21/12/2022 16:29 GMT+7

Sẽ vẫn thiếu và khó tuyển dụng lao động

VŨ THỦY
VŨ THỦY

Ngày 21-12, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn đã đến làm việc với hai doanh nghiệp tại TP.HCM về tình hình cắt giảm, tuyển dụng lao động thời điểm hiện tại.

Sẽ vẫn thiếu và khó tuyển dụng lao động - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đoàn công tác làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP.HCM) ngày 21-12 - Ảnh: VŨ THỦY

Đoàn đến làm việc với Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) và Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (quận Tân Phú). Đây là hai doanh nghiệp trong lĩnh vực giày da và may mặc, lĩnh vực đang trải qua giai đoạn giảm đơn hàng, cắt giảm lao động trong thời gian qua.

Bà Phạm Thị Út - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tỷ Hùng - cho biết từ năm 2021, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến đầu năm 2022 ảnh hưởng đơn hàng rất lớn nhưng vẫn cố gắng sắp xếp, bố trí cho công nhân có công việc ổn định.

Đến giữa năm tình hình kinh tế tác động, đặc biệt mặt hàng ở châu Âu những tháng cuối năm đơn hàng giảm 70 - 80%. Vừa qua, công ty đã quyết định cắt giảm, chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.200 lao động.

Bà Út nói công ty luôn đánh giá người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp, cắt giảm là điều không ai mong muốn, tình huống bắt buộc nên đây là quyết định khó khăn của công ty.

Theo đó, lượng đơn hàng của công ty bị ảnh hưởng lớn, cụ thể trước đây công ty nhận 200.000 - 250.000 đôi sản phẩm/tháng thì đến cuối tháng 9, 10 chỉ còn 60.000 - 70.000 đôi nên buộc phải thu hẹp sản xuất.

Cùng với nhà máy tại quận Bình Tân, công ty còn có ba nhà máy ở TP.HCM, Đồng Tháp và Bến Tre. Hiện các đối tác vẫn duy trì sản xuất nhưng đơn hàng chỉ đủ cho hai nhà máy ở Đồng Tháp, Bến Tre.

Còn tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công, lượng đơn hàng cũng giảm sút 15 - 20% nhưng hiện công ty vẫn duy trì lao động, không thực hiện cắt giảm lao động trực tiếp.

Số lao động hiện còn khoảng 6.500 người, giảm 300 người so với thời điểm đầu năm nhưng đại diện công ty cho biết đây là biến động tự nhiên và vẫn xảy ra vào dịp cuối năm.

Thay vào đó, công ty đã tinh gọn bộ máy quản lý, văn phòng, cắt giảm khoảng 300 nhân sự, điều chuyển qua bộ phận sản xuất hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc nhân sự công ty, cho biết với quy trình sản xuất khép kín, gồm cả dệt và may, cộng với lượng khách hàng truyền thống lâu nay nên đơn hàng của công ty không bị biến động quá lớn.

Đồng thời trong tình hình khó khăn chung, công ty chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí chấp nhận lỗ để duy trì lượng khách hàng, duy trì việc làm cho người lao động.

Cả hai công ty đoàn công tác đến làm việc đều có nhà máy ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Ông Vũ Trọng Bình - cục trưởng Cục Việc làm, thành viên đoàn công tác - đặt vấn đề liệu trong các trường hợp phải cắt giảm, thu hẹp sản xuất, TP.HCM là địa bàn cắt giảm đầu tiên do chi phí nhân công cao hơn không.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn nói doanh nghiệp không có nhu cầu cắt giảm ở địa bàn nào. Tình trạng cắt giảm hiện chỉ là ngắn hạn, trong khi về lâu dài sẽ vẫn thiếu và khó tuyển dụng lao động.

"Thời điểm đầu năm, việc tuyển dụng lao động thường rất khó khăn. Chúng tôi thậm chí thưởng cho người giới thiệu, thưởng cho người ứng tuyển vào làm việc nhưng vẫn rất khó tuyển. Gần đây có xu hướng lao động chuyển dịch từ TP.HCM về các tỉnh lân cận, về quê làm việc", ông Tuấn nói thêm.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng xu hướng người lao động về lại các tỉnh cũng là mong muốn chung của các địa phương để người nông dân "ly nông nhưng không ly hương".

Đoàn công tác muốn trực tiếp tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp, lắng nghe các đề xuất từ doanh nghiệp để tháo gỡ, cải thiện tình hình kinh doanh, sản xuất và bảo đảm việc làm cho người lao động.

Các đề xuất trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc Các đề xuất trích quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ lao động mất việc

TTO - TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng trong trường hợp doanh nghiệp không có đơn hàng, người lao động mất việc làm và thực hiện tái cơ cấu sản xuất thì Nhà nước có thể sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ tiền để đào tạo lại nghề cho người lao động.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên