10/06/2020 08:22 GMT+7

Vì sao Triều Tiên cắt liên lạc liên Triều?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Với việc cắt đứt liên lạc liên Triều, Bình Nhưỡng có thể đang cố tạo ra một cuộc khủng hoảng để thoát khỏi… khủng hoảng, khi nước này hiện nay không hài lòng với cả Hàn Quốc và Mỹ.

Vì sao Triều Tiên cắt liên lạc liên Triều? - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Un (trái) bắt tay ông Moon Jae In tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử diễn ra ở khu vực an ninh chung Bàn Môn Điếm tháng 4-2018 - Ảnh: AFP

"Triều Tiên sẽ cắt đứt và đóng hoàn toàn đường dây liên lạc giữa chính quyền phía Bắc và phía Nam, vốn đã được duy trì thông qua văn phòng liên lạc chung cũng như các đường dây liên lạc khác, từ lúc 12h ngày 9-6-2020" - Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9-6 thông báo, "hiện thực hóa" những lời đe dọa trước đó của giới lãnh đạo Triều Tiên.

Từ nồng ấm sang nguội lạnh

Với quyết định "cắt đứt tất cả đường dây liên lạc" liên Triều, gồm các đường dây nóng giữa các văn phòng của hai nhà lãnh đạo và quân đội hai nước, Triều Tiên nói rằng động thái này chỉ là khởi đầu của những gì mà theo họ là "kế hoạch theo giai đoạn phục vụ hoạt động đối phó kẻ thù".

Từ lâu, Hàn Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các đường dây nóng như vậy để ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang không mong muốn giữa quân đội hai nước khi căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.

Sau thông báo trên, Hàn Quốc cùng ngày xác nhận phía Triều Tiên đã không trả lời các cuộc gọi thường nhật thông qua đường dây liên lạc từ Seoul, gồm cả đường dây nóng quân sự. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun Soo nói rằng đây là lần đầu tiên Triều Tiên không trả lời các cuộc gọi quân sự, kể từ lúc các đường dây nóng được nối giữa hai bên vào năm 2018.

Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc: "Các đường dây liên lạc giữa phía Nam và phía Bắc là một phương tiện liên lạc cơ bản và cần được duy trì phù hợp với các thỏa thuận liên Triều".

Tông giọng của Triều Tiên ngày 9-6 hoàn toàn trái ngược với thời điểm cách đây hai năm, khi mối quan hệ liên Triều trở nên nồng ấm. Ông Moon Jae In đã có chuyến thăm Bình Nhưỡng và trở thành lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên phát biểu trước công chúng Triều Tiên vào tháng 9-2018.

Tuy nhiên sau đó, khi quan hệ Mỹ - Triều xấu đi, quan hệ Hàn - Triều nhanh chóng nguội lạnh theo.

Đòn bẩy đàm phán

Theo trang Politico, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang cố tình tạo ra căng thẳng để tăng sự đoàn kết trong nước hoặc để khởi động một hành động khiêu khích lớn hơn khi vẫn đang đối diện với lệnh cấm vận dai dẳng của Mỹ.

Thời gian qua Triều Tiên đã gây áp lực để buộc Hàn Quốc phớt lờ sức ép của Mỹ và cải thiện quan hệ kinh tế liên Triều. Bình Nhưỡng yêu cầu Seoul mở lại dự án du lịch chung tại khu nghỉ dưỡng núi Kim Cương và một khu công nghiệp chung ở Kaesong. Cả hai nơi này đều là những nơi tạo ra nguồn thu quan trọng cho Triều Tiên trước khi bị đóng cửa.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã từ chối khởi động lại các dự án này và kêu gọi Triều Tiên trước hết có các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa. Và thế là Bình Nhưỡng ngày càng gay gắt với chính quyền của ông Moon Jae In.

Cây bút Laura Bicker của Đài BBC cho rằng có thể động thái của Triều Tiên không chỉ liên quan tới vấn đề các nhà hoạt động phát tán truyền đơn chống Triều Tiên từ phía biên giới Hàn Quốc - thứ mà giới lãnh đạo Triều Tiên gần đây gọi là hành động thù địch, mà đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Bình Nhưỡng.

"Triều Tiên có thể đang tạo ra một cuộc khủng hoảng để sử dụng căng thẳng làm lực đòn bẩy trong các cuộc đàm phán sau đó" - Laura Bicker bình luận và cho rằng Bình Nhưỡng đang muốn thu hút sự chú ý cũng như đòi hỏi điều gì đó từ Seoul giống như đã làm vào năm 2013.

Rất có thể đó là một đòn bẩy để đàm phán kinh tế, trong bối cảnh Triều Tiên đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh cấm vận. 

Ngày 9-6, Hãng tin Reuters dẫn lời Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, kêu gọi các nước cân nhắc nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì nước này đang gặp nhiều khó khăn sau COVID-19. Ông này nói việc giao thương khó khăn trong đại dịch cộng với các lệnh trừng phạt đã khiến hiện tượng đói khát bắt đầu xảy ra.

"Ẩn số" Kim Yo Jong

Kim Yo Jong, người em gái của ông Kim Jong Un, dường như đã nổi lên như một nhân vật quyền lực số 2 tại Triều Tiên, trang Korea Times bình luận. Chuyên gia đánh giá trong quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc, ông Kim Jong Un phụ trách gửi những lời chúc tốt đẹp còn bà Kim Yo Jong phụ trách tung ra những chỉ trích gay gắt.

Thời gian qua, người ta chứng kiến bà tích cực tham gia chính sự, đặc biệt liên quan quan hệ liên Triều. Trong căng thẳng mới nhất, bà là người đã tung những cảnh báo cứng rắn, từ dọa đóng văn phòng liên lạc liên Triều cho tới dọa chấm dứt thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự giữa hai nước.

KCNA: Triều Tiên sẽ cắt mọi liên lạc với Hàn Quốc KCNA: Triều Tiên sẽ cắt mọi liên lạc với Hàn Quốc

TTO - Từ trưa 9-6, Triều Tiên sẽ bắt đầu cắt các đường dây liên lạc tại văn phòng liên lạc liên Triều và cắt đường dây nóng giữa quân đội hai nước, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên