25/08/2022 11:45 GMT+7

Vườn sâm Ngọc Linh của người dân Kon Tum 'hết bệnh'

TRẦN HƯỚNG
TRẦN HƯỚNG

TTO - Sau khi xảy ra hiện tượng sâu bệnh làm thiệt hại hàng chục nghìn cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo người dân không dùng chế phẩm hóa học để xử lý sâu bệnh nhằm đảm bảo chất lượng sâm.

Vườn sâm Ngọc Linh của người dân Kon Tum hết bệnh - Ảnh 1.

Người dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) xử lý cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm sâu bệnh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Sáng 25-8, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết từ đầu năm 2022 mưa đá, sương muối kéo dài làm vườn sâm của gần 1.000 hộ dân tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Kon Tum) bị nhiễm sâu bệnh, thiệt hại ước tính hơn 20 tỉ đồng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh do người dân chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật.

Cụ thể, vườn và khu vực ươm cây giống chưa có mái giàn che, còn để mưa tác động trực tiếp vào cây gieo ươm, cây mạ. Mùn làm giá thể gieo ươm và trồng chủ yếu là đất mặt, cỏ tranh, lá cây khô, mùn cưa từ cây gỗ chưa qua xử lý. Dụng cụ trồng, gieo ươm cây con bằng những rổ hay khay nhựa, dùng cây gỗ chắn thành luống….

Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết sau khi hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, xử lý và phòng ngừa, đến nay đã khống chế, kiểm soát được sâu bệnh gây hại trên cây sâm Ngọc Linh.

Vườn sâm Ngọc Linh của người dân Kon Tum hết bệnh - Ảnh 2.

Người dân xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Ông Võ Sỹ Chung - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum - cho biết vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu các loại thuốc sinh học có hiệu quả cao để phòng trừ sâu, bệnh hại cây sâm.

"Đơn vị đã phối hợp các cơ quan liên quan tập huấn kỹ thuật trồng, phòng trừ sâu bệnh hại sâm Ngọc Linh cho người dân. Hiện tại, vườn sâm của người dân không còn cây bị nhiễm bệnh" - ông Chung nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, khi vườn sâm có rệp sáp, rệp muội xuất hiện với mật độ cao, sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học Sokupi 0,5SL để diệt trừ, chế phẩm này vừa đem lại hiệu lực phòng trừ cao vừa an toàn khi phun trên cây sâm Ngọc Linh.

Khi cây sâm có triệu chứng bệnh chết rạp phải di chuyển sang vườn cách ly; đồng thời xử lý bằng chế phẩm sinh học Validan 5SL. Còn đối với cây sâm bị bệnh thán thư, xử lý bằng các chế phẩm sinh học như Microtech-1(NL) hoặc Bacillus subtilis (như Biobac 50WP).

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, theo dõi và kịp thời hướng dẫn xử lý các vấn đề liên quan đến quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh. Hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei chủ động làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, xem xét có giải pháp hỗ trợ xử lý nợ bị rủi ro (cho gia hạn nợ, khoanh nợ, giãn nợ,...) đối với các hộ dân vay vốn tín dụng chính sách. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Vườn sâm Ngọc Linh của người dân Kon Tum hết bệnh - Ảnh 4.

Đến hiện tại vườn sâm Ngọc Linh của gần 1.000 hộ dân đến nay đã khống chế được sâu bệnh hại - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Kon Tum hỗ trợ thiệt hại cho người trồng sâm Ngọc Linh bị chết Kon Tum hỗ trợ thiệt hại cho người trồng sâm Ngọc Linh bị chết

TTO - Sáng 16-8, UBND tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương, đơn vị liên quan hỗ trợ cho người dân có vườn sâm Ngọc Linh bị chết do mưa đá và sâu bệnh hại.

TRẦN HƯỚNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên