06/11/2023 18:14 GMT+7

Rác thải từ hộ gia đình được phân loại theo mấy nhóm?

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành hướng dẫn về phân loại rác thải sinh hoạt (chất thải rắn sinh hoạt).

Rác thải sinh hoạt vẫn chưa được phân loại (ảnh chụp tại một điểm tập kết rác ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ

Rác thải sinh hoạt vẫn chưa được phân loại (ảnh chụp tại một điểm tập kết rác ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ

Ngày 6-11, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản "Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt".

Rác thải sinh hoạt sẽ được phân loại theo từng nhóm cụ thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho hay trong quá trình triển khai hướng dẫn, nếu có vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn kịp thời và sẽ xem xét, điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.

Theo văn bản trên, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ được phân loại theo 3 nhóm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Trong đó, nhóm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chia thành 8 nhóm nhỏ gồm: Giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ.

Nhóm chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác được chia thành 3 nhóm nhỏ gồm: Chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.

Một điểm tập kết rác ở đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ

Một điểm tập kết rác ở đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ

Các địa phương quy định cụ thể giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Bên cạnh đó tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Và triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất đến ngày 31-12-2024.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt. Bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và lựa chọn cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Quy hoạch, bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt...

Ngoài ra các địa phương phải quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Khi nào áp dụng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới xử phạt cá nhân, hộ gia đìnhKhi nào áp dụng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới xử phạt cá nhân, hộ gia đình

TTO - Vụ Chính sách, pháp chế và thanh tra (Tổng cục Môi trường) cho biết: “Những năm tới, địa phương nào ban hành quy định phân loại rác tại nguồn thì áp dụng nghị định 45 luôn”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên