01/01/2022 13:55 GMT+7

1-1-2022 luật quy định hộ gia đình phải phân loại rác thải, nhưng vẫn lộn xộn

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Theo điều 75, Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác.

1-1-2022 luật quy định hộ gia đình phải phân loại rác thải, nhưng vẫn lộn xộn - Ảnh 1.

Công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt tại một tòa nhà chung cư thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: Q.THẾ

Sáng 1-1, ghi nhận tại một số khu dân cư, đô thị tại Hà Nội cho thấy người dân vẫn chưa phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020. 

Phí thu gom rác phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá 

Theo điều 75, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Từ ngày 1-1-2022, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều có hiệu lực. Luật quy định, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

So với Luật bảo vệ môi trường năm 2014, luật mới có những điểm mang tính đột phá chính như lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo điều 78, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: "Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn sinh hoạt".

Đối với chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo điều 79, "phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định theo điều 75 thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác".

1-1-2022 luật quy định hộ gia đình phải phân loại rác thải, nhưng vẫn lộn xộn - Ảnh 2.

Ban quản lý tại một chung cư ở Hà Nội phân loại rác vô cơ và hữu cơ, tuy nhiên ghi nhận cư dân vẫn chưa phân loại rác tại nguồn theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020 - Ảnh: Q.THẾ

Rác thải vẫn bỏ lộn xộn trong hầm rác tòa nhà chung cư

Chị Phương - công nhân môi trường - cho biết: "Sáng ngày 1-1, tôi thu gom rác thải sinh hoạt tại nhiều khu đô thị trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nhận thấy người dân vẫn chưa phân loại rác và rác thải vẫn bỏ lộn xộn trong hầm rác tòa nhà chung cư".

"Do rác thải không được phân loại từ nguồn, có nhiều loại rác thải rắn, nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt khiến công nhân thu gom gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro lao động", chị Phương cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàn (sinh sống tại một chung cư trên địa bàn phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết: "Mỗi tầng có hai thùng đựng rác vô cơ và hữu cơ, tuy nhiên nhiều hôm đi đổ rác tôi thấy cư dân vẫn bỏ lẫn lộn…". 

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP.HCM, Đà Nẵng, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)… cũng đã "thí điểm" phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết: "Phân loại rác chỉ là một vấn đề trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Chúng tôi đã có kế hoạch triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020 từ thời điểm trước khi luật có hiệu lực".

Về nội dung ghi nhận của phóng viên tại một số khu dân cư, nhà chung cư ở Hà Nội người dân vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, ông Thái nói: "Chúng tôi sẽ cho kiểm tra".

1-1-2022 luật quy định hộ gia đình phải phân loại rác thải, nhưng vẫn lộn xộn - Ảnh 3.

Đầu tháng 11-2021, rác thải sinh hoạt ùn ứ tại nhiều tuyến đường ở một số quận nội thành Hà Nội do nhà máy xử lý rác thải gặp sự cố - Ảnh: Q.THẾ

Luật bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường như: "Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường".

Bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ngoài ra, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Đồng thời, cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu. Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Rác ở chung cư: Chuyện dễ xử mà xử không dễ Rác ở chung cư: Chuyện dễ xử mà xử không dễ

TTO - Ở một số chung cư tại TP.HCM, tình trạng xả rác bừa bãi hiện khá phổ biến do sự thiếu ý thức của không ít người.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên