24/03/2021 09:54 GMT+7

Úc, New Zealand ủng hộ 'hành động tập thể đầu tiên' của phương Tây nhắm vào Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Ngoại trưởng Úc và New Zealand ngày 22-3 ra tuyên bố chung ủng hộ 'hành động tập thể đầu tiên' của phương Tây nhắm vào Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là vì sao phương Tây lại hành động vào thời điểm này?

Úc, New Zealand ủng hộ hành động tập thể đầu tiên của phương Tây nhắm vào Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 23-3. Những sức ép từ Âu - Mỹ càng đưa hai cường quốc xích lại gần nhau - Ảnh: Reuters

"EU nên tránh xa các chính sách cực đoan nhằm kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và hết sức cảnh giác trước các thế lực thâm độc muốn tạo ra sự đối đầu giữa EU và Trung Quốc. Chúng tôi có ý chí và công cụ để trả đũa.

Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Bắc Kinh cảnh báo trong bài xã luận ngày 23-3.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada đã đồng loạt áp lệnh trừng phạt đối với các quan chức đương nhiệm lẫn về hưu của Trung Quốc với cáo buộc "đàn áp người Duy Ngô Nhĩ" trong ngày 22-3. 

Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả, cho thấy Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị từ trước cũng như ngày càng quyết đoán và thể hiện không lùi bước trước phương Tây.

"Trục nhân quyền" của Mỹ

Theo tờ DW của Đức, EU chưa từng trừng phạt cá nhân Trung Quốc nào trong hơn 30 năm qua, kể từ năm 1989. Việc khối này trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương ngay trước thềm chuyến thăm ba ngày của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mang một ý nghĩa lớn. 

Động thái cũng diễn ra chỉ ba ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc một cuộc đối thoại cấp cao đầy căng thẳng tại Alaska, trong đó các quan chức của Bắc Kinh tuyên bố Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và yêu cầu "không can thiệp".

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngoài tái khẳng định các cam kết của Mỹ, ông Blinken sẽ thảo luận với các quan chức châu Âu những quan ngại về Nga và Trung Quốc cũng như cách thức "tăng cường dân chủ". Hành động của EU và Anh, Canada, Úc, New Zealand cho thấy có sự phối hợp giữa các nước mà Mỹ là "động lực thúc đẩy". 

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng cam kết sẽ tập hợp đồng minh và đối tác để chống lại các hành vi mà họ cho là vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, bao gồm vấn đề Tân Cương.

Đối với EU, động thái lần này mang tính thể hiện lập trường nhiều hơn thực chất khi né tránh trừng phạt ông Trần Toàn Quốc - bí thư đảng ủy hiện tại của khu tự trị Tân Cương. Theo giới phân tích, việc loại bỏ ông này cho thấy EU vừa muốn đứng cùng Mỹ trong vấn đề nhân quyền nhưng cũng lại muốn tránh một cuộc tranh cãi ngoại giao ầm ĩ với Trung Quốc. 

Việc Úc và New Zealand, hai nước gần Trung Quốc về mặt địa lý và có quan hệ kinh tế gần gũi, chỉ ra tuyên bố ủng hộ mà không có biện pháp trừng phạt cũng cho thấy sự miễn cưỡng của các nước trước sự thúc giục của Mỹ. Mặc dù không trọn vẹn, động thái tập thể lần này cũng gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng quốc tế sẽ luôn theo sát những gì xảy ra ở Tân Cương.

Cờ đang trong tay ai?

Thật khó để nói lợi thế đang nghiêng về ai trong cuộc chơi trừng phạt lần này. Ngay sau khi EU áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 4 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc, Bắc Kinh đã "ăn miếng trả miếng" bằng biện pháp trừng phạt cùng cấp độ với 10 cá nhân và 4 thực thể châu Âu, cáo buộc những người này "xuyên tạc ác ý tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương". 

Tức giận vì bị trừng phạt hoặc bạn bè bị trừng phạt, các nghị sĩ EU đã đe dọa sẽ không phê chuẩn hiệp định đầu tư mà Trung Quốc và EU vừa mới ký vào tháng 12 năm ngoái.

Cho đến thời điểm hiện tại các chuyên gia châu Âu vẫn tin rằng hiệp định này là lợi thế lớn mà EU đang có trước Trung Quốc. Những con số cho thấy EU đang đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc và xuất khẩu ít hơn sang Trung Quốc, do đó Bắc Kinh sẽ thiệt nhiều hơn nếu hiệp định không được phê chuẩn. 

Tuy nhiên, đã có nhiều tiếng nói phản đối thỏa thuận này vì lo ngại các doanh nghiệp EU khi vào Trung Quốc sẽ vô tình sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng. Trung Quốc đã cam kết sẽ ký công ước chống lao động cưỡng bức sau khi hiệp định được phê chuẩn, song một số nghị sĩ EU yêu cầu Bắc Kinh phải làm điều này trước rồi mới đến lượt họ.

Trong khi EU tin rằng họ có thể giữ hiệp định đầu tư làm "con tin" để buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi, Bắc Kinh tỏ ra không mấy mặn mà với điều này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Việc 15 nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, cùng ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hồi năm ngoái đã tạo ra khu vực thương mại lớn nhất thế giới. Sự háo hức của Trung Quốc đối với RCEP được thể hiện qua việc trở thành nước đầu tiên hoàn tất phê chuẩn RCEP vào ngày 22-3.

Hãng thông tấn AFP của Pháp cảnh báo EU nên tìm cách cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, cân nhắc giữa nhân quyền và thương mại trước khi quá muộn.

Bắc Kinh Bắc Kinh 'ăn miếng, trả miếng', Ý, Đức, Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc

TTO - Ý là quốc gia mới nhất trong Liên minh châu Âu (EU) triệu tập đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản ứng các biện pháp trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh, sau khi phương Tây trừng phạt Trung Quốc vì cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên