03/01/2019 14:26 GMT+7

Cả trăm triệu dân Đông Nam Á mắc 'bệnh nhà giàu'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Người dân các nước Đông Nam Á hiện chiếm 20% trong số 450 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Tình trạng mắc 'căn bệnh nhà giàu' này là do sự thiếu hiểu biết và những chính sách phối hợp còn yếu kém.

Cả trăm triệu dân Đông Nam Á mắc bệnh nhà giàu - Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường bên cạnh việc áp dụng thuế đường - Ảnh: TODAY ONLINE

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, khoảng 96 triệu người trong số hơn 670 triệu dân Đông Nam Á đang mắc bệnh tiểu đường. Con số này tương đương cứ 14 người có 1 người mắc bệnh. Và hầu hết họ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh phổ biến hơn tiểu đường tuýp 1 (do tuyến tụy bị dị tật bẩm sinh) thường do nguyên nhân thừa cân (béo phì), thói quen ăn uống, sinh hoạt, ít vận động…

Theo SCMP, ngoài chế độ ăn uống không hợp lý, nguyên nhân khiến căn bệnh tiểu đường ngày càng tăng là do thiếu biện pháp ngăn ngừa sớm và sự thiếu hiểu biết, chẳng hạn một thời gian dài người ta cho rằng tiểu đường chỉ xảy ra phổ biến ở các quốc gia giàu.

Cụ thể người dân các nước Đông Nam Á hiện chiếm 20% trong số 450 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu, trong đó nổi cộm tại Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Singapore hiện là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường ở Đông Nam Á, với cách tiếp cận tiên phong trong việc ngăn ngừa và điều trị sớm.

Trong bài phát biểu ngày Quốc khánh Singapore hồi năm 2017, Thủ tướng Lý Hiển Long từng xác định tiểu đường là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà đảo quốc sư tử này đang đối mặt.

Ông thúc giục thực hiện một cuộc chiến "toàn lực" để đối phó căn bệnh từng được xem là "bệnh nhà giàu" này, theo SCMP.

Cả trăm triệu dân Đông Nam Á mắc bệnh nhà giàu - Ảnh 2.

Một trung tâm khám tiểu đường tại Bệnh viện đa khoa Singapore - Ảnh: STRAITS TIMES

Hiện có hơn 450.000 người Singapore mắc bệnh tiểu đường. Bộ Y tế Singapore cho biết con số này sẽ tăng lên 1 triệu người trong 30 năm tới nếu không có các biện pháp can thiệp. Căn bệnh này đã khiến chính phủ Singapore tiêu tốn hơn 1 tỉ USD mỗi năm.

Chính phủ Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp để đối phó căn bệnh này, gồm mở rộng cơ sở vật chất khám và chữa bệnh của các bệnh viện, đẩy mạnh chia sẻ kiến thức, thực hiện các chiến dịch công cộng và các chương trình hoạt động thể chất trong các trường tiểu học.

Ngoài ra chính phủ Singapore cũng đang xem xét thêm "hệ thống đèn giao thông" trên bao bì thức ăn, theo đó đánh giá giá trị dinh dưỡng của thành phần thức ăn.

Trong khi đó, trình bày ngân sách 2019 hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Y tế Malaysia Lim Guan Eng cho biết chính phủ sẽ áp thuế lên các loại thức uống có lượng đường cao. 

Tương tự, Thái Lan - một trong những quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới - đã thực hiện biện pháp đánh thuế đường vào năm 2017. 

Tuy nhiên, biện pháp áp thuế vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề. Theo các chuyên gia, các quốc gia Đông Nam Á cần phối hợp thêm nhiều biện pháp khác như phát hiện và điều trị sớm, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh và kêu gọi người dân thường xuyên tập thể dục.

Đánh thuế đường để giải quyết khủng hoảng thừa cân Đánh thuế đường để giải quyết khủng hoảng thừa cân

TTO - Ngày 16-3, Chính phủ nước Anh tuyên bố sẽ áp một mức thuế lên các loại đường có ở nước ngọt trong 2 năm tới nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng béo phì ngày càng tăng.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0