10/12/2023 08:07 GMT+7

Xung đột tại Gaza: Vì sao Mỹ vẫn đơn phương bảo vệ Israel?

Ngày 8-12, một lần nữa Mỹ lại phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi "lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức" ở Gaza, bất chấp sự phản đối của dư luận, kể cả việc một tổ chức nhân quyền cho rằng Mỹ có nguy cơ liên đới các tội ác chiến tranh.

Người dân dọn dẹp đống đổ nát ở gần ngôi đền thờ Hồi giáo tại Dải Gaza đã bị phá hủy trong đợt không kích của Israel vào ngày 8-12 - Ảnh: Reuters

Người dân dọn dẹp đống đổ nát ở gần ngôi đền thờ Hồi giáo tại Dải Gaza đã bị phá hủy trong đợt không kích của Israel vào ngày 8-12 - Ảnh: Reuters

Đặc phái viên của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Robert Wood, gọi nghị quyết đó là "mất cân bằng và xa rời thực tế", cho rằng nó sẽ không tạo ra thay đổi tích cực trên thực địa.

Ông Wood cũng phê phán các nước soạn nghị quyết vì đã bác bỏ các đề xuất sửa đổi, từ chối lên án việc Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10 và không gửi lời chia buồn đến các nạn nhân, ông gọi đây là điều "không thể hiểu được".

Chính trị thực dụng

Cuộc bỏ phiếu ngày 8-12 nâng số lần Mỹ sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ để ủng hộ Israel lên ít nhất 35 lần. Đây cũng là lần phủ quyết thứ hai của Mỹ kể từ khi nổ ra xung đột Hamas - Israel.

Trước đó Mỹ đã chặn một nghị quyết ngày 18-10 có nội dung lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel, đồng thời kêu gọi tạm dừng giao tranh để cho phép viện trợ nhân đạo vào được Gaza.

Tới nay, gần 17.500 người Palestine đã chết và hơn 46.400 người khác bị thương kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công của Hamas nhằm vào Israel hôm 7-10. Chiến dịch tấn công trên không và trên bộ của Israel vẫn không hề chậm lại.

Chính quyền ông Biden nhiều lần khẳng định Israel cần bảo vệ sinh mạng dân thường, không phạm phải những sai lầm mà Mỹ đã mắc phải từ sau sự kiện 11-9 và nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên việc Mỹ kiên trì bảo vệ Israel bất chấp dư luận chỉ trích và kêu gọi chấm dứt chiến tranh cho thấy một số hàm ý.

Trước tiên, nền chính trị thực dụng (realpolitik) vẫn là trung tâm trong cách tiếp cận của Mỹ đối với an ninh và xung đột khu vực. Tại Trung Đông, tầm nhìn chiến lược của Mỹ xoay quanh việc họ tăng cường ủng hộ các đồng minh truyền thống như Israel và Saudi Arabia, nhằm kiềm chế "kẻ thù truyền kiếp" là Iran.

Chiến lược cân bằng quyền lực giữa đồng minh và kẻ thù của Mỹ sẽ đảm bảo không quốc gia nào có thể vươn lên vị trí bá quyền ở khu vực để từ đó làm tổn hại các lợi ích của Mỹ tại đây.

Cách tiếp cận của Mỹ cũng gửi đi thông điệp một trật tự tại khu vực phải được củng cố qua việc tăng cường năng lực cho đồng minh.

Một Israel yếu ớt có thể làm giảm uy thế và gây tổn hại cho các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, nhất là khi Washington đã cam kết tăng cường hỗ trợ quân sự cho Israel nhằm đảm bảo Jerusalem vẫn chiếm ưu thế về quân sự so với bất cứ lực lượng nào khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, tính gắn kết của quan hệ Mỹ - Israel cũng mang tính chiến lược. Việc Washington ủng hộ một lệnh ngừng bắn có thể làm tổn thương mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nhất là khi cả hai đều coi Hamas là lực lượng đang đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực.

Một giải pháp ngừng bắn có thể được Hamas xem như động thái "nhún nhường" và làm giảm vị thế của Mỹ cũng như các cam kết của họ với Jerusalem.

Thách thức vẫn tồn tại

Thông qua việc ủng hộ Israel chống lại Hamas, Mỹ có thể tăng cường lòng tin đối với Israel để thúc đẩy các cuộc đàm phán do Washington làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và đối thủ chính trong khu vực là Saudi Arabia.

Mục đích của việc này là giúp Mỹ có một mặt trận thống nhất (gồm Mỹ, Israel và Saudi Arabia) để chống lại Iran, kẻ thù chung và là quốc gia hỗ trợ tài chính to lớn cho Hamas.

Tuy vậy về lâu dài, cuộc chiến kéo dài ở Gaza có thể đe dọa vị thế của Israel trong việc đóng vai trò là trung gian hay phương tiện giúp Mỹ kiến tạo hòa bình trong khu vực.

Ở phương diện khác, việc Mỹ kiên quyết ủng hộ Israel chống lại Hamas có thể ngăn cản các đối thủ khác trong khu vực, như Iran và Hezbollah, tận dụng tình hình an ninh bất ổn để leo thang xung đột.

Nhưng mặt trái là nó cũng có thể khuấy động tâm lý chống Mỹ tại Trung Đông khi các nước láng giềng chứng kiến thương vong gia tăng và sự tàn phá do Israel gây ra ở Gaza.

Song song đó, việc "vũ khí hóa" quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an khiến Mỹ đối diện với các chỉ trích gia tăng về nhân đạo và làm xói mòn các giá trị hòa bình, tự do mà siêu cường này luôn nhấn mạnh.

Hành động đơn phương của Mỹ cũng có thể làm suy yếu uy tín và khả năng triển khai các hoạt động duy trì hòa bình và an ninh quốc tế của cường quốc này.

Về lâu dài, sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ với Israel cũng sẽ làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Jerusalem vào Washington, nhất là trên phương diện ngoại giao và quân sự.

Khẳng định và thực hiện các cam kết cùng chung chiến tuyến với Israel giúp Mỹ tạo được ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề nội bộ của Israel, và giữ cho quốc gia Trung Đông này luôn trong phạm vi "kiềm tỏa" của họ.

Bộ Ngoại giao Mỹ vượt quyền Quốc hội khẩn cấp bán 14.000 viên đạn cho IsraelBộ Ngoại giao Mỹ vượt quyền Quốc hội khẩn cấp bán 14.000 viên đạn cho Israel

Chính quyền Tổng thống Joe Biden sử dụng quyền khẩn cấp để lập tức thông qua việc bán 14.000 viên đạn pháo xe tăng cho Israel mà không cần được Quốc hội thông qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Gaza israel dải Gaza Hamas