18/10/2023 09:45 GMT+7

Cục Đường bộ trả dữ liệu quá trễ, không kịp chặn xe Thành Bưởi đã vượt tốc độ 496 lần

Thông tin xe Thành Bưởi trước khi xảy ra tai nạn từng vượt tốc độ tới 496 lần trong ba tháng nhận được sự quan tâm của dư luận. Vì sao không kịp chặn chiếc xe này gây ra tai nạn thảm khốc tại Đồng Nai?

Vụ tai nạn giữa xe khách Thành Bưởi và xe 16 chỗ làm 5 người chết, 4 người bị thương - Ảnh: A.B.

Vụ tai nạn giữa xe khách Thành Bưởi và xe 16 chỗ làm 5 người chết, 4 người bị thương - Ảnh: A.B.

Xe vượt tốc độ và điệp khúc thu hồi - cấp lại phù hiệu

Hiện nay, danh sách xe vi phạm vượt tốc độ ghi nhận từ dữ liệu giám sát hành trình (GPS) được tổng hợp từ Cục Đường bộ Việt Nam thường có độ trễ từ 1-2 tháng. 

Sau khi có danh sách, các sở giao thông vận tải địa phương mới rà soát với doanh nghiệp và ra quyết định tước phù hiệu, cấm chạy đối với xe một tháng chạy quá tốc độ 5 lần/1.000km trở lên.

Với thời gian tổng hợp kéo dài như trên dẫn đến không thể ngăn chặn ngay sau khi xe chạy quá tốc độ. Trong thời gian chờ Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp và chờ địa phương ra quyết định, xe đang vi phạm tốc độ có thể chạy tiếp 1-2 tháng, thậm chí có nơi 3 tháng.

Để khắc phục việc này, Cục Đường bộ Việt Nam cần phải sớm nâng cấp, bổ sung tính năng cảnh báo xe vi phạm tức thì và có giải pháp trích xuất tự động gửi đến sở giao thông vận tải địa phương sớm hơn. 

Hoặc ít ra để tránh chuyện xe vi phạm chồng vi phạm đến cả vài ngàn lần, dữ liệu cũng cần được xử lý theo ngày, theo tuần...

Mặt khác, tại nghị định 10/2020 (có hiệu lực thi hành từ 1-5-2020) hiện không có quy định thời gian thu hồi phù hiệu cụ thể. Việc này dẫn đến mỗi địa phương đang áp dụng mỗi kiểu, có nơi cấp lại ngay, có nơi một tháng. 

Tình trạng nhà xe không nộp lại phù hiệu hoặc hoặc nộp lại ngay để được cấp lại trong thời hạn hai ngày Iàm việc là phổ biến. Việc này đã gây áp lực rất lớn cho các sở giao thông địa phương.

Trong khi đó, tại thông tư 10/2015 của Bộ Giao thông vận tải (đã hết hiệu lực từ ngày 15-7-2020) lại quy định chặt chẽ hơn. Các xe vi phạm tốc độ sẽ bị thu hồi phù hiệu một tháng. Giải pháp này đã ngăn ngừa, tạo tính răn đe cho tài xế, nhà xe.

Chính vì quy định đang có "khoảng lùi" đã mở ra lỗ hổng dẫn một số xe chạy quá tốc độ tháng này bị tước phù hiệu rồi xin cấp lại, tháng sau lại tiếp tục vi phạm. 

Việc cấp lại phù hiệu cũng miễn phí nên điệp khúc tước phù hiệu - cấp lại cứ lặp đi lặp lại. Chỉ riêng xe Thành Bưởi 9 tháng đầu năm đã bị tước 246 phù hiệu.

Còn xe khách biển số 50F-004.83 của nhà xe Thành Bưởi va chạm với xe 16 chỗ trên quốc lộ 20 tỉnh Đồng Nai ngày 30-9 trong tháng 5-2023 vượt quá tốc độ 321 lần, bị thu hồi phù hiệu. Nhà xe xin cấp lại tới tháng 6 lại vi phạm 114 lần và bị tước phù hiệu. Tháng 7 xe này lại vi phạm tốc độ 61 lần.

Xe vi phạm tốc độ chồng chất, vì ai?

Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM - nói rằng việc lắp đặt thiết bị GPS với mục đích thông qua công nghệ có thể xử lý kịp thời các xe vi phạm, ngăn chặn tai nạn giao thông. 

Thế nhưng có xe vi phạm cả ngàn lần mà một vài tháng sau mới có thể cấm chạy hoặc chưa có chế tài nặng để mang tính răn đe là hồi chuông đáng báo động. Từ đây, những vụ tai nạn gây đau thương cho gia đình và xã hội vẫn xảy ra vì chưa thể ngăn chặn kịp thời xe chạy quá tốc độ.

"Xe kinh doanh vận tải gắn GPS đã triển khai khoảng 10 năm qua. Như vậy, suốt thời gian này việc sử dụng nguồn dữ liệu GPS để ngăn chặn kịp thời xe vi phạm rõ ràng là có bất cập. Vì sao Cục Đường bộ Việt Nam không sớm nâng cấp, xử lý cho hiệu quả?",  ông Tính nói.

Còn theo ông Khương Kim Tạo - nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chính vì thời gian thống kê và chuyển về để các địa phương xử lý vẫn còn hạn chế nên mới tích tụ những vụ vi phạm giao thông theo kiểu chồng chất. 

Lẽ ra cơ quan chức năng nên xử lý vi phạm trong thời gian ngắn hoặc ngay lập tức, vi phạm lần nào thì xử lý ngay lần đấy, vi phạm bao nhiêu lần thì xử lý bấy nhiêu.

Về vấn đề tước phù hiệu, ông Tạo cho biết cần nghiên cứu kỹ lưỡng vì chiếc xe không có lỗi, lỗi là do người cầm lái. 

Vì vậy cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định phải phạt tiền người cầm lái để họ tự thay đổi hành vi vi phạm của mình. Đồng thời phạt tiền cả hợp tác xã, đơn vị quản lý các tuyến xe để họ thay đổi thái độ quản lý.

"Các lái xe đã vi phạm cũng cần có thêm biện pháp chế tài là cấm lái xe một thời gian nhất định. Hợp tác xã, đơn vị quản lý sẽ điều tài xế khác để lái xe đấy. Không nên đi theo hướng tước phù hiệu lâu hoặc tước cho có rồi trả lại ngay sẽ không có ý nghĩa", ông Tạo cho hay.

Xe Thành Bưởi gây tai nạn ở Đồng Nai từng vượt tốc độ 496 lần trong 3 thángXe Thành Bưởi gây tai nạn ở Đồng Nai từng vượt tốc độ 496 lần trong 3 tháng

Xe Thành Bưởi trong vụ tai nạn trên quốc lộ 20 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai từng bị tước phù hiệu do vi phạm tốc độ 496 lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên