07/02/2022 13:57 GMT+7

Phục hồi sức khỏe, 'lên' tinh thần sau kỳ nghỉ Tết dài

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Kỳ nghỉ Tết kéo dài với sự xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc.

Phục hồi sức khỏe, lên tinh thần sau kỳ nghỉ Tết dài - Ảnh 1.

Người dân tập thể dục tại công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) - Ảnh: NHẬT THỊNH

Để lấy lại năng lượng, phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý.

Những vấn đề sức khỏe sau Tết

Khi mọi người quay lại với nhịp sống bình thường sau thời gian dài xáo trộn thói quen trong các ngày Tết cũng là lúc có nhiều vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Bác sĩ Văn Nhật Minh - khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Trưng Vương - cho biết kết thúc kỳ nghỉ Tết, số người đến khám bệnh hoặc nhập viện vì các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa gia tăng.

“Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp trong dịp Tết như viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản do tình trạng ăn uống thất thường, không điều độ (bỏ bữa, ăn trễ, ăn khuya...) cùng nhiều thức ăn chua, cay trong mùa Tết. Bệnh nhân sẽ cảm giác ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ vùng trên rốn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, ăn uống kém”, bác sĩ Minh chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Minh, nhiều bệnh nhân khi sử dụng bia rượu và các thức uống có cồn cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn tiến nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Ngoài ra, khi ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ hoặc rau sống, thức ăn sống trong dịp Tết có thể dẫn đến những rối loạn của đường ruột như tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, hội chứng ruột kích thích...

Thiết lập chế độ sống lành mạnh

Với các vấn đề về đường tiêu hóa, bác sĩ Nhật Minh khuyến cáo người dân nên thực hiện lối sống khoa học; điều chỉnh giờ giấc ăn uống điều độ trở lại, ăn đúng giờ, không bỏ bữa, hạn chế các thực phẩm chua, cay, nhiều dầu mỡ, các loại thức uống có gas hoặc cồn, các thức ăn chưa được nấu chín...; kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng để tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, trưởng đơn vị điều trị ban ngày cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, mỗi người cần xây dựng lại chế độ ăn uống, sinh hoạt cân bằng. Đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây hơn để tăng cường chất xơ và vitamin.

Chất xơ giúp hạn chế sự tăng đường huyết sau ăn, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng, kích thích trực tràng hoạt động nhẹ nhàng, chống táo bón. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp giảm cân sau Tết do thời gian tiêu hóa và hấp thụ lâu nên làm no lâu, giảm thèm ăn.

Các loại vitamin trong rau củ, trái cây như vitamin A, nhóm B, vitamin C... có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Ngoài ra, bác sĩ Vũ cho rằng người dân cần thiết lập lại nhịp sinh học sau Tết để tránh tình trạng mệt mỏi, uể oải, mất tập trung khi quay lại công việc.

“Ngủ đủ 6-8 tiếng, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ, việc thiếu ngủ có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của não, làm tăng cảm giác đói và thèm ăn. Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn có một tinh thần thoải mái và sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho một ngày làm việc mới đầu năm”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Các bác sĩ cho rằng, việc tập luyện thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình giảm béo, tiêu thụ năng lượng được hấp thu quá nhiều trong những ngày Tết, đồng thời giúp cơ thể năng động hơn, tỉnh táo hơn, cải thiện hệ tiêu hóa. Mỗi ngày nên dành 30 phút để luyện tập môn thể thao nào phù hợp với sức khỏe.

“Phương pháp vận động phải phù hợp với tình hình sức khỏe, thể trạng, tuổi tác, nhu cầu. Người lớn tuổi, có bệnh tim mạch thì không nên chọn những môn cần nhiều sức lực, các môn đối kháng dễ gây chấn thương, đột quỵ, kiệt sức.

Người có bệnh thoái hóa khớp không nên chạy bộ. Các môn như đi bộ và bơi lội là thích hợp với đa số mọi người. Theo dõi sức khỏe trước, trong và sau khi tập. Nếu thấy cơ thể không khỏe thì cần ngưng tập và có sự điều chỉnh phù hợp”, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay.

Lên “dây cót” tinh thần sau Tết

Khi quay trở lại với công việc và cuộc sống thường nhật, nhiều người sẽ gặp phải các trạng thái tâm lý buồn bã, hụt hẫng, vẫn còn tiếc nuối những ngày Tết. Các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người nên sắp xếp, xem xét lại những điều cần thiết, những mục tiêu đề ra trong năm để lên “dây cót” tinh thần cho tâm trạng, bắt tay vào công việc.

Có thể bổ sung omega-3 vào chế độ ăn uống thường ngày giúp làm giảm viêm, chống trầm cảm và cải thiện tâm trạng, sức khỏe. Các loại thực phẩm có omega-3 như cá hồi, cá ngừ, quả óc chó, hạt lanh, các loại rau lá xanh...

Chính phủ: Mở cửa du lịch trước 30-3, tập trung xử lý công việc sau nghỉ Tết Chính phủ: Mở cửa du lịch trước 30-3, tập trung xử lý công việc sau nghỉ Tết

TTO - Sau kỳ nghỉ Tết, bảo đảm tập trung xử lý công việc ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, không để công việc bị gián đoạn, đình trệ, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên