Sonadezi: Một khu kỹ nghệ và một tầm nhìn

NHIÊN ANH 16/03/2024 04:32 GMT+7

TTCT - Có tính biểu tượng quan trọng với vai trò khu công nghiệp (KCN) lâu đời nhất của Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ hoạt động, KCN Biên Hòa 1 đang được chuyển đổi công năng.

Hiện trạng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai (ngày 18-8-2011). Ảnh: Hà Mi

Hiện trạng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai (ngày 18-8-2011). Ảnh: Hà Mi

Những bước đường phát triển kỹ nghệ và kinh tế của đất nước, ở cả hai miền, thể hiện qua chính những lần chuyển mình của KCN này.

Cho đến tận năm 1960, miền Nam không sản xuất ra được xi măng. Tức là toàn bộ công cuộc đô thị hóa của Sài Gòn - Gia Định và các đô thị thuộc địa như Mỹ Tho - Ô Cấp (Vũng Tàu) đều được xây dựng bằng vật liệu nhập từ chính quốc Pháp (hoặc Hải Phòng, từ sau năm 1900).

Nền tảng công nghiệp người Pháp để lại ở miền Nam chỉ có ngành trồng trọt và sơ chế cao su, mía đường và gỗ, xay xát lúa gạo, công nghiệp tiêu dùng, tập trung vào thuốc lá, xà bông và bia rượu với thương hiệu La Rue đến giờ vẫn còn nghe. Về mặt kinh tế, người Pháp trước sau chỉ muốn khai thác hơn là đầu tư ở thuộc địa Đông Dương.

Năm 1870, nhà máy đường đầu tiên của Việt Nam, cũng có thể được coi là nhà máy công nghiệp hiện đại đầu tiên của Việt Nam, được thành lập ở Biên Hòa bởi một người Pháp tên là Kresser, sau đó gần 30 năm, xưởng cưa của Công ty Công nghiệp và Lâm nghiệp Biên Hòa (BIF) ra đời năm 1907 với trụ sở là di tích Nhà Xanh, nơi năm 1963, người Mỹ đầu tiên sau năm 1954, trong phái đoàn cố vấn quân sự (MAAG) bị tiêu diệt bởi biệt động quân Biên Hòa.

Từ Sonadezi

Lược vài dòng như thế để thấy rằng sự ra đời của Sonadezi (Société nationale du Développement des zones industrielles - Trung tâm khuếch trương kỹ nghệ quốc gia) năm 1963 dưới thời Việt Nam Cộng hòa là một nỗ lực dân tộc chủ nghĩa, đem lại cho một nửa đất nước mô hình phát triển công nghiệp mà giá trị còn kéo dài đến tận bây giờ. 

Trung tâm này với vai trò là nơi tập trung các cố vấn kỹ thuật, nhà đầu tư và công chức Bộ Kinh tế của chính quyền Sài Gòn, đã cho ra đời các khu kỹ nghệ Biên Hòa - Tây Đô (Cần Thơ), Đà Nẵng, Cam Ranh. Riêng Biên Hòa có đến 3 khu là Biên Hòa, Tân Mai và Long Bình.

KCN Biên Hòa I, tức Khu kỹ nghệ Biên Hòa trước đây, được coi là cái nôi công nghiệp của nửa trong đất nước, và là khởi điểm cho nhiều ngành công nghiệp mà sau 1990 trở thành nội lực có ý nghĩa quyết định trong thời kỳ đầu đổi mới - mở cửa với cả nền kinh tế Việt nam. 

Trước giải phóng, thời điểm cao nhất của KCN này là vào cuối năm 1974, với 34 nhà máy và tổng số nhân công khoảng 6.000 người, chiếm 1/10 số công nhân công nghiệp ở miền Nam lúc đó.

Tập trung vào các ngành công nghiệp hóa chất, vật liệu xây dựng (tấm amiăng, gạch men Thanh Thanh, cáp điện Thành Mỹ), công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng (giấy Cogido, đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica), có thể coi Khu kỹ nghệ Biên Hòa là một động cơ tăng trưởng thực chất hiếm hoi của kinh tế miền Nam thời kỳ 1954-1975.

Đóng góp quan trọng hơn của Sonadezi là nó tạo ra được một khái niệm mới mà trước đó người Pháp dù muốn cũng không thể thực hiện được ở Hải Phòng, Quảng Ninh, thời những năm 1920-1930. Đó là KCN đúng nghĩa - xét về mặt quản trị, tức nói như ngôn ngữ bây giờ, mang tính khép kín, là cả một phức hợp - một hệ sinh thái. 

Hơn hết, nó là sản phẩm của nhân sự người Việt Nam lúc đó, với vai trò của Tổng trưởng (Bộ trưởng) Kinh tế Âu Trường Thanh, người sau đó dự định ứng cử tổng thống năm 1967 với chủ trương hợp tác với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.

Suốt hơn 20 năm sau ngày thống nhất, ở Việt Nam không có thêm một KCN đúng nghĩa như mô hình của Khu kỹ nghệ Biên Hòa, do nhiều lý do, mà chủ yếu là cơ chế không cho phép nước ngoài và tư nhân tham gia với tư cách nhà đầu tư chính, cho đến khi Nhà nước ra cơ chế đặc biệt để ra đời 3 khu chế xuất: Tân Thuận (TP.HCM), An Đồn (Đà Nẵng), Nomura (Hải Phòng). 

Trong 3 niềm hy vọng đẻ trứng vàng thu hút đầu tư nước ngoài này, chỉ có Tân Thuận thành công, nhờ địa lợi phần nào, nhưng quyết định vẫn là bởi nhân hòa.

Công ty Phát triển KCN Biên Hòa, thành lập năm 1990, lấy lại tên Sonadezi cũ, có được sự năng động và tiên phong trong lĩnh vực phát triển KCN - cũng nhờ vào yếu tố con người, khi cố vấn chiến lược cho công ty này những ngày đầu là chủ tịch tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Văn Bình. 

Ảnh: Sonadezi.com.vn

Ảnh: Sonadezi.com.vn

Nội lực và di sản của Sonadezi lúc đó trở thành đòn bẩy quyết định cho sự ra đời của một trong những KCN sớm nhất và cũng có thể nói là thành công nhất trong 10 năm đầu mở cửa: KCN Biên Hòa II.

Đầu những năm 1990, khi người viết lần đầu đến miền Đông Nam Bộ, KCN Biên Hòa I đón một trong những khách hàng cuối cùng, thương hiệu Cám Con Cò của Pháp, và phía bên kia Xa lộ Hà Nội, những con đường đất đỏ mù mịt đang thi công rải nhựa, KCN Biên Hòa II cũng bắt đầu có những khách hàng đầu tiên đến từ Đài Loan, Hàn Quốc (xưởng may Teawang nổi tiếng với số lượng công nhân xấp xỉ 10.000), Thái Lan (hãng thức ăn gia súc CP) và những đại bàng đích thực đầu tiên của làn sóng đầu tư thành công nhất trong lịch sử phát triển công nghiệp thế kỷ 20 ở Việt Nam: Fujitsu, Mabuchi Motor, Sanyo... - những công ty đến từ Nhật Bản.

Tới Biên Hòa I, II...

Trên thực tế, KCN Biên Hòa I vào thập niên 1990 đã chấm dứt vai trò là một điểm đến đầu tư của những nhà sản xuất. Bản thân các nhà máy hiện hữu ở đó từ thập niên 1960 cũng hết động lực đổi mới và hầu hết phát triển bằng quán tính. 

Hạ tầng cũ kỹ và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai do hệ thống xử lý chất thải không thể khắc phục là nguyên nhân khu kỹ nghệ này buộc phải chấm dứt sứ mệnh.

Cuối những năm 1990, đi qua Xa lộ Hà Nội, ta có thể nghe thấy cùng một lúc mùi cà phê của Vina Café, mùi hóa chất của nhà máy ắc quy miền Nam, lẫn mùi cám heo của ProConco. Cái tên Sonadezi, viết tắt từ tiếng Pháp 100%, thú vị thay, vẫn được giữ nguyên cho các công ty phát triển KCN khác ở Đồng Nai: Sonadezi Biên Hòa, Sonadezi Châu Đức…

Việc Khu kỹ nghệ Biên Hòa cần phải đóng cửa để chuyển đổi công năng, đã được đặt ra cách đây xấp xỉ 20 năm. Tuy nhiên đến giờ, mọi chuyển động vẫn rất chậm chạp. Đó phải coi là điều đáng thất vọng, khi lý do đưa ra là doanh nghiệp đóng ở trên khu này không đồng ý di dời vì KCN thay thế ở xa quá.

Thực tế từ KCN Biên Hòa I đến KCN Giang Điền, nơi xây dựng để phục vụ việc di dời các nhà máy, chỉ cách nhau chưa đến 20km. Nếu nói rằng khoảng cách đó là xa, giao thông cách trở… thì có thể nhìn về Bình Dương, nơi các KCN Mỹ Phước, Bàu Bàng, VSIP III xa xôi cách trở như thế nào với Sài Gòn, nhưng vẫn được lấp đầy nhanh chóng nhờ vào nỗ lực mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng, đường sá.

Nói một cách thành thật, sau 30 năm, Đồng Nai vẫn không có một khu Biên Hòa II… thứ hai. Và việc Khu kỹ nghệ Biên Hòa I lay lắt gần 20 năm qua là một dẫn chứng cho sự ì ạch của tỉnh này trong việc bứt phá, thay đổi. 

Nhìn về lợi thế, vị trí của Khu kỹ nghệ Biên Hòa I, khi chuyển đổi công năng thành một khu đô thị dịch vụ, có những điều đặc biệt không nơi nào ở Đông Nam Bộ và TP.HCM có được. Đó là dòng sông Đồng Nai bao quanh với diện tích đất chưa khai thác còn mênh mông. 

Điều khác biệt mà mọi đô thị ở Sài Gòn muốn cũng không thể có, đó là con nước và địa chất của lòng sông Đồng Nai luôn xanh trong, không có sình lầy, do đó luôn đem đến hương vị trong lành dù bất cứ mùa nào.

Miễn là xung quanh nó không còn những nhà máy gây ô nhiễm, và một tầm nhìn xa của con người ở đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận