10/12/2022 09:27 GMT+7

Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’

V.THỦY - B.ĐẤU - K.TÂM
V.THỦY - B.ĐẤU - K.TÂM

TTO - Đồng lương công nhân ít ỏi, làm tháng nào trang trải tháng đó nên đa số không có tích lũy. Do đó chỉ cần giảm giờ làm, mất việc, ốm đau... xảy ra là khó khăn, phải chạy vạy vay mượn. Đáng buồn là cảnh đó đang xảy ra với nhiều công nhân.

Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’ - Ảnh 1.

Công ty CP công nghiệp Ameco vừa xuất khẩu lô hàng các loại máy cán tôn sang Mỹ giữa lúc thị trường khó khăn - Ảnh: K.DUY

Tết cận kề và đây là cái Tết thứ hai đời sống công nhân lâm vào cảnh khó khăn. Để vượt qua mùa "giáp hạt", công nhân phải cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm dù ít ỏi.

Lay lắt bám trụ

Giờ tan ca, khu trọ khoảng 90 phòng ở xã Trung An, huyện Củ Chi (TP.HCM) không còn nườm nượp công nhân đi làm về như trước. Khu trọ với mấy dãy phòng dài hun hút vắng phân nửa vì nhiều người đã về quê sau khi công ty cho nghỉ việc vì thiếu đơn hàng.

Anh Khánh - người quản lý khu trọ - giọng rầu rầu: "Phòng trống nhiều lắm. Sau dịch người ta lên cũng kha khá. Thế nhưng từ tháng 7, tháng 8 tới giờ nhiều công ty cắt giảm nhân công, người ta lại trả phòng. Cũng không biết họ đi đâu. Người thì về quê, người kiếm việc nơi khác thì thuê chỗ khác".

Chị Nguyễn Thị Đến (41 tuổi, quê Bạc Liêu) hiếm khi có mặt ở phòng vào tầm 4h chiều, nhưng hôm nay chị nghỉ phép năm nên ở phòng trọ cả ngày.

"Công ty cho nghỉ một lượt những người mới ký hợp đồng chưa đủ một năm. Tôi cũng mới vào công ty làm bảy tháng nhưng may mắn được giữ lại vì công ty xét hoàn cảnh khó khăn và ưu tiên cho tôi, nếu không cũng không biết xoay xở như thế nào", chị Đến kể.

Cho nghỉ một lượt nhưng công ty vẫn khó khăn, đơn hàng vẫn không đủ, nhà máy vẫn cho công nhân nghỉ phép năm và mới đầu tuần trước đã thông báo để công nhân bắt đầu nghỉ làm ngày thứ bảy. Công việc dẫu vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập giảm 2 - 3 triệu đồng so với bình thường, đến giờ chỉ chừng gần 6 triệu đồng/tháng nhưng với chị Đến là "vẫn còn may mắn hơn những người bị mất việc".

Chị Đến là mẹ đơn thân có ba đứa con, hai đứa mười chín, đôi mươi đều đã nghỉ học đi làm công nhân, đứa nhỏ thì mới lớp 5. Sau đợt dịch đi qua, cả ba mẹ con đi làm công nhân nuôi nhau nhưng rồi đùng một cái con gái chị Đến bị tông xe, lái xe bỏ chạy.

"Con bị thương nằm ở đường, tôi chạy ra đưa con vào viện, chi phí hết 40 triệu đồng phải vay mượn khắp mọi nơi. Rồi từ đó đến nay cũng đã tính bằng năm nhưng con vẫn chưa đi lại bình thường để đi làm được", chị Đến kể.

Cùng dãy trọ với chị Đến, vợ chồng chị N.K.T. (42 tuổi) cũng chật vật xoay xở khi công ty cắt giảm nhân công. "Sau đợt dịch, hai vợ chồng cùng vào làm một lượt, rồi công ty thông báo thiếu đơn hàng, nghe nói sắp tới sẽ không còn đơn nên cho cắt giảm những người hợp đồng dưới một năm.

Mà công ty xét nhà tôi có hai người, nghỉ một lượt chịu không thấu nên giữ lại một người. Công ty gần dãy trọ, tôi lại không biết chạy xe nên chồng "nhường" cho tôi làm. Ảnh đi kiếm việc làm mới nhưng kiếm hoài không được nên tạm về quê rồi. Ở quê, ảnh cũng chưa tìm được việc mần", chị T. kể.

Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’ - Ảnh 2.

Viện Công nhân Công đoàn khảo sát trên 6.200 công nhân ở ba miền - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Mất việc, về quê rau cháo qua ngày

Những người nghỉ việc cùng đợt với chồng chị T. hầu như cũng đều đã về quê, chỉ còn vài người bám trụ để ráng kiếm việc làm mới. Anh Đoàn Văn Nhơn - công nhân cũ Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) - đã nghỉ việc hơn tháng và cũng loay hoay đi tìm việc nhưng vẫn chưa có việc.

"Hồi tháng 3 năm nay xin vào làm được ở công ty này, lúc đó cả hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng mà chưa được mấy tháng thì công ty thiếu đơn hàng nên cho nghỉ", anh Nhơn chia sẻ.

Còn chị Trần Thị Bổng, ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang, do mất việc, đã về nhà hơn một tháng nay. Dù về quê rau cháo qua ngày nhưng chị Bổng vẫn canh cánh nỗi lo thiếu trước hụt sau. Chị Bổng đã có gần tám năm làm tại công ty may mặc ở Bình Dương nhưng gần đây thiếu đơn hàng xuất khẩu nên công ty giảm giờ làm nên chị đã về quê.

Về quê nhưng chị Bổng vẫn kêu bạn bè tạm ứng đóng tiền nhà trọ hằng tháng ở Bình Dương, mong khi nào có việc đột xuất sẽ quay lại làm ngay.

Tương tự, anh Lý Công Danh, ngụ phường 9, TP Cà Mau, cho hay anh đã lên Khu công nghiệp 2 thuộc tỉnh Đồng Nai làm nhiều nghề, nhiều công ty khác nhau. "Trước đây tôi thường làm ca 12 - 14 giờ/ngày đêm, có thu nhập 12 - 14 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí ăn ở thì dư ra được khoảng 7 triệu đồng", anh Danh nói.

Tuy nhiên, những tháng gần đây công ty anh Danh làm công nhân thường xuyên giảm giờ làm xuống còn 8 giờ/ngày đêm.

Từ đó thu nhập của anh cũng tụt xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng. Không thể sống nổi với mức lương thấp, anh Danh đã liên hệ với nhiều công ty khác nhưng cũng không có việc nên đành về quê, đợi qua Tết sẽ trở lại Đồng Nai tiếp tục xin việc.

Đa số những công nhân bị mất việc đều hiểu được cái khó của công ty và chỉ ước mong công ty có đơn hàng để sớm gọi đi làm lại. "Công ty không có đơn hàng thì phải cho nghỉ. Mà công nhân ai nghỉ cũng khó như ai.

Nghỉ việc tháng trước, tháng sau chưa đi làm được là phải vay mượn. Giờ chỉ mong công ty cũ sớm có nhiều đơn hàng, thâu nhận lại công nhân cũ để tôi được đi làm lại", anh Đoàn Văn Nhơn bày tỏ và ước mong như bao công nhân khác.

Tết cận kề, nhiều công nhân vẫn loay hoay trong cảnh ‘giáp hạt’ - Ảnh 3.

Người lao động tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nghe tư vấn giới thiệu việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức - Ảnh: MINH KHANG

Chủ doanh nghiệp bỏ trốn, công nhân kêu cứu

Ngày 9-12, hàng chục công nhân Công ty TNHH may mặc Minh Giang (phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa) cùng nhau tới Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn - Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai để kêu cứu vì bị công ty nợ lương, chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Theo một số công nhân, họ làm việc tại Công ty Minh Giang khoảng hai năm nay. Thời gian gần đây công ty thường xuyên gặp khó khăn về đơn hàng, công nhân đã chia sẻ với doanh nghiệp bằng việc cho nợ lương tháng 8 và tháng 10 công ty mới trả nửa tháng lương.

Theo lịch, ngày 10-12 công nhân sẽ được chi trả tiền lương tháng 11. Tuy nhiên, ngày 6-12, công nhân đi làm thì bất ngờ khi thấy công ty đóng cửa, liên hệ cả giám đốc người Việt Nam và ông chủ người Hàn Quốc đều không được.

Ngoài ra công ty cũng không đóng tiền bảo hiểm xã hội hai tháng nay cho người lao động. "Tôi là lao động chính của gia đình, sắp tới Tết rồi mà giờ tự nhiên mất việc, không biết sắp tới phải sống như thế nào đây" - chị H., công nhân Công ty Minh Giang, lo lắng nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến của người lao động, Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn đã tư vấn pháp lý, hỗ trợ làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để được giải quyết, đòi lại quyền lợi chính đáng.

A LỘC

Cùng gắng gượng qua những ngày giãn việc

Mất việc, giảm giờ làm, thu nhập còm cõi nên công nhân cũng phải cắt giảm chi tiêu.

Cắt tiền ăn của con ở quê

Chị Lữ Thị Thân - công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai - chia sẻ trước đây thu nhập của hai vợ chồng khá ổn, mỗi tháng trên 15 triệu đồng nên ngoài chi tiêu còn có tiền gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc hai con ăn học.

Nhưng khoảng bốn tháng trở lại đây, chồng chị Thân mất việc, bản thân chị cũng bị công ty cắt giảm ngày làm việc mỗi tháng. Thu nhập giảm mạnh khiến cuộc sống gia đình chị đảo lộn, dần dần rơi vào khó khăn.

"Khi không có hàng thì công ty cho nghỉ 2 - 4 ngày mỗi tháng, thời gian còn lại có việc cũng chỉ làm giờ hành chính, không có tăng ca nên thu nhập giảm. Hai vợ chồng lúc này phụ thuộc vào lương của một mình tôi nên chỉ đủ ăn, thuê phòng chứ không có tiền gửi về cho con. Việc ăn uống của con trông chờ cả vào ông bà", chị Thân bộc bạch.

Cùng dãy trọ của chị Thân ở phường An Bình (TP Biên Hòa), nhiều gia đình công nhân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không sa thải mà cố gắng duy trì việc làm cho công nhân. Ý thức được khó khăn của doanh nghiệp, người lao động cũng sẻ chia, đồng hành, nhất là những ngày Tết đã cận kề.

Chị Bùi Kim Loan - công nhân Công ty TNHH Taekwang Vina - chia sẻ: "Thu nhập giảm nhiều nhưng công nhân chúng tôi phải chia sẻ thôi chứ đâu đâu cũng khó. Bản thân chủ doanh nghiệp cũng khó khăn chứ không phải riêng mình".

NP_PhongtroVang

Phòng trọ trở nên trống vắng tại một khu trọ ở xã Trung An, huyện Củ Chi khi nhiều công nhân không còn nhu cầu thuê ở - Ảnh: N.PHƯỢNG

Công nhân "buộc bụng", hàng quán ế ẩm

Chị Mai (36 tuổi, trọ tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa) cho biết chồng chị làm công nhân trong Khu công nghiệp Amata, chị làm nhà nước.

Mỗi tháng, thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng, gói ghém lắm mới đủ các khoản chi phí sinh hoạt, thuê trọ, nuôi con. Tuy nhiên sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến công việc bấp bênh, số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng cạn kiệt dần.

Đặc biệt thời gian gần đây công ty của chồng chị Mai gặp khó về đơn hàng, còn chị mang thai con thứ hai, thường xuyên ốm nghén nên ở nhà nhiều hơn đi làm, khó khăn càng thêm chồng chất. Vợ chồng chị Mai phải "tiết kiệm hết mức có thể", cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết nhưng khi Tết đã cận kề, hai vợ chồng chỉ có thể thở dài bởi "tiền đâu mà về quê".

Tại Bình Dương, tuy chưa xảy ra tình trạng doanh nghiệp đóng cửa nhưng tình trạng bị thiếu đơn hàng dẫn tới phải giảm giờ làm của công nhân khá phổ biến, nhất là trong các doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng xuất khẩu. Công nhân giảm thu nhập nên các hộ kinh doanh dịch vụ cũng khá ế ẩm, khó khăn theo.

Bà Hằng (thuê trọ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết cả gia đình từ Vĩnh Long lên đây ở trọ chung. Chồng bà đi làm thợ hồ, con cái đi làm, còn bà do lớn tuổi nên ở nhà bán hủ tiếu, đồ ăn sáng.

Trước đây đông công nhân ăn uống nên bà còn có "đồng ra đồng vào" nhưng kể từ khi dịch COVID-19 tới nay công nhân vắng hẳn. Bà phải đóng cửa hàng bán hủ tiếu, tiền sinh hoạt đành phải nhờ con, được chăng hay chớ.

Ông Diện (ngụ phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) cho biết gia đình ông bán đồ chơi, tạp hóa tại khu vực rất đông công nhân thuê trọ. "Trước đây cứ đến đầu tháng là công nhân lãnh lương nên người ra vô mua sắm nhiều. Nhưng gần đây thu nhập giảm, có người thì về quê nên hàng hóa ế ẩm", ông Diện cho biết.

Tương tự, tại khu vực cổng các công ty lớn, có hàng ngàn công nhân như Công ty Chí Hùng (thị xã Tân Uyên)... trước đây tấp nập người bán hàng nhưng nay công ty giảm giờ làm nên buôn bán khó khăn, ế ẩm hơn.

Trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương... bị giảm đơn hàng khiến doanh nghiệp phải gắng gượng nhằm giúp công nhân bớt khốn khó.

Tìm cách hỗ trợ công nhân

Ông Phạm Văn Tuyên - phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương - cho biết Bình Dương có khoảng 30% công nhân bị giảm giờ làm, nhưng đa số các doanh nghiệp cũng đang gắng gượng đồng hành cùng người lao động, chứ chưa có tình trạng đóng cửa nhà máy, sa thải hàng loạt.

Theo thống kê, số lượng người lãnh bảo hiểm thất nghiệp năm nay tại Bình Dương cao hơn năm trước, nhưng vẫn chưa nhiều bằng lúc cao điểm của dịch COVID-19. Từ đầu năm 2022 tới nay có khoảng 84.000 người lãnh bảo hiểm thất nghiệp, hết năm có thể lên 88.000 - 89.000 người lãnh (nhiều hơn năm 2021, có 66.000 người lãnh bảo hiểm thất nghiệp).

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng sau dịch COVID-19 người dân các tỉnh vẫn tới Bình Dương làm ăn, có một số người tạm về quê nhưng không nhiều.

Nếu như trước đây có khoảng 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội thì nay có khoảng 994.000 người tham gia, ít hơn khoảng 6.000 người nhưng số người này cũng không hẳn bỏ về quê mà có thể chuyển qua ngành nghề khác.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết tính đến ngày 30-11, có gần 60.000 lao động tại 180 doanh nghiệp bị ảnh hưởng do gặp khó về đơn hàng phải thu hẹp sản xuất.

Ngoài ra có hơn 1.400 lao động bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhiều năm với số tiền gần 12 tỉ đồng. Hiện các địa phương đang tăng cường nắm bắt tình hình các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc để đảm bảo quyền lợi cho họ trong việc đóng đủ bảo hiểm xã hội và trả đủ lương.

Mới đây Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan, kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trình HĐND thông qua chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn. Đối với các tổ chức công đoàn cũng có thể hỗ trợ người lao động khó khăn từ 500.000 - 1 triệu đồng từ kinh phí công đoàn.

A LỘC - BÁ SƠN

Công nhân sống sao khi lương còn một nửa! Công nhân sống sao khi lương còn một nửa!

TTO - Mỗi người một kiểu mất việc, giảm lương. Tết cận kề rồi, đùng cái thu nhập chỉ còn một nửa do giảm việc. Người hôm nay còn việc nhưng thấp thỏm lo âu không biết còn ổn đến Tết không khi nghe tin công ty sắp giảm nhân sự.

V.THỦY - B.ĐẤU - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên