30/04/2019 09:15 GMT+7

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - 'Tự dưng lúc đó nhớ má, ước gì má còn sống để thấy các con dù hai bên chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ yêu thương...'

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 1.

Ông Lữ Công Bảy vẫn ứa nước mắt nhớ ngày anh em hai phía được đoàn tụ năm 1975 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước khi chết, má chỉ ước nguyện anh em có ngày được đoàn tụ yêu thương.

Ông LỮ CÔNG BẢY

"Anh em ôm nhau khóc. Bao năm đạn bom chia cắt, ngày gặp lại, ảnh không hỏi tôi đi lính Sài Gòn ra sao mà chỉ nhắc bận nhỏ mình chia nhau củ khoai. Tự dưng lúc đó nhớ má, ước gì má còn sống để thấy các con dù hai bên chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ yêu thương".

Vừa lần giở những tấm ảnh ố màu thời gian, ông Lữ Công Bảy vừa ngân ngấn nước mắt tâm sự những kỷ niệm đặc biệt của anh em mình.

Hai bên chiến tuyến

Một gia đình mà ông Bảy nói giống như nhiều gia đình khác trên quê hương phải trải qua bao bom đạn, đau thương này. Anh vào bưng theo kháng chiến, em đi lính quốc gia. Những di ảnh trên bàn thờ mặc áo lính khác nhau nhưng đều cùng cha, cùng mẹ...

"Đây anh hai tôi, Lữ Công Trực, sinh năm 1931, cựu thượng tá Bộ tư lệnh TP.HCM. Đây anh ba tôi, Lữ Công Thiểu, cựu trung tá, phó tham mưu trưởng Tỉnh đội An Giang. Những người này là em tôi, không quân, thủy quân lục chiến..." - ông Lữ Công Bảy cũng trầm giọng nhắc về mình: thượng sĩ giám lộ, chứng nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Gợi lại kỷ niệm không quên, ông Bảy nghèn nghẹn giọng kể trước ngày 30-4-1975, chỉ huy chiến hạm đã nói rõ với cấp dưới là sẽ dùng tàu di tản ra nước ngoài, ai muốn đi thì đi, ai muốn ở lại thì tùy. 

Ông Bảy phải ở lại đến đêm cuối cùng, đảm đương kỹ thuật chuẩn bị cho tàu khởi hành. Nhưng trước khi tàu ra khơi, ông đã leo thang dây xuống để ở lại. Phía sau con tàu, ông còn có gia đình, các anh em và người cha già mà mình không thể rời xa.

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 3.

Các anh ông Bảy sớm tham gia kháng chiến

"Từ đáy lòng, tôi không thể nào quên được cảm giác ngày hòa bình đầu tiên sau bao nhiêu năm chiến tranh. Thật sự là lòng cũng có ngổn ngang, lo lắng, nhưng vẫn vui, vui lắm. Những ngày tháng 4-1975 nóng bỏng, chính con tàu tôi đã chở người di tản dần xuống phía Nam. 

Tôi phải chứng kiến bao nhiêu người bị thương, bao nhiêu tử thi, đạn bom, máu đổ khắp nơi. Ngày đầu tiên không còn tiếng súng, không còn người phải chết, lòng chợt yên ả, đầm ấm lạ thường" - ông Bảy kể ngay khi chiến tranh chấm dứt, anh em ông từng ở hai bên chiến tuyến đã cố gắng đi tìm nhau. 

Đó là mong mỏi của cha già và cũng là ước nguyện của má ông trước khi qua đời.

Nhưng đó là câu chuyện của thời khắc hòa bình đầu tiên...

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 4.

Ông Lữ Công Bảy - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thời cuộc xô đẩy

Ngược dòng thời gian, ông Bảy tâm sự gốc gác gia đình mình ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đời nội là ông hội đồng, nhưng cha ông là giáo viên và tham gia kháng chiến, giành chính quyền Bến Tre năm 1945. 

Anh hai Lữ Công Trực và anh ba Lữ Công Thiểu của ông cũng vào bưng, theo kháng chiến từ hồi chín năm đánh Pháp. Riêng cha họ đến năm 1949 được tổ chức cho về Sài Gòn để chữa bệnh phổi và bí mật hoạt động kinh tài phục vụ kháng chiến.

Lẽ ra ông Bảy cũng về phía cách mạng từ năm 1954, khi anh hai tập kết ra Bắc muốn dẫn ông theo cùng. Nhưng má đã kéo tay ông Bảy lại, bởi ngày đó ông còn là cậu bé 9 tuổi.

Bước ngoặt lịch sử gia đình bắt đầu từ năm 1960, khi cha ông Bảy bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Gia đình sa sút nặng nề. Má ông phải đi ở đợ kiếm tiền nuôi con, ông Bảy và các chị em còn lại người thì gánh nước mướn, người bán cà rem dạo. Buổi tối, họ về ngủ nhờ ở chái nhà thương thí. Tuy nhiên, các anh em vẫn cố gắng học giỏi.

Năm 1965, ông Bảy đi lính, và nhờ có điểm học hành cao nên được chuyển vào hải quân, làm giám lộ. Hai em trai ông cũng lần lượt đi lính. Người kế làm kỹ thuật trong sửa chữa máy bay mà không trực tiếp tham chiến. Riêng em út vào lính thủy quân lục chiến, nhưng cũng chưa tham chiến do hòa bình ngay sau đó.

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 5.

Ông Lữ Công Bảy lúc còn làm giám lộ trên chiến hạm Trần Khánh Dư trước năm 1975

"Tôi vẫn nhớ, ba nhiều lần khuyên tụi tôi đi quân dịch thì cũng phải ráng ra làm kỹ thuật, đừng cầm súng ra chiến trường. Hai anh lớn đang ở phía kháng chiến, ba tin thế nào cũng có ngày anh em gặp nhau" - ông Bảy kể thêm năm 1974, cha mình được móc nối về Vĩnh Thuận, Kiên Giang, thăm người con trai Lữ Công Thiểu đang là tham mưu phó Tỉnh đội Long Châu Hà. 

Biết tin các em ở nhà mặc áo lính phía bên kia, ông Thiểu chùng xuống. Rồi ông thức suốt đêm để viết lá thư rất dài gửi các em.

Nhiều năm gợi lại kỷ niệm này, ông Bảy vẫn nghẹn giọng: "Khi đọc lá thư cha tận tay cầm về, tôi đã khóc rất nhiều. Ảnh không hề trách móc chúng tôi mà chỉ nhắc kỷ niệm bận nhỏ anh em đã yêu thương, đùm bọc nhau thế nào. Đến cuối thư, ảnh khuyên các em giống như cha từng khuyên: thôi thời cuộc đưa đẩy các em phải đi lính phía bên kia thì ráng là lính kỹ thuật, đừng cầm súng chĩa vào anh em, đồng bào mình".

Ông Bảy xúc động tâm sự đọc hết lá thư dài mấy ngàn chữ chỉ thấy tình yêu thương ruột thịt và những lời khuyên nhủ chân thành. Chính nhờ đó mà ông và hai em đi lính Sài Gòn đã quyết ở lại quê hương mà không chọn di tản. 

Hồi gia đình chuyển về ở quận 10, ông Bảy đã đi lính Sài Gòn nhưng vẫn biết rõ cha mình lấy nhà làm cơ sở cách mạng, che giấu người hoạt động kháng chiến. Con trai mặc áo lính bên kia không một lời can ngăn, mà chỉ khuyên cha nên kín đáo, tình hình ngày càng ác liệt.

Lúc đó, ông Bảy cũng có tin anh hai Lữ Công Trực đang là chính trị viên tiểu đoàn pháo binh Bắc Việt tham chiến khốc liệt ở vùng đất lửa Quảng Trị...

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 6.

Ông Lữ Công Bảy - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày đoàn tụ yêu thương

30-4-1975, đất nước rẽ sang bước ngoặt lịch sử mới. Việc làm đầu tiên của ông Bảy là về Sài Gòn thăm cha già, rồi xuống ngay Long Xuyên, An Giang tìm anh trai Lữ Công Thiểu.

"Đến giờ tôi vẫn không thể quên được anh em chúng tôi ôm chặt lấy nhau sau bao năm ở hai bên chiến tuyến. Anh em ôm chặt nhau mà khóc thành tiếng. Đâu ai ngờ những người từng mặc áo lính vẫn có thể khóc như vậy. 

Rồi suốt đêm đó, chúng tôi không thể ngủ được, cứ ngồi chong đèn tâm sự với nhau. Chuyện lạ là không ai nhắc đến trận mạc, đánh đấm, mà chỉ kể chuyện xưa, chuyện anh em hồi nhỏ đi tắm mưa, bắt cá...".

Gặp được anh ba ngay khi đất nước thống nhất, nhưng phải ba tháng sau ông Bảy mới ôm được anh hai. Bởi trước đó ông Lữ Công Trực bị thương ở A Sầu, Thừa Thiên - Huế nên được đưa ra Bắc chữa trị. 

Giữa tháng 7-1975, ông mới vào Sài Gòn và tìm gặp ngay ba người em trai từng đi lính phía bên kia. 44 năm đã qua rồi, ông Bảy vẫn ứa nước mắt kể lại cuộc hội ngộ đặc biệt này: "Ảnh không la, không dạy dỗ gì hết, mà lại tâm sự cứ nhớ hồi má đi bệnh viện sanh tôi có ảnh đi cùng. 

Ảnh kể còn nhớ rất rõ tôi sanh vào dịp hội nghị Fontainebleau, tức năm 1946, chứ đâu phải như giấy tờ của tôi là năm 1945".

Ước gì má còn sống để thấy các con 2 chiến tuyến vẫn có ngày đoàn tụ - Ảnh 7.

Ông Lữ Công Bảy (bìa phải) đoàn tụ cùng anh em trong một ngày giỗ má sau năm 1975

Ông Bảy tâm sự chiến tranh đã chia cắt anh em đúng 20 năm ở hai bên chiến tuyến, nhưng họ vẫn nhớ mãi từng chuyện ngày xưa, hồi anh em còn cùng một vòng tay cha mẹ, no đói có nhau. Anh hai kể cái đêm mẹ đi sanh em, anh đã đứng bên ngoài sốt ruột đợi nghe tiếng em khóc chào đời. Tiếng khóc của em lẫn trong tiếng bom đạn chiến cuộc đang ngày càng dữ dội.

Đất nước thống nhất, anh em ông Bảy được gặp nhau, nhưng sau đó lại mỗi người mỗi hướng vì công việc hậu chiến ngổn ngang. Ông Bảy được chính quyền mới lưu dụng ngay đầu tháng 5-1975, tham gia điều khiển chiếc dương vận hạm HQ503 để vận chuyển người tù từ các đảo về, rồi chở lương thực, máy móc. 

Người em kế sửa chữa máy bay trong không quân Sài Gòn tiếp tục được làm kỹ thuật ở sân bay Trà Nóc, Cần Thơ. Em út là lính thủy quân lục chiến thì cởi áo lính về lái xe cho một công ty ở An Giang.

Ông Bảy vẫn xúc động nhớ như in mãi đến ngày 13 tháng 8 âm lịch, năm 1975, cả gia đình và bà con thân thuộc mới có ngày đoàn tụ thật sự đầy đủ. 

"Tôi không thể quên được ngày này, vì hôm đó là ngày giỗ má tôi. Má bệnh mất năm 1967, trước khi chết chỉ có một ước nguyện các con dù đứng ở chiến tuyến nào cũng có ngày đoàn tụ yêu thương, anh em đứa nào cũng là con của má. Phải mãi 8 năm sau khi má tôi ra đi, anh em mới được ngồi chung mái nhà, nhưng tình yêu thương ruột thịt thì vẫn trọn vẹn như má mong muốn" - ông Bảy kể đám giỗ hôm ấy cũng giống như nhiều đám giỗ khác ở miền Nam sau cuộc đạn bom. Những người ngồi chung bàn từng mặc áo lính khác nhau, nhưng đều bỏ qua chuyện cũ để vui vẻ nói chuyện tương lai.

Hôm đó, tướng Đồng Văn Cống cũng đến dự đám giỗ. Ông là bạn thân và từng là đồng đội của cha ông Bảy. Vị tướng trận nổi tiếng gốc Bến Tre này nâng ly rượu mời tất cả mà không hề phân biệt ai là người bên này, người bên kia... 

Anh em ông Bảy ngày đó cũng uống say với nhau. Họ cùng thắp nén nhang lên bàn thờ má, và tâm sự rằng dù mình ở phía chiến tuyến nào cũng muốn kết thúc bom đạn để có ngày hôm nay.

Ngày của đoàn tụ, ngày của ruột thịt, thương yêu...

Sau chiến tranh, ông Lữ Công Bảy tiếp tục đi tàu biển. Năm nay đã 73 tuổi, ông vẫn thường xuyên rong ruổi bằng xe máy đi thăm các đồng đội từng tham gia trận hải chiến bi hùng Hoàng Sa năm 1974. Đồng thời, ông tham gia đóng góp, giúp đỡ gia đình các đồng đội gặp khó khăn.

Gia đình ông Bảy có bảy anh em gồm năm nam và hai nữ. Hai anh trai ông là sĩ quan cách mạng, ông Bảy và hai em trai đi lính Sài Gòn. Các anh em ông đã qua đời và hiện đang trên cùng một bàn thờ với cha mẹ mình.

Lật giở bí mật ‘cánh quân thứ sáu’ của chiến thắng 30-4 Lật giở bí mật ‘cánh quân thứ sáu’ của chiến thắng 30-4

TTO - Có một lực lượng quân sự ngoại giao đặc biệt trong Trại Davis, lực lượng được ví như ‘cánh quân thứ 6’, hoạt động công khai ngay giữa lòng đối phương, bên ‘Lầu Năm góc của phương Đông’, góp phần quan trọng cho chiến thắng 30-4 lịch sử.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên