13/10/2019 11:07 GMT+7

Thổ Nhĩ Kỳ bác đề xuất 'làm trung gian' của ông Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh đã tiến vào khu vực do người Kurd kiểm soát vào đêm 12-10. Ankara cũng khẳng định không đối thoại với người Kurd sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất làm trung gian.

Thổ Nhĩ Kỳ bác đề xuất làm trung gian của ông Trump - Ảnh 1.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành quân trong đêm tại tỉnh Acakale, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh: REUTERS

Truyền thông quốc tế đưa tin hàng chục tay súng người Kurd đã thiệt mạng sau các cuộc giao tranh ác liệt với quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11 và 12-10.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã chiếm được thành phố Ras al-Ain, khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria.

Tuy nhiên phía Kurd bác bỏ thông tin này. Phóng viên hãng AFP cũng cho biết quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh đã tiến vào Ras al-Ain nhưng chưa kiểm soát được khu vực như đã nói.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công người Kurd từ giữa tuần trước, vài ngày sau khi Tổng thống Trump ra quyết định rút quân. 

Thổ Nhĩ Kỳ xem người Kurd ở Syria cũng là "khủng bố" như Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - tiếp giáp phía bắc Syria.

Trước đây Mỹ đã hỗ trợ các lực lượng người Kurd, với mục đích tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Việc ông Trump ra lệnh rút quân đã khiến ông bị chỉ trích vì "bỏ rơi đồng minh".

Thổ Nhĩ Kỳ bác đề xuất làm trung gian của ông Trump - Ảnh 2.

Quân nổi dậy Syria do Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ tại Tel Abyad, tỉnh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh: REUTERS

Một trong những lo ngại lớn khác của giới quan sát quốc tế là việc các tàn quân IS sẽ tận dụng cơ hội để tái hợp khi người Kurd bị tấn công.

Các nhóm vũ trang do người Kurd dẫn đầu từng là lực lượng diệt IS hiệu quả nhất. Sau khi tấn công vào thành trì cuối cùng của IS, đến nay người Kurd cũng là bên đang phụ trách giam giữ các tù nhân IS.

Nhưng các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vừa phá hủy các cơ sở giam giữ, vừa buộc người Kurd phải bị chi phối nên sẽ tạo điều kiện cho tù nhân IS thoát ra ngoài và "hồi sinh" tổ chức khủng bố này. 

Đài BBC ngày 13-10 dẫn lời phía người Kurd nói ưu tiên của họ lúc này cũng không còn là canh giữ tù nhân IS nữa.

Nếu IS quay lại, cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria cũng sẽ tiếp diễn, và dòng người tị nạn dự kiến sẽ lại tràn sang châu Âu như suốt 8 năm qua.

Thổ Nhĩ Kỳ bác đề xuất làm trung gian của ông Trump - Ảnh 3.

Người Kurd biểu tình phản đối cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin, Đức - Ảnh: REUTERS

Phía châu Âu vì vậy phản đối kịch liệt việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria. Pháp hôm 12-10 thông báo đã ngừng bán mọi loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, và cảnh báo Ankara rằng vụ tấn công ở phía bắc Syria đang đe dọa an ninh châu Âu. Tương tự, Đức cũng cấm việc xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Để giảm căng thẳng, Anh và Mỹ đều kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với người Kurd. Tuy nhiên phát biểu mới nhất hôm 12-10, phía Thổ Nhĩ Kỳ khước từ đề xuất làm trung gian mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra. Ankara khẳng định "không thèm nói chuyện với bọn khủng bố".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên