04/07/2019 15:54 GMT+7

Vòng xoáy căng thẳng mới ở Biển Đông

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

TTO - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tố cáo Trung Quốc, phóng tên lửa đạn đạo chống hạm từ các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong cuộc tập trận ở Biển Đông kéo dài một tuần, kết thúc hôm 3-7.

Vòng xoáy căng thẳng mới ở Biển Đông - Ảnh 1.

Đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát trái phép - Ảnh: AMTI/CSIS

Điều này cho thấy kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không có điểm dừng. Biển Đông có thể rơi vào một vòng xoáy căng thẳng mới.

Thách thức Mỹ

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào các mục tiêu di động trên biển ở khu vực Biển Đông từ đảo nhân tạo, thay vì vào các mục tiêu giả lập ở sa mạc Gobi như trước đây.

Việc này gây phản ứng từ giới chức quân sự Mỹ cũng dễ hiểu, do Trung Quốc hiện nay đang sở hữu tên lửa chống hạm siêu thanh CM-401 có tầm bắn ngắn khoảng 290km và tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21/DF-21D có tầm bắn xa tới 1.700km. Chúng được mệnh danh là "sát thủ hàng không mẫu hạm", khi có thể hạ gục các tàu sân bay cỡ lớn.

Do đó, không khó đoán quân đội Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới ai ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm

YJ-12B ở các đảo nhân tạo Chữ Thập, Vành Khăn và Xubi, nhưng tên lửa đạn đạo chống hạm nguy hiểm ở chỗ nó có tốc độ siêu thanh từ Mach 6 đến Mach 10, do đó có thể vượt qua hệ thống rađa phòng thủ.

Trung Quốc đã từ lâu không hài lòng và coi các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) của Mỹ và các quốc gia đồng minh xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc là hành động khiêu khích. Đặc biệt khi mật độ các chuyến tuần tra này thường xuyên hơn dưới thời Tổng thống Trump, với tần suất trung bình 1 chuyến/tháng.

Ngoài ra, vào giữa tháng 6-2019, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã tập trận với tàu sân bay cải biến Izumo của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản ở khu vực Biển Đông. Đây được coi là cách Mỹ và đồng minh muốn chứng minh họ sát cánh bên nhau trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Do đó, việc Trung Quốc cho bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Trường Sa mang tính cảnh báo, thách thức đối với các hoạt động hải quân sắp tới của Mỹ ở khu vực Biển Đông.

Không kiềm chế, có thể va chạm

Việc phóng tên lửa chống hạm cũng mang tính biểu dương khả năng quân sự của Trung Quốc đối với các quốc gia khác trong khu vực. 

Việc bắn thử cũng là chỉ dấu cho việc Trung Quốc hoàn thiện năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) cho các đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng và từ từ làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực này, khi các đảo dần trở thành các pháo đài quân sự quy mô, án ngữ đường hảng hải quốc tế với đầy đủ cơ sở hạ tầng, khí tài quân sự hiện đại và ngày càng tối tân như hải cảng, đường băng dài khoảng 3km đủ cho các máy bay thả bom H-6K, máy bay chiến đấu cất và hạ cánh, hệ thống rađa, tên lửa đất đối không HQ-9B, tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B.

Tuy nhiên, việc bắn thử tên lửa đạn đạo chống tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông cũng báo hiệu một cuộc chạy đua tăng cường quân sự mới ở khu vực vốn đã quá đông đúc, chật chội với lưu lượng hàng hóa trị giá hơn 3 tỉ USD trung chuyển hằng năm.

Mặc dù Mỹ tuyên bố không ủng hộ phe tranh chấp nào ở Biển Đông, nhưng họ tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải và thách thức bất kỳ hành vi nào của Trung Quốc đe dọa điều đó. 

Điều này cũng được thể hiện ở bản báo cáo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào đầu tháng 6-2019, khi Trung Quốc được coi là cường quốc xét lại.

Các cuộc đụng độ hải quân có thể không xảy ra nhưng căng thẳng sẽ được đẩy lên cao trong thời gian sắp tới, khi Mỹ muốn đẩy mạnh một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong khi Trung Quốc muốn khống chế Biển Đông. Va chạm có thể không tránh khỏi nếu các bên thiếu kiềm chế.

Các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải xác định bày tỏ thái độ nếu vòng xoáy căng thẳng tiếp tục trong thời gian tới.

Niềm tin xa xỉ

Niềm tin vào lời hứa không quân sự hóa khu vực Trường Sa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2015 đã trở nên xa xỉ. Các tuyên bố sau đó của giới chức quân sự Trung Quốc đã chứng minh lời hứa của ông Tập Cận Bình chỉ là vở kịch.

Tháng 6-2019, ở Đối thoại Shangri-la, tướng Ngụy Phương Hòa, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tái khẳng định quan điểm rằng Trung Quốc có quyền lắp đặt vũ khí trên các đảo nhân tạo để đối phó với các mối đe dọa ở Biển Đông.

Philippines điều tra việc Trung Quốc phóng tên lửa trên Biển Đông Philippines điều tra việc Trung Quốc phóng tên lửa trên Biển Đông

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết Philippines sẽ mở cuộc điều tra riêng đối với thông tin Trung Quốc phóng tên lửa mới đây trên Biển Đông.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên