 - Ảnh: NAM TRẦN

Cuộc sống mới ở bản văn hóa

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân bản Noong Nhai về lại nơi này dựng một nhà sàn nhỏ để thờ những người xấu số theo phong tục người Thái. Ngôi nhà ấy sau này lại bị bom Mỹ giội xuống. Khuôn viên khu tưởng niệm ban đầu hình vuông, mấy hố bom khoét sâu phía sau nên khu tưởng niệm bây giờ có hình bán nguyệt.

Vợ chồng ông Lò Văn Biến, bà Lò Thị Hinh có căn nhà sàn sau khu tưởng niệm Noong Nhai. Xung quanh có nhiều cái ao, bà Hinh kể đấy là những hố bom đã được sửa lại, dẫn nước về làm ao thả cá. Vào những ngày rằm, mùng một, lễ Tết, dân bản lại cùng nhau dọn dẹp, thắp hương dưới chân tượng đài Noong Nhai.

Tượng đài Noong Nhai nằm ngay bên quốc lộ 279. Ngoài cổng có tấm bia bê tông có hình quả bom và ngọn lửa. Giữa khuôn viên là bức tượng một người phụ nữ Thái bế một đứa trẻ, tay chân đứa bé đã thõng xuống...

Đồng bào người Thái nơi đây coi bức tượng đài như nơi thờ chung anh em, con cháu họ. Những thế hệ sau của bản như gia đình ông Biến luôn kể con cháu nghe về mảnh ghép đau thương năm ấy, nhắc nhở con cháu không bao giờ được phép lãng quên.

Ông Biến ngậm ngùi kể gia đình ông là người gốc ở bản Noong Nhai, ngày ấy quân Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh lập đồn. Chúng dồn dân quanh "lòng chảo" Điện Biên vào bốn bản như bốn trại tập trung.

Người dân bản Noong Nhai phần lớn chạy sang nước bạn Lào hoặc chạy về vùng giải phóng với bộ đội hoặc bản khác ở Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống.

Nghe bố mẹ ông kể lại ngày ấy quân Pháp kéo sập nhà, lấy cột về chống hầm. Nhà nào không chạy kịp bị chúng dồn về các trại tập trung. Ban ngày bị chúng bắt đi đào hào, khổ cực vô cùng.

Nhà ông Biến ngày ấy bỏ lại nhà cửa trốn vào rừng mới thoát nạn. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình trở về chứng kiến cả bản tan hoang, nhà cháy trơ trọi, hố bom hố đạn pháo nham nhở.

Ngày ông Biến còn trẻ, gia đình ông cùng bộ đội san lấp từng hố bom, dẫn nước làm ruộng. Bộ đội về xuôi vài năm lại ngược lên Điện Biên sống cùng dân bản, mang máy xúc máy ủi lên san ruộng, đào ao. Họ gỡ mìn, dọn thép gai, phát cỏ dại làm ruộng. Cuộc sống dần hồi sinh từ cánh đồng chết.

Về sau ông Biến xung phong đi bộ đội, làm lính biên phòng, đánh trận bảo vệ biên giới. Khi giải ngũ, ông trở về Noong Nhai, căn nhà sàn vách nứa ngày xưa được thay thế dần bằng vách gỗ.

Con đường toàn hố bom, lầy lội năm nào đã được đổ bê tông. Cả bản được chính quyền quy hoạch thành nơi bảo tồn văn hóa của đồng bào Thái. Cuộc sống bình yên, bà con dần khấm khá, an vui hơn.

Ông Lò Văn Hặc - nhân chứng cuối cùng vụ bỏ bom đau thương ở Điện Biên Phủ 70 năm trước - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Lò Văn Hặc - nhân chứng cuối cùng vụ bỏ bom đau thương ở Điện Biên Phủ 70 năm trước - Ảnh: NAM TRẦN

Cả bản hiện có hơn 90 hộ dân, không còn hộ nghèo, bản đã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đường sá thuận tiện, nhà cửa ruộng vườn khang trang sạch đẹp. 70 năm sau, dân bản vẫn chăm chút cho khu tưởng niệm Noong Nhai như khu đất thiêng của bản.

Những câu chuyện ngày xưa vẫn được nhắc nhớ cho con cháu. Thế hệ trẻ ở Noong Nhai bây giờ chăm chỉ làm ăn. Từ những câu chuyện của ông bà kể lại, họ càng thêm trân quý giá trị của hai chữ hòa bình.

Gia đình ông Lò Văn Biến có bốn người con, bảy đứa cháu ruột, nhưng có hơn chục đứa con nuôi. Bà Hinh dạy học, học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn bà đưa về ở nhà mình nuôi ăn học, cả ba đứa trẻ mồ côi người Lào, ai cũng gọi bà là mẹ.

Tình yêu thương đùm bọc của vợ chồng ông Biến cũng như đồng bào ở Noong Nhai đã giúp nhiều đứa trẻ khó khăn, mồ côi có cuộc sống mới và đổi thay số phận.

Thành phố Điện Biên Phủ rực cờ hoa trước thềm đại lễ 7-5Thành phố Điện Biên Phủ rực cờ hoa trước thềm đại lễ 7-5

Những ngày này, khắp các tuyến đường TP Điện Biên Phủ ngập tràn cờ hoa, banner, khẩu hiệu chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên