29/07/2023 09:57 GMT+7

Tranh cãi về xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI

PCI là một công cụ cải cách, lãnh đạo tỉnh không nên quá chú trọng vào thứ hạng vì suy cho cùng sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân mới là đích đến của chính quyền địa phương.

Khách đến giao dịch và làm các thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Khách đến giao dịch và làm các thủ tục về thuế tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Ông Đậu Anh Tuấn - phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người nhiều năm tham gia nghiên cứu và công bố báo cáo PCI - cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc các địa phương phản ứng cho rằng báo cáo PCI được công bố chưa khách quan.

* Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa công khai cho rằng báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) do VCCI công bố chưa khách quan, chưa phản ánh hết nỗ lực của chính quyền tỉnh, ông nghĩ gì về điều này?

- Trước khi phát biểu tại HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì một hội thảo phân tích về chỉ số PCI của tỉnh. VCCI cũng cử chuyên gia tham dự hội thảo để mổ xẻ, làm rõ thắc mắc của các sở, ngành, huyện của tỉnh. Nên có thể khẳng định tỉnh Bạc Liêu đang sử dụng chỉ số PCI một cách hữu ích.

Về việc trong cùng năm 2022 tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 6/63 trong bảng xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nhưng lại xếp thứ 61/63 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đây là hai chỉ số không tương đồng nên so sánh không rõ.

Trong khi PCI là tiếng nói từ các doanh nghiệp (DN) thì PAPI là tiếng nói của người dân. Nhiều khi lợi ích của người dân và DN không giống nhau, chẳng hạn như trong công tác giải phóng mặt bằng thì thủ tục đất đai của DN thuận lợi chưa chắc người dân đã hài lòng.

PCI là trải nghiệm của DN khi thực hiện thủ tục hành chính tại các sở, ngành. Và trên thực tế luôn có khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, giữa tuyên bố và hành động của bộ máy cấp dưới, đó là sự khác biệt của báo cáo PCI.

Đánh giá của PCI là đánh giá có bằng chứng, thông qua cuộc điều tra DN. Thứ hạng cao hay thấp của một địa phương không phải do VCCI thích địa phương này, yêu địa phương kia, ghét địa phương nọ, mà dựa trên dữ liệu điều tra DN hằng năm.

Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn

* Khi các tỉnh phản ứng về báo cáo PCI thì nhóm nghiên cứu có sẵn sàng trao đổi, đối thoại?

- Nhóm nghiên cứu PCI luôn sẵn sàng ngồi lại với tất cả các địa phương có ý kiến về báo cáo được công bố hằng năm. Trước Bạc Liêu thì tỉnh Đắk Nông từng có lần xin rút khỏi báo cáo PCI. Sau đó, VCCI đã cùng với tỉnh Đắk Nông trao đổi, cung cấp thông tin, và sau nhiều năm thực hiện cải cách đến nay Đắk Nông là địa phương có nhiều nỗ lực được ghi nhận.

* Mỗi tỉnh thành có đặc thù khác nhau, việc áp dụng 10 nhóm tiêu chí, 142 chỉ tiêu thành phần để đánh giá địa phương này với địa phương khác có thực sự công bằng?

- PCI rất phù hợp với môi trường kinh doanh trong nước vì chúng ta có một hệ thống tập trung, trong lĩnh vực đất đai có Luật Đất đai và tất cả các tỉnh thành đều sống trong khuôn khổ Luật Đất đai. Nhưng việc thực hiện của các địa phương khác nhau. DN tiếp cận mặt bằng ở địa phương này dễ hơn địa phương khác, sự khác nhau này nằm ở chất lượng điều hành của chính quyền địa phương.

Tất nhiên, địa phương không giải quyết được tất cả các vấn đề, gốc rễ vẫn nằm ở chất lượng quy định, nhưng vai trò của chính quyền cấp tỉnh rất quan trọng trong thực thi chính sách.

Mặt khác, PCI cũng chỉ là một phần của môi trường đầu tư kinh doanh, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, quy mô thị trường nằm ngoài PCI. Nhiều nhà đầu tư vẫn chọn đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM vì hai trung tâm này hội tụ đủ yếu tố. Trong khi tỉnh Đồng Tháp có thứ hạng PCI luôn cao nhất vùng ĐBSCL nhưng hạ tầng chưa phát triển nên DN FDI chưa vào.

* Có ý kiến cho rằng việc khảo sát khoảng 12.000 DN, trong đó phần lớn là DN quy mô vừa và nhỏ, chưa mang tính đại diện cho khoảng 800.000 DN trên cả nước hiện nay?

- Điều tra PCI là điều tra chọn mẫu, trong đó có hơn 10.000 DN tư nhân trong nước, khoảng 2.000 DN FDI tại 63 tỉnh thành trên cả nước tham gia trả lời. DN chia theo các loại hình, ngành nghề kinh doanh, theo tuổi. Phần mềm máy tính sẽ chọn trong toàn bộ DN đang hoạt động trên địa bàn các tỉnh thành, mẫu này đại diện cho toàn bộ DN trên địa bàn tỉnh.

Để có được hơn 10.000 phản hồi thì nhóm nghiên cứu phải tương tác với hơn 40.000 DN. VCCI may mắn vì có sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), chứ với định mức ngân sách hiện tại sẽ rất khó thực hiện một điều tra xã hội học công phu như PCI.

PCI không tuyệt đối chính xác nhưng có ý nghĩa về thống kê, cung cấp thông tin, phản ánh xu hướng môi trường kinh doanh. Thông điệp chung là nâng cao chất lượng điều hành, công khai, minh bạch, lắng nghe DN hơn nữa.

* Ý nghĩa của PCI có đang bị hiểu sai hay không khi mà thay vì để cải cách thủ tục hành chính, nhiều tỉnh thành đang coi đây là thứ hạng so sánh mọi thứ của tỉnh này với tỉnh khác?

- Nhiệm vụ của VCCI là cung cấp thông tin cụ thể cho địa phương thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh địa phương dựa trên những bằng chứng thực chứng, thứ hạng PCI chỉ là một phần thôi.

Nhưng có một thực tế là các địa phương quá quan tâm đến thứ hạng PCI, mang tới tác động không mong muốn, nên VCCI sẽ cân nhắc bỏ bảng xếp hạng các địa phương trong báo cáo PCI hằng năm.

Mục tiêu cuối cùng của báo cáo PCI là công cụ truyền tải trung thực, kịp thời, đúng đắn nhất tiếng nói của cộng đồng DN tư nhân đối với các cơ quan hoạch định chính sách ở cấp tỉnh, cấp trung ương.

* Chỉ số PCI đã được VCCI triển khai 18 năm qua, ông có thấy cần thay đổi để hoàn thiện hơn?

- PCI không phải là công cụ hoàn hảo mà nó cần hoàn thiện tiêu chí đánh giá qua từng năm. Cứ bốn năm nhóm nghiên cứu của VCCI lại rà soát các chỉ số để hoàn thiện thêm. Trong quá trình rà soát, VCCI tham vấn, thảo luận với các chuyên gia, gửi khảo sát phương pháp đánh giá đến tất cả các tỉnh thành để xem có cách tiếp cận nào chính xác hơn, có chỉ số nào chưa nên đánh giá.

Tuy nhiên, cách thức thực hiện của PCI là khoa học nên những điều chỉnh phải dựa trên bằng chứng khoa học, tin cậy, thuyết phục.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu PCI những năm qua là GS.TS Edmund J. Malesky - người Mỹ, một chuyên gia về thống kê, chịu trách nhiệm về phương pháp điều tra, thống kê, đánh giá.

Và trong thực hiện báo cáo PCI, nhóm nghiên cứu luôn thống nhất các nguyên tắc: công khai, minh bạch. Dữ liệu đánh giá luôn công khai nên bất cứ ai cũng có thể lấy toàn bộ thông tin về hệ thống các chỉ tiêu, dữ liệu của PCI hằng năm.

* Đại biểu PHẠM VĂN THỊNH (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Cần mở rộng quy mô mẫu khảo sát

Có thể nói báo cáo PCI đã phản ánh cơ bản đúng với thực tế về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh.

Tuy nhiên, để kết quả báo cáo PCI ngày càng tốt hơn, theo tôi, cần mở rộng quy mô mẫu khảo sát. Bên cạnh việc khảo sát theo quy trình, hằng năm VCCI và USAID cần tổ chức những cuộc khảo sát, làm việc công khai đối với chính quyền cấp tỉnh để nắm bắt về những vấn đề có liên quan đến nội dung khảo sát PCI. Những cuộc làm việc này sẽ cung cấp cho cơ quan chủ trì PCI những thông tin nhiều chiều, bổ sung hoặc điều chỉnh các câu hỏi đánh giá trong phiếu khảo sát, củng cố cho độ tin cậy của số liệu PCI.

TS Nguyễn Minh Thảo (trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM):

PCI cần thay đổi cho phù hợp bối cảnh mới

PCI được công bố mười mấy năm rồi, cơ cấu DN và ngành nghề giờ đa dạng, nhiều lĩnh vực hơn, hệ thống pháp lý cũng thay đổi rất nhiều nên cần xem lại phương pháp và mẫu đánh giá. Bởi nếu công bố một chỉ số mà không tạo ra được sự thay đổi thực tế ở địa phương, người ta cảm thấy không còn tin cậy thì không có nhiều ý nghĩa.

Nếu báo cáo chưa nhận diện được cơ cấu hoạt động kinh doanh ở từng địa phương, chưa bao trùm được, chưa đi vào phân tích nội dung thủ tục mà chỉ ghi nhận cảm nhận của DN về một thủ tục nào đó liên quan đến hoạt động kinh doanh, thì trong chừng mực nào đó, báo cáo PCI chưa thực sự thuyết phục. Đâu đó ở một số địa phương mặc dù DN đánh giá tốt nhưng chưa chắc môi trường đầu tư hấp dẫn, địa phương có thứ hạng PCI thấp chưa chắc nhà đầu tư không tới vì còn nhiều yếu tố khác.

Để hiện thực hóa bộ chỉ số PCI cần có sự nghiên cứu sâu hơn và tìm hiểu thêm để đánh giá cả cơ cấu kinh doanh ở từng địa phương; một tỉnh nông nghiệp như Bạc Liêu khác với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vì quy mô, mức độ khác nhau, cần đánh giá trên cùng một mặt bằng. So sánh tỉnh lẻ với Hà Nội, TP.HCM là khập khiễng. Một nơi áp lực hành chính rất lớn, có nhiều loại hình kinh doanh trong khi nơi còn lại chỉ có ít thủ tục, ít loại hình kinh doanh. Báo cáo cần tính tới những trọng số này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Chỉ số PCI thiếu khách quan, phiến diện

Chỉ vài ngày sau khi VCCI công bố thứ hạng chỉ số PCI năm 2022, trong đó Bạc Liêu xếp 61/63 tỉnh thành cả nước, chiều 13-4 Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì buổi đối thoại với DN để tìm nguyên nhân, giải pháp.

Ông Thiều nói ba tháng đầu năm 2023 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức 7,01%, đứng thứ ba khu vực ĐBSCL, thu ngân sách đạt, chứng tỏ việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, chỉ số PCI đứng 61/63. Ngược lại, chỉ số PAPI người dân đánh giá quản trị của chính quyền các cấp thì lại cao, năm 2021 đứng thứ 11, năm 2022 đứng thứ 6 cả nước.

"Chỉ số này đánh giá có khách quan hay không, công tâm hay không?", ông Thiều băn khoăn.

Đến ngày 31-5, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tổ chức hội nghị đánh giá chỉ số PCI năm 2022, giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2023 và những năm tiếp theo. Tại hội nghị này, ông Thiều đề nghị đại biểu tham dự tập trung phân tích, mổ xẻ vấn đề để tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí giảm điểm; trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần liên quan tới chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đến ngày 28-6, UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tổ chức hội thảo trao đổi về chỉ số PCI năm 2022 có mời nhiều chuyên gia của VCCI đến tham dự. Tại hội thảo này, ông Thiều nói "các tỉnh có chỉ số PCI tốt chưa chắc đã tốt", việc tỉnh Bạc Liêu bị công bố tụt hạng thì môi trường đầu tư của tỉnh gặp khó khăn, DN nhìn vào chỉ số đó thấy không hấp dẫn, khó đến Bạc Liêu đầu tư.

Tại hội thảo này, chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kêu gọi DN đánh giá chỉ số PCI nên khách quan, công tâm. "Cầm phiếu đó chủ DN phải đánh giá chứ đừng phó mặc cho thư ký của mình đánh giá thì không chính xác", ông nói.

Đến ngày 14-7, tại diễn đàn HĐND tỉnh Bạc Liêu, ông Thiều tiếp tục cho rằng đánh giá PCI của Bạc Liêu là "chưa khách quan" hay "đó là một điều phiến diện". "Bạc Liêu luôn mở rộng, trải thảm đỏ đối với DN. Các DN muốn đầu tư, quan tâm đầu tư vào Bạc Liêu thì cứ gặp DN đã đầu tư tại Bạc Liêu sẽ biết, đừng vì chỉ số năng lực cạnh tranh mà đánh giá môi trường đầu tư tại Bạc Liêu kém hiệu quả", ông Thiều nói.

Giá hàng hóa ngoài chợ tăng chóng mặt, CPI vẫn thấp theo chuẩn quốc tế?Giá hàng hóa ngoài chợ tăng chóng mặt, CPI vẫn thấp theo chuẩn quốc tế?

TTO - Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 theo Tổng cục Thống kê chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng con số này chưa phản ánh hết "sức nóng" của tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên