23/07/2011 05:17 GMT+7

Giảm "xì-chét" thời bão giá

NGUYỄN VĂN CÔNG (chuyên viên tâm lý)
NGUYỄN VĂN CÔNG (chuyên viên tâm lý)

TT - Chị Thanh vốn là người phụ nữ khá khéo léo và chu đáo trong lo lắng việc nhà. Trước đây những bữa ăn chị thiết kế luôn được chồng và hai con khen ngợi.

* Tình huống

Biết tâm lý chồng và con thích ăn vặt, chị làm dôi ra cho cha con thỉnh thoảng nhấm nháp. Thu nhập của gia đình chị thuộc dạng vừa phải, nhờ tài “khéo ăn, khéo co” của chị mà những năm rồi gia đình rất êm ấm. Những vật dụng trong nhà đến áo quần của mọi thành viên được chị đầu tư rất chỉn chu. Bầu không khí tâm lý gia đình chị Thanh rất ấm cúng.

Vậy mà giờ đây khi cơn bão giá tràn qua nhà chị, mọi người trong gia đình lúc nào cũng thấy chị cau có, bực bội. Bữa cơm chị nấu thì hao trước hụt sau. Nấu ăn, đi chợ xong là tâm hồn chị như treo ngược ở đâu. Mấy cha con dùng không hết thức ăn là chị cằn nhằn. Có những bữa nhìn thấy hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn thòm thèm trước bữa cơm thiếu cả chất lẫn lượng, chồng chị đã lớn tiếng cho rằng chị vụng về, chị ấm ức quá khóc trước mặt con tại bàn ăn.

* Lắng nghe nhau

Cùng tìm đến sự tư vấn của chuyên gia tâm lý, vợ chồng chị Thanh nhận ra ngọn nguồn của sự xung đột trong gia đình anh chị là mâu thuẫn trong chi tiêu của hai người. Chị Thanh vốn rất tiết kiệm trong chi tiêu. Vì thế, trong thời bão giá này chị càng dè sẻn. Chị luôn đắn đo việc liệu cơm gắp mắm cho gia đình. Song anh Tùng, chồng chị, lại rất phóng khoáng. Nhận lương hằng tháng, anh Tùng trích cho chị Thanh một nửa lương góp vào làm tài sản chung, còn mình thì vi vu cà phê, bia bọt... với bạn bè. Trước khi giá cả leo thang, chị Thanh coi như tạm chấp nhận với thói quen của chồng.

Nhưng giờ đây, dù “khéo co” nhưng chị không làm sao đảm nổi việc cơm áo gạo tiền của cả nhà trong khi chồng có hôm say sưa bên bàn nhậu. Điều đó làm thay đổi tâm tính của chị. Chị nảy sinh tâm lý so sánh. Vì sao cùng lấy chồng mà cô bạn mình không bao giờ phải bận tâm đến việc chi tiêu?... Hàng trăm câu hỏi vì sao cứ nhảy múa trong đầu làm chị càng giận ông chồng vô tâm của mình. Ngược lại, anh Tùng thấy vợ bây giờ lúc nào mặt cũng “lạnh như sắt”, chồng nói một câu vợ cãi ba câu.

* Vì sao nên nỗi!

Khi đối mặt với sự leo thang của giá cả, người vợ vốn được giao nhiệm vụ giữ “tay hòm chìa khóa” rất dễ rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng, bực bội, thậm chí lo âu quá mức dẫn đến stress. Trong khi đó, người đàn ông tự thấy mình không đảm trách được vai trò trụ cột, đảm bảo cuộc sống ấm no cho cả gia đình nên dễ rơi vào trạng thái tự ti, mặc cảm. Nếu gặp phải bà vợ suốt ngày càu nhàu về chuyện tiền nong, về việc chồng bất tài để vợ con phải khổ sẽ khiến chồng thêm bất mãn, lo lắng.

* Chia sẻ

Người chồng cần thông cảm, chia sẻ với vợ những khó khăn trong thời bão giá, vợ chồng nên cùng từ bỏ những thói quen không có ích như:

- Chồng: hạn chế uống rượu, hút thuốc, cà phê hằng ngày để thực hiện chính sách “bù chi” vào những ích lợi của gia đình.

- Vợ: cân đo lại việc mua sắm áo quần, mỹ phẩm, đồ dùng cá nhân...

- Cả nhà cùng thực hiện chính sách tiết kiệm. Cha mẹ thường xuyên nhắc nhở con trẻ hạn chế trong chi tiêu, thay vì ăn quán thì ăn sáng ở nhà. Mỗi tuần cả nhà cùng đi chợ để biết sự thay đổi giá cả trong thời bão giá.

Không nên nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình xung quanh chuyện chi tiêu mà hãy hình thành những thói quen sinh hoạt phù hợp với mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh nhất định.

NGUYỄN VĂN CÔNG (chuyên viên tâm lý)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0