29/09/2017 17:57 GMT+7

TP.HCM có các nhà sưu tập tư nhân 'đẳng cấp chuyên gia'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Với 172 di tích được xếp hạng và hệ thống bảo tàng nhiều nhất trong số các tỉnh thành cả nước, TP.HCM có thể giải bài toán bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng giải pháp gắn kết với du lịch.

TP.HCM có các nhà sưu tập tư nhân đẳng cấp chuyên gia - Ảnh 1.

Triển lãm chuyên đề gốm Lái Thiêu do giới sưu tập tư nhân TP.HCM cùng nhau tổ chức hồi tháng 8 vừa qua - Ảnh: L.Điền

Đây là điểm gặp nhau của nhiều ý kiến tại hội thảo khoa học "Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập" do Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM, và Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đồng tổ chức.

Xem du lịch là "hướng ra" cho việc khai thác các giá trị di sản văn hóa còn có cơ sở bởi TP.HCM là nơi đón nhiều lượt khách quốc tế (từ đầu năm đến nay đã đón gần 3 triệu lượt du khách quốc tế, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt gần 50% kế hoạch năm 2017).

Nâng tầm di sản đón du khách

Phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng (Khoa Văn hóa học - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhớ lại khi Dinh Thống Nhất có kế hoạch đưa vào phục vụ du lịch, ông được mời đến tư vấn. 

Ông đã đề nghị nên bổ sung vào nội dung giới thiệu di tích này một phần quan trọng: Giá trị văn hóa của Dinh Thống Nhất. "Nơi đây không chỉ là di tích lịch sử, là địa chỉ kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, quan trọng hơn nơi đây là hiện thân của một phần lịch sử Việt Nam từ thời Pháp. 

Sau khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, Dinh Thống Nhất vẫn được giữ lại và bảo tồn, chính điều này có một giá trị văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam", ông Thắng cho rằng những nội dung đó cần được chú ý khi thuyết minh, để "nâng tầm di sản của mình lên".

Bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - dẫn quan niệm từ giới chuyên gia bảo tàng của các nước lâu nay đều chú trọng việc phát triển bảo tồn bảo tàng gắn với du lịch, vì bảo tàng là điểm đến của du khách.

Đi tiên phong trong việc khai thác thế mạnh từ lượng du khách đến tham quan, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đưa ra gói sản phẩm là các chương trình biểu diễn, trình diễn nghệ thuật với nghệ nhân chính là các nhân chứng chiến tranh.

Những cựu chiến binh Việt Nam trình diễn ca nhạc tại bảo tàng đã làm xúc động nhiều đoàn cựu binh của Hoa Kỳ, Hàn Quốc; các em nạn nhân chất độc da cam chơi nhạc, làm sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm tại bảo tàng đã đánh động lương tri nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. 

Khi nghe giới thiệu về các "nghệ nhân đặc biệt" này, hầu như không đoàn khách nào không rơi nước mắt, và chúng tôi nhận ra bên cạnh những di sản là hiện vật chúng tôi đang có tại bảo tàng, còn một di sản quý báu có tầm cao hẳn lên do hoạt động với du khách tạo ra, đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình của Việt Nam được kết nối, sẻ chia với bạn bè quốc tế...

Bà Huỳnh Ngọc Vân

TP.HCM có các nhà sưu tập tư nhân đẳng cấp chuyên gia - Ảnh 3.

Triển lãm trà cụ tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM có sự chung tay của giới sưu tập tư nhân - Ảnh: L.Điền

Tiềm năng từ giới tư nhân

Bà Trịnh Thị Hòa - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - cho hay lực lượng các nhà sưu tập tại TP.HCM là một tiềm năng đáng kể. 

Đây là những người có chuyên môn, có thực lực, có các sưu tập cổ vật giá trị... nên từ những năm 2000 trước khi Việt Nam có Luật Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã phối hợp với hơn 20 nhà sưu tập tư nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực: gốm sứ triều Nguyễn, pháp lam; gốm sứ đời Lê; gốm sứ Lý Trần; chuyên gia tiền cồ, tem thư; chuyên gia đồ gỗ; nhà sưu tập ngọc và đá quý, sắc phong... 

Có thể nói trong mọi lĩnh vực cổ vật và hiện vật sưu tầm, TP.HCM đều có nhà sưu tập "đẳng cấp chuyên gia". Đây chính là nguồn lực tiềm năng để phát huy giá trị di sản thông qua việc quảng bá, giới thiệu cho du khách.

Điều này là một thực tế, bởi hầu như các triển lãm chuyên đề quan trọng của Bảo tàng Lịch sử  những năm gần đây đều cần có sự "góp tay" của giới tư nhân, từ những bộ áo mão vua quan trong triển lãm Vàng son nhung gấm hồi năm ngoái đến triển lãm "tiền Việt Nam từ thời Đinh đến nay" đều có dấu ấn hiện vật của các nhà sưu tập tư nhân.

Xa hơn nữa, các triển lãm về gốm sứ, đồ thờ, đồ gia dụng... tại bảo tàng cũng đều có tư nhân góp chung hiện vật.

Dù vậy, giới sưu tập tư nhân tại TP.HCM vẫn dè dặt e ngại không muốn đăng ký cổ vật tại cơ quan nhà nước, điều này là một cản ngại đáng kể cho việc ra đời bảo tàng tư nhân. 

"Thêm vào đó quy định theo luật đòi hỏi bảo tàng tư nhân phải đáp ứng diện tích trưng bày, phương tiện trưng bày, phương tiện bảo quản... có vẻ quá sức đối với giới tư nhân", bà Hòa nhận định.

Cho nên, cùng với thế mạnh du lịch, nếu TP.HCM có sự kết nối tốt hơn giữa nhà nước với giới sưu tập tư nhân để làm "cú hích" cho việc khai thác di sản văn hóa, thì lợi thế tiềm năng sẽ thành hiện thực không xa.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên