15/04/2023 18:29 GMT+7

Sẽ không sửa màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo

"Chúng tôi sẽ có một chút điều chỉnh nhưng về cơ bản không thay đổi màu vôi của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo để tôn trọng gam màu gốc của công trình".

Sẽ không sửa màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - Ảnh 1.

Chuyên gia và đại diện quận Hoàn Kiếm đều nói sẽ không đổi màu vôi của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Emmanuel Cerise - chuyên gia Pháp hỗ trợ chuyên môn cho dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội - khẳng định với báo giới chiều 15-4 ở ngay tại chân biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, khi việc trùng tu đang nhận sự quan tâm lớn của dư luận.

Đại diện phía chủ đầu tư cũng nói đây là màu gốc và nguyên tắc trùng tu là tôn trọng yếu tố gốc.

"Đó là màu gốc rồi"

Ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile-de-France tại Việt Nam, giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam - đã trả lời thẳng thắn nhiều câu hỏi của báo giới liên quan tới dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo.

Là người tìm ra màu sắc gốc của biệt thự này sau nhiều lớp màu được phủ lên công trình theo thời gian, ông Emmanuel khẳng định dứt khoát dưới góc độ của một người làm chuyên môn, ông sẽ không thay đổi quan điểm của mình về màu sắc của công trình, dù hiện tại màu ấy bị một luồng dư luận chê.

Ông lựa chọn tôn trọng đầy đủ các yếu tố gốc của công trình mà mình đã nghiên cứu được, mà màu vôi vàng và đỏ là một trong số đó.

Biết rằng màu sắc này sẽ làm nhiều người cảm thấy không quen và rất dễ gặp phản ứng của dư luận, nhưng ông vẫn chọn cách "táo bạo" là trung thành với màu gốc của công trình.

"Nếu chúng tôi cố tình làm nhạt đi để nó trông có vẻ nhuốm màu thời gian và sẽ được mọi người đồng thuận hơn nhưng đó không phải là cách bảo tồn thật sự.

Phải tôn trọng đặc điểm gốc như khi nó mới được xây dựng, còn làm cho nó nhạt nhòa đi thì rất nhanh sau đó màu sắc ấy sẽ không còn là màu của công trình nữa", ông Emmanuel nói.

Cũng có mặt tại biệt thự 49 Trần Hưng Đạo chiều 15-4, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết ông không hoài nghi chuyện màu sắc gốc của biệt thự gồm màu vàng và màu đỏ gạch như các chuyên gia Pháp tìm thấy. Nhưng ông góp ý màu sắc nên nhạt hơn.

Sẽ không sửa màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - Ảnh 3.

Ông Emmanuel Cerise trả lời phỏng vấn báo chí bên hông biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đang gây tranh cãi - Ảnh: T.ĐIỂU

Về góp ý này, ông Emmanuel lắng nghe nhưng vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông nói với Tuổi Trẻ Online nếu ngay bây giờ chọn một màu nhạt hơn cho vừa lòng công luận thì chỉ nửa năm sau, dưới tác động của thời tiết sẽ phải làm lại.

Ông Phạm Tuấn Long - chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cũng là một kiến trúc sư - không trả lời trực tiếp có hay không với câu hỏi nhà đầu tư liệu có đổi màu vôi công trình này khi có nhiều ý kiến chê.

Ông gián tiếp khẳng định lập trường sẽ không đổi màu vôi của biệt thự này bằng câu nói: "Đó là màu gốc rồi", và đây lại là dự án mẫu về tu bổ, bảo tồn biệt thự Pháp ở Hà Nội nên "nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc được đưa lên hàng đầu".

Ông Long cho biết thêm công trình này được hoàn chỉnh bằng lớp vữa trát tam hợp gồm cát, vôi, xi măng, vì vậy việc quét màu cho công trình này sử dụng chất liệu có nguồn gốc vôi để đảm bảo tính đồng nhất về mặt vật liệu công trình chứ không dùng sơn.

Sẽ không sửa màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - Ảnh 4.

Ảnh chụp quá trình nghiên cứu bóc tách các lớp màu để tìm ra màu gốc của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đang được triển lãm tại công trình này - Ảnh: BTC

14 tỉ đồng bảo tồn: Chuyên gia Pháp miễn phí

Về số tiền 14 tỉ đồng cho dự án bảo tồn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo được nhiều người cho là quá lớn, ông Long "xin không bình luận", nhưng cho biết số tiền này hoàn toàn từ ngân sách quận Hoàn Kiếm, và chi tiêu ngân sách đều có quy định rất rõ ràng.

Và 14 tỉ đồng chỉ là số tiền cho xây lắp công trình. Phần nội thất, làm triển lãm bên trong tòa nhà để giới thiệu về dự án bảo tồn biệt thự này sau khi hoàn thành trùng tu, quận vẫn đang tính toán.

Phần chi phí xây lắp cho công trình trùng tu không chỉ cho riêng ngôi biệt thự, mà còn có chi phí tháo dỡ nhiều công trình nhà dân xây lấn chiếm vào biệt thự trong nhiều năm; xây dựng công trình nhà phụ trợ phía sau biệt thự là công trình gốc nhưng đã bị phá dỡ trước đây…

Còn phần hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật bảo tồn của các chuyên gia Pháp là hoàn toàn miễn phí. Phía Pháp giúp chi trả cho các chuyên gia của họ.

Sẽ không sửa màu vôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - Ảnh 5.

Phần màu đỏ của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo đang tiếp tục được kẻ đường trắng giả đường chỉ gạch như nguyên gốc - Ảnh: T.ĐIỂU

Về con số 14 tỉ đồng, ông Emmannuel Cerise nói với Tuổi Trẻ Online rằng số tiền đó không phải là quá lớn, bởi việc trùng tu một biệt thự cổ đúng với nguyên gốc rất kỳ công. Số tiền này cũng không thể xây được một biệt thự đúng như công trình gốc sau trùng tu, dù đương nhiên là nó đắt đỏ so với xây một biệt thự giả cổ mới.

'Màu vôi gốc' của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo được tìm ra thế nào?

Khi chủ đầu tư công bố màu vôi căn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chính là màu gốc của công trình mà các chuyên gia tìm thấy, nhiều người đặt câu hỏi màu đó đã được tìm ra thế nào khi không có ảnh màu chụp biệt thự này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên