Tìm sứ giả biển du lịch Nha Trang

LÊ  ĐỨC DƯƠNG 20/02/2005 23:02 GMT+7

TTCN - Biển Nha Trang thật đẹp, dưới biển đặc biệt khu bảo tồn Hòn Mun có vô vàn sinh vật biển rực rỡ. Tuy nhiên nếu hỏi biển Nha Trang có loài thú biển hay sinh vật khác quí giá có sức hút đặc biệt với mọi người thì thật băn khoăn vì...

Phóng to
Cá thần tiên
TTCN - Biển Nha Trang thật đẹp, dưới biển đặc biệt khu bảo tồn Hòn Mun có vô vàn sinh vật biển rực rỡ. Tuy nhiên nếu hỏi biển Nha Trang có loài thú biển hay sinh vật khác quí giá có sức hút đặc biệt với mọi người thì thật băn khoăn vì...

Chim yến đại diện cho biển Nha Trang? Ai cũng biết chim yến không phải là một sinh vật có sức hút lớn đối với du khách vì rất hiếm khi ta nhìn thấy nó, dù tới tận đảo gặp chúng bay trên bầu trời.

Trong khi đó những điểm du lịch có vườn quốc gia rừng hay biển một số nơi ở nước ta lại có những sinh vật rất đặc trưng với sức hấp dẫn tới mê hoặc du khách và nó trở thành biểu tượng như: Cát Bà có voọc trắng, Côn Đảo có rùa - bò biển; Cát Tiên có tê giác một sừng; Yook Don có voi - bò tót; Vụ Quang có sao la... Còn vịnh Nha Trang? Dù trong vịnh có khu bảo tồn Hòn Mun tầm cỡ quốc gia nhưng để lấy một con vật đặc trưng thì Nha Trang chưa có. Bởi chung qui sinh vật đặc trưng phải là loài thú có giá trị đặc biệt quí hiếm gắn liền những huyền thoại văn hóa dân gian.

Biển Nha Trang có thiếu những sinh vật biển đặc trưng?

Theo tài liệu nghiên cứu của chuyên gia Đào Tấn Hổ - Viện Hải dương học Nha Trang, trong số 25 loài thú biển quí hiếm đã “tới” biển Việt Nam thì một nửa đã có mặt ở vịnh Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong, tiêu biểu như: cá voi, cá heo, du gong bò biển, hải cẩu... trong đó có loài cực kỳ quí giá như cá heo trắng ở vịnh Bình Cang.

Loài rùa biển đã có mặt ở Nha Trang trước đây nay quay lại đẻ trứng trên đảo Hòn Tre càng làm cho ta hi vọng vịnh Nha Trang sẽ có thêm nhiều cá thể sinh vật biển quí giá! Còn nếu về sự huyền thoại liên quan tới các loài thú biển như cá voi, cá heo thì làng biển Nha Trang có rất nhiều đình, miếu thờ cúng các bộ xương cá voi như Xương Huân, Cửa Bé, Vĩnh Lương... Điều này tăng sức hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa biển.

Phóng to

Tôm hùm lửa

Qua dẫn chứng trên đã sơ bộ thấy biển Nha Trang và Khánh Hòa có rất nhiều loài thú biển và sinh vật biển quí giá. Vấn đề chỉ là nên nghiên cứu sao để phát hiện và có bước bảo vệ cùng quảng bá với du khách. Về mặt đội ngũ khoa học biển đầu ngành thì Viện Hải dương học Nha Trang luôn có sẵn. Và theo chúng tôi được biết các nhà khoa học biển Nha Trang đã đi “giúp” khắp nơi như Phan Thiết, Côn Đảo, Phú Quốc-Kiên Giang. Những công trình nghiên cứu thống kê của họ đã được ngành du lịch tận dụng tối đa, nguồn lợi thu được rất lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Phan Thiết. Và mới đây là Ninh Thuận. Còn Nha Trang thì hiển nhiên nhưng chưa có một công trình chuyên sâu ngoài công trình Hòn Mun đã có.

Vì sao cần sự có mặt của những sinh vật biển đặc trưng cho vịnh Nha Trang?

Xin trích một câu kết ca khúc Mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Vâng, nếu một miền đất đẹp nhưng tất cả cái gì cũng chung chung thì rất khó ấn tượng. Với du lịch càng quan trọng hơn bội phần. Ví dụ ra đảo Cát Bà ai cũng háo hức xem rừng kim giao thấy vượn voọc trắng leo trèo trên vách đá, vườn Cúc Phương xem cây chò chỉ nghìn năm tuổi, Côn Đảo ra bãi rùa, lặn biển chờ du gong bò biển, tới Cát Tiên hi vọng thấy tê giác... mặc dù rất hiếm người được chiêm ngưỡng những sinh vật ấy nhưng vẫn có sức hút ghê gớm, không ai nản chí cả vì tâm lý du khách tới miền đất lạ là hi vọng! Ngay cả quần thể vùng cát sa mạc Mũi Né, Phan Thiết có con vật bé nhỏ hoang dã là con giông cát cũng hút tâm trí bao người ước ao được tới đây bắt giông và thưởng thức đặc sản này! Đấy là chưa kể chuyện đặt tên những điểm du lịch như: khu Hòn Rơm, khu Suối Hồng, Bàu Sen... cũng góp lên sức hút mãnh liệt cho du khách có tâm hồn bay bổng. Nhưng đó là một vấn đề khác.

Phóng to
Lặn biển ngắm san hô ở Hòn Mun

Còn với Nha Trang lâu nay trong ngành du lịch chưa quảng bá một hình thức tham quan góc độ sinh thái về các loài sinh vật biển nào! Hay ta cứ nghĩ Nha Trang có thủy cung, có bảo tàng viện Hải Dương nhốt hàng nghìn hàng vạn cá tôm là đủ? Không! Sự phát triển du lịch ngày nay càng nhiều các dịch vụ sinh thái thiên nhiên càng tốt. Xin đơn cử sát với Khánh Hòa là Ninh Thuận, kể từ khi có dự án bảo vệ rùa biển ở Vĩnh Hy, Ninh Hải du khách tới rất đông để chiêm ngưỡng nơi rùa biển tới. Họ tới đây hầu như để nghe nhưng rất thú vị. Bởi trên trời cao có khu bảo tồn Núi Chúa, dưới biển có khu bảo tồn rùa biển. Nơi đây cực kỳ khô cằn hoang dại nhưng chuyện về rùa, về sa mạc đá... rất hấp dẫn.

Còn Nha Trang trước đây đã có cá voi sứa tới, có cá heo, hải cẩu đều thu hút bao nhiêu du khách tới thăm. Nhưng do không có kế hoạch giữ gìn tất cả đều... về với biển cả hoặc bị chết. Tuy nhiên với du lịch hiện đại, mô hình thủy cung chưa hẳn là đắc địa nhất là các loài thú biển như cá voi, cá heo, bò biển hay rùa biển. Bởi vì cái du khách văn minh cần là môi trường tự nhiên, không bị ngăn chặn, nuôi nhốt. Người ta đang phản đối và tẩy chay những nơi bắt nhốt thú biển để phục vụ du lịch. Còn nếu có làm thì phải đạt mức tối đa gần với điều kiện thiên nhiên.

Vậy nên ta có thể tính tới bước du khảo tìm hiểu vùng biển nào có cá heo đang sinh sống, vùng cỏ biển Vân Phong liệu có bò biển không (vì nơi đây có thảm cỏ biển rất lớn)? Hay nếu cần thiết xây dựng một quần thể cho rùa biển.

Chỉ cần thông tin về vùng biển có loài thú biển tới thì sức hấp dẫn đã lên bội phần so với kiểu quảng bá chung chung như hiện nay. Xin ví dụ thêm về một sản phẩm du lịch: “Mời du khách đi tàu tới điểm X. trên vịnh Nha Trang chiêm ngưỡng cá heo trắng bơi!”. Không phải nói, chỉ cần tích tắc thông tin đã bay đi khắp toàn cầu trên các trang chủ của mạng Internet!
Vịnh Nha Trang đã đẹp nhưng đang thiếu chủ nhân thật sự của biển xanh lộng lẫy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận