16/10/2023 08:24 GMT+7

Thảm cảnh của người Palestine ở Dải Gaza

Trong khi cộng đồng quốc tế đang xúc tiến nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột Israel - Hamas, thảm họa nhân đạo bên trong Dải Gaza đang ngày càng trầm trọng.

Nguồn: AFP - Dữ liệu: Uyên Phương

Nguồn: AFP - Dữ liệu: Uyên Phương

Ngày 15-10, cơ quan y tế của Dải Gaza thông báo số người Palestine thiệt mạng trong cuộc không kích quy mô lớn của Israel vào khu vực này đã tăng lên 2.450 người và hơn 9.200 người bị thương.

Khủng hoảng nghiêm trọng

Theo báo New York Times, sau khi Israel yêu cầu một nửa trong hơn 1 triệu dân ở Dải Gaza sơ tán về phía nam, hàng trăm nghìn người Palestine ở Gaza đã phải vật lộn để tìm thức ăn và nơi trú ẩn trong ngày 14-10.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng đất này ngày càng nghiêm trọng khi nguồn cung cấp thực phẩm, nước và thuốc men đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên Bộ trưởng Năng lượng Israel, ông Israel Katz, ngày

15-10 cho biết nước này quyết định mở lại nguồn cấp nước cho phía nam Dải Gaza, thể theo thống nhất giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Israel thông báo sắp triển khai "một chiến dịch trên bộ quan trọng" ở Dải Gaza và coi nó như một phần của cuộc tấn công phối hợp từ trên không, trên biển và trên bộ.

Dù vậy, các chuyên gia đánh giá thông báo của Israel có lời lẽ mơ hồ và không đề cập thời điểm cuộc tấn công này dự kiến bắt đầu.

Gia đình người Palestine ở phía bắc Dải Gaza di tản về phía nam bằng xe ngựa - Ảnh: AFP

Gia đình người Palestine ở phía bắc Dải Gaza di tản về phía nam bằng xe ngựa - Ảnh: AFP

Ngày 14-10, các tuyến đường cao tốc hướng về phía nam của Dải Gaza chật cứng xe cộ chất đầy chăn và nệm. Cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ người Palestine cho biết việc tiếp cận nguồn nước đã trở thành "vấn đề sinh tử".

Israel đã ban hành lệnh bao vây nghiêm ngặt, cấm đưa thực phẩm, nước, điện hoặc nhiên liệu vào Dải Gaza.

"Chúng tôi không đi được. Họ nói đi về hướng nam, nhưng chúng tôi không có phương tiện di chuyển... Còn có tắc đường. Nhiều xe bị không kích. Đêm đêm, bọn trẻ ôm tôi rồi khóc, la hét "Cứu con, cứu con". Làm sao chúng tôi có thể cứu chúng đây?" - ông Fadi Daloul, một cư dân Gaza, người đang trú ẩn cùng gia đình trong một trường học, chia sẻ.

Trong khi đó, một số dân Gaza quyết định ở lại để tưởng nhớ "Nakba". "Nakba", có nghĩa là thảm họa, được dùng để nói về sự kiện người Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel lần 1 vào năm 1948. Đây cũng là năm Nhà nước Israel ra đời.

Nhân tố Ai Cập

Con đường duy nhất để người dân Palestine ra khỏi Gaza không nằm dưới sự kiểm soát của Israel chính là cửa khẩu Rafah, giáp với Ai Cập. Theo Hãng tin AFP, các đoàn xe viện trợ nhân đạo đang dồn ứ tại đây và không thể vào được vùng đất của người Palestine.

Hiện các chuyến hàng viện trợ từ Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đến sân bay El Arish, cách Rafah 50km về phía tây, cùng với đủ vật tư y tế do Tổ chức Y tế thế giới cung cấp để đáp ứng nhu cầu của 300.000 người. Ai Cập cũng cử một đoàn xe gồm 100 xe vận tải chở 1.000 tấn hàng viện trợ.

Cửa khẩu Rafah vẫn bị đóng cửa trong ngày 14-10, mặc dù một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã có thỏa thuận ban đầu để cho phép những người mang hai quốc tịch bị mắc kẹt ở Gaza rời khỏi đó.

Song các đối thoại trên đã đổ vỡ trong ngày 14-10. Lý do là Israel muốn các đoàn xe viện trợ được sàng lọc vũ khí, nhưng các bên không thể thống nhất về cơ chế sàng lọc.

Ai Cập phối hợp chặt chẽ về an ninh với Israel - quốc gia đã cảnh báo bao vây Gaza cho đến khi các con tin được trao trả.

Theo một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu vấn đề, Ai Cập quyết định đóng cửa biên giới theo cả hai hướng do lo ngại Israel có thể nhắm mục tiêu vào các đoàn xe nếu họ được phép vào Dải Gaza mà không qua kiểm tra.

Quyết định đó đồng nghĩa là cả viện trợ đến và người nước ngoài đi khỏi Dải Gaza đều bị chặn cho đến khi vấn đề được giải quyết.

Thực tế, cả Ai Cập và Hamas đều phản đối việc cho phép người tị nạn Palestine ở Dải Gaza ồ ạt tràn vào Ai Cập vì sợ điều đó có thể dẫn đến việc họ sống lưu vong vĩnh viễn.

Quan chức chính trị hàng đầu của Hamas, ông Ismail Haniyeh, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 14-10 rằng: "Sẽ không có tình trạng di cư từ Dải Gaza đến Ai Cập".

Trong tuyên bố mới nhất từ tổng thống Ai Cập, nước này đang tăng cường nỗ lực cùng với các đối tác quốc tế và khu vực để cung cấp viện trợ cho Dải Gaza.

Dù vậy, Ai Cập nhấn mạnh an ninh quốc gia là lằn ranh đỏ và bác bỏ mọi kế hoạch nhằm sơ tán người Palestine.

Trong tuyên bố ngày 15-10, chính quyền Ai Cập đang đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm bàn về những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza và tương lai của vấn đề Palestine.

Khuyến cáo cho người Việt

Trong thông báo ngày 15-10, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận định tình hình xung đột tại Israel đang phức tạp, người dân cần tránh đến Israel nếu không cần thiết.

Bộ Ngoại giao cũng khuyến cáo nếu đang ở Israel, công dân cần có phương án sớm sơ tán an toàn người và tài sản đến nước thứ ba hoặc về Việt Nam.

Tổng thống Palestine: Hành động của Hamas không đại diện cho người dânTổng thống Palestine: Hành động của Hamas không đại diện cho người dân

Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas cho biết những hành động và chính sách của phong trào Hồi giáo Hamas không đại diện cho người Palestine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên