22/05/2024 05:31 GMT+7

Vụ trực thăng chở Tổng thống Iran gặp nạn: Vẫn còn nhiều câu hỏi

Tai nạn có thể xảy ra bất cứ đâu, nhưng không phải mọi tai nạn đều như nhau. Vụ trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bị rơi cho tới nay vẫn thiên nhiều về nguyên nhân do thời tiết xấu nhưng vẫn còn một số câu hỏi chưa được giải đáp.

Đoàn xe tang chở thi thể Tổng thống Ebrahim Raisi và những quan chức tử nạn đi qua đám đông ở thành phố Tabriz, tỉnh East Azerbaijan, ngày 21-5 - Ảnh: AFP

Đoàn xe tang chở thi thể Tổng thống Ebrahim Raisi và những quan chức tử nạn đi qua đám đông ở thành phố Tabriz, tỉnh East Azerbaijan, ngày 21-5 - Ảnh: AFP

Ngày 21-5, Iran bắt đầu tổ chức lễ quốc tang kéo dài 5 ngày tưởng niệm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, một ngày sau khi ông qua đời trong vụ rơi trực thăng tại khu vực biên giới giữa Iran với Azerbaijan.

Dòng người đưa tiễn cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và các quan chức tử nạn - Nguồn video: AFP

Trong khi hàng ngàn người thương tiếc ông, lại cũng có không ít kẻ mở tiệc ăn mừng. Iran đến nay vẫn kín đáo về các chi tiết vụ việc, bất chấp hàng loạt giả thuyết đang được đồn đoán.

Nhiều câu hỏi đang tìm lời giải đáp

Chiếc trực thăng chở ông Raisi, người được nhận định sẽ là ứng viên kế nhiệm tiềm năng của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, gặp nạn tại một khu vực đồi núi và rừng rậm hiểm trở giữa thời tiết sương mù.

Ngồi cùng ông Raisi trên trực thăng còn có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian; thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan, ông Malek Rahmati và giáo chủ khu vực Tabriz, tây bắc Iran, ông Mohammad Ali Al-e-Hashem. Họ đang trên đường trở về sau khi dự lễ khánh thành một đập thủy điện hợp tác với Azerbaijan.

Theo truyền thông địa phương, chiếc Bell 212 gặp nạn là một trong ba chiếc trực thăng trong đoàn. Hai chiếc còn lại chở Bộ trưởng Năng lượng Ali Akbar Mehrabian và Bộ trưởng Nhà ở và giao thông Mehrdad Bazrpash đã quay về thành phố Tabriz an toàn.

Ngay sau tai nạn, hơn 40 đội cứu hộ và máy bay không người lái quân sự đã được triển khai tìm kiếm.

Theo Hãng tin IRNA, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo cho biết họ đã xác định được vị trí chính xác của vụ tai nạn sau khi nhận được tín hiệu từ trực thăng và điện thoại di động của một thành viên phi hành đoàn. Thậm chí, giáo sĩ Mohammad Ali Al-e Hashem đi cùng ông Raisi vẫn còn sống sau đó và gọi điện cầu cứu.

"Ông ấy (giáo sĩ Mohammad Ali Al-e Hashem) vẫn còn sống trong khoảng một giờ sau khi trực thăng rơi. Ông ấy thậm chí còn trao đổi qua điện thoại với ông Gholam-Hossein Esmaeili, người đứng đầu Văn phòng tổng thống" - ông Mohammad Hassan Nami, lãnh đạo Cơ quan Tình huống khẩn cấp Iran, nói.

Giáo sĩ đi chung Tổng thống Iran, còn sống một giờ sau khi máy bay rơi - Nguồn video: AFP

Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ mất hơn 10 giờ mới tìm thấy xác chiếc trực thăng bị vỡ làm đôi. Theo giới phân tích, với địa hình như vậy dù nhóm cứu hộ đến sớm hơn cũng không thể cứu sống được ai.

Khi gặp nạn, chiếc trực thăng cũng không phát tín hiệu khẩn cấp, điều mà giới phân tích cho rằng có thể phi công đã gặp vấn đề về kiểm soát.

"Phi công có lẽ quá tập trung vào việc hạ cánh chiếc trực thăng hoặc giữ nó trên bầu trời. Có vẻ như chiếc trực thăng vỡ làm đôi, rất có thể cánh quạt ở đuôi đã bị cắt rời do cánh quạt chính va vào đuôi", Đài Al Jazeera dẫn lời nhà phân tích hàng không Kyle Bailey.

Các thuyết âm mưu

Đến nay, Tehran nói vụ tai nạn xảy ra do "trục trặc kỹ thuật" nhưng không tiết lộ gì thêm.

Thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thiết bị phát đáp trên chiếc trực thăng sản xuất từ những năm 1960 này đã bị tắt hoặc không có. Điều này phần nào cho thấy tình trạng những chiếc máy bay nói chung ở Iran cũ kỹ và không được bảo dưỡng đầy đủ do các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, nhiều quan chức Iran cũng thiệt mạng trong những vụ rơi máy bay tương tự.

Điều này kết hợp với tình trạng thời tiết mưa, sương mù lạnh giá có thể là sự giải thích phù hợp nhất cho tai nạn.

Trên Đài CNN, nhà phân tích quân sự Cedric Leighton cho rằng "với mức nhiệt dưới 10oC, ở khu vực có độ cao lớn (như núi cao) có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng các cánh quạt bị đóng băng. Cũng có khả năng đã xảy ra lỗi động cơ".

"Yếu tố khác là việc bảo trì. Liệu chiếc trực thăng có được bảo dưỡng đúng cách hay không?", ông đặt câu hỏi.

Trong khi đó, phi công Nga Vadim Bazykyn cho rằng lỗi không hoàn toàn do máy móc.

"Khu vực miền núi có những đặc điểm riêng. Trước tiên và quan trọng nhất là có sự khác biệt lớn ở khu vực sườn đón nắng và sườn khuất nắng. Phi công giàu kinh nghiệm bay ở núi sẽ biết rất rõ điều này và cần phải lường trước mọi thứ", Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Bazykyn nói.

Tuy nhiên, tất cả những lý giải đó vẫn không ngăn được các giả thuyết khác được bàn tán, từ việc cho rằng đây là âm mưu ám sát ông Raisi của Israel, Mỹ, mà cả Tel Aviv và Washington đã lên tiếng phủ nhận, cho đến khả năng chiếc trực thăng đã bị phá hoại.

Trên mạng xã hội X thậm chí còn xôn xao giả thuyết cho rằng chiếc trực thăng đã bị vũ khí quân sự, có thể là thiết bị phát laser từ không gian, cắt làm đôi.

Lỗi gián tiếp của Mỹ?

"Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng này là Mỹ. Bằng việc cấm vận mua bán trong ngành công nghiệp hàng không đối với Iran, Washington đã gây nên cái chết của tổng thống và các đồng sự", cựu bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21-5 cũng cho rằng lệnh trừng phạt của Washington đã làm giảm độ an toàn hàng không tại Iran.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng khẳng định Mỹ không liên quan và cũng chẳng có trách nhiệm gì trong việc này.

Iran nói trực thăng chở Tổng thống Raisi rơi do Iran nói trực thăng chở Tổng thống Raisi rơi do 'trục trặc kỹ thuật'

Giới chức Iran khẳng định vụ tai nạn trực thăng cướp đi sinh mạng của Tổng thống Ebrahim Raisi hôm 19-5 là do 'trục trặc kỹ thuật' từ chiếc Bell 212.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên