Phụ nữ chép gì trong nhật ký 400 năm qua?

TRÚC ANH 13/03/2024 11:33 GMT+7

TTCT - Có thể học được rất nhiều điều về trải nghiệm của phụ nữ qua những gì phụ nữ viết trong nhật ký riêng tư của họ.

Những phụ nữ có nhật ký được đưa vào tuyển tập. ẢNH: MEILAN SOLLY

Những phụ nữ có nhật ký được đưa vào tuyển tập. ẢNH: MEILAN SOLLY

Đọc nhật ký của một người là bước chân vào thế giới bí mật của người đó. Còn khi xem ghi chép riêng tư của hàng trăm người, sống ở nhiều thời đại khác nhau, trải dài nhiều thế kỷ, ta sẽ dựng lại được cả một tiến trình phụ nữ tâm tư, chịu đựng, tranh đấu về hôn nhân, gia đình, cuộc sống, thân phận dọc theo chiều dài lịch sử.

Trong bài viết cho tập san Journal of Narrative and Life History năm 1992, tác giả Barbara A. West cho rằng các nhà nhân học cần xem nhật ký của phụ nữ là nguồn tài nguyên quan trọng để phân tích suy nghĩ, cảm xúc và tiếng nói của các cá nhân trong từng bối cảnh văn hóa và xã hội cụ thể. Nguyên nhân là vì những dòng nhật ký của phụ nữ có nhiều nét tương đồng với ghi chép của những người theo ngành dân tộc chí (ethnographic - ghi chép, ký lục về con người).

Nhà văn, tác giả sách chuyên về lịch sử phụ nữ Sarah Gristwood đã miệt mài khai thác kho tư liệu khổng lồ này và biên soạn những ghi chép riêng tư trải dài nhiều trăm năm, thành hai quyển sách: Recording Angels: The Secret World of Women's Diaries (tạm dịch: Ghi chép của những thiên thần: Thế giới bí mật trong nhật ký phụ nữ, xuất bản năm 1988) và Secret Voices: A Year of Women's Diaries (Những tiếng nói bí mật: Một năm qua nhật ký phụ nữ, 2024).

Qua nhiều thế kỷ, nhật ký đã là nơi trú ẩn tinh thần để phụ nữ bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc được cho là không phải lối trong thời họ sống. Những trang nhật ký được hậu thế gom nhặt lại vì thế "không chỉ kể chuyện mà còn hé lộ những trận chiến mà phụ nữ phải chiến đấu trong thầm lặng, những chiến công không được reo hô và cuộc sống đời thường chẳng mấy khi được ghi chép lại", theo tác giả.

Phụ nữ chép gì trong nhật ký 400 năm qua?- Ảnh 2.
Phụ nữ chép gì trong nhật ký 400 năm qua?- Ảnh 3.

Niềm mơ ước gửi vào trang viết

Trong quyển đầu tiên, Gristwood đặt ra câu hỏi vì sao phụ nữ viết nhật ký - để chép những suy nghĩ thầm kín mà họ không muốn nói với ai, khống chế nỗi tuyệt vọng bên trong, lưu lại những cảm xúc mạnh mẽ khi hạnh phúc ngập tràn hoặc tột cùng nguy hiểm, hoặc đơn giản là ghi lại những sự kiện đặc biệt trong lịch sử? 

Quyển sách là tập hợp các đoạn trích nhật ký được Sarah Gristwood thu nhặt từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, từ những người phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp. Đó là một mảnh lịch sử, về đủ loại đề tài và xúc cảm, được ghi chép chân thật qua cái nhìn phụ nữ.

36 năm sau, Gristwood lại tuyển soạn 1.200 mẩu nhật ký, viết từ 1599 đến 2015, của hơn 100 phụ nữ sống ở hơn 20 quốc gia (gồm cả những tên tuổi lừng danh như Virginia Woolf, Anne Frank, Louisa May Alcott - tác giả của Little Women, thậm chí cả nữ hoàng Victoria), cho quyển sách mới về đề tài tương tự. 

Theo tác giả, quyển sách nhìn lại hơn 4 thế kỷ, xem trải nghiệm trong đời sống thường ngày của phụ nữ - quan hệ, tình cảm của họ với chồng, con, thân phận họ trong kỳ vọng văn hóa, xã hội - đã thay đổi, hoặc chưa thay đổi, thế nào.

Niềm vui sướng là chủ đề thường thấy ở những dòng nhật ký - từ cảm xúc biết ơn hương sắc mùa xuân của nhà thơ May Sarton tới niềm đam mê của Virginia Woolf với chiếc ô tô đầu tiên. "Nhưng trong suốt 400 năm, có lẽ cảm xúc chi phối nhất với những phụ nữ viết nhật ký là sự chán chường và tức giận" - chính Gristwood viết về quyển sách cho tạp chí Smithsonian hồi tháng 2.

Năm 1617, phu nhân Anne Clifford, một nữ quý tộc người Anh, thề rằng dù chồng có gây áp lực đến đâu, bà cũng sẽ không bao giờ từ bỏ phần đất được thừa kế của gia đình ở Westmorland. 200 năm sau, Ellen Weeton (1776-1850) - hiệu trưởng và gia sư, một trong những nghề danh giá hiếm hoi dành cho phụ nữ Anh lúc bấy giờ - bị chồng tống ra đường và tước quyền nuôi con.

Nhật ký đã xuất bản của bà Weeton

Nhật ký đã xuất bản của bà Weeton

Tất nhiên, phụ nữ ngày xưa có rất nhiều lý do để chán nản, đau khổ và tuyệt vọng. Nhưng hậu duệ ngày nay của họ đã giành được một số "thắng lợi" trên vài mặt trận. Weeton viết năm 1825: "Khi đàn ông làm tổn thương phụ nữ, làm sao cô ta có thể tự vệ? Thân hình cô yếu đuối, tinh thần rụt rè; nếu đó là một người vợ thì khó mà tìm được một người đàn ông nào mảy may nỗ lực để bảo vệ cô ta (…) Cô ta không còn hy vọng gì vào luật pháp; bởi đàn ông, kẻ thù của phụ nữ, là kẻ ban ra lẫn thi hành những thứ luật đó". Bạo hành gia đình vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, nhưng phụ nữ hiện đại đã có thể tự bảo vệ mình tốt hơn Weeton.

Nelly Ptashkina, một thiếu nữ Nga từng chép nhật ký băn khoăn về khả năng đáng sợ rằng mình có thể không bao giờ kết hôn, có thể sẽ nghĩ khác nếu sống ở thời nay. Cũng vậy, nếu còn sống tới bây giờ, Florence Nightingale (1820-1910) - người khai sinh ngành điều dưỡng hiện đại - hẳn sẽ không phải đợi quá lâu để vượt qua phản đối của gia đình về chuyện bà chọn làm y tá.

Fanny Longfellow (1819-1861), vợ của thi sĩ Mỹ Henry Wadsworth, từng viết những dòng đau buồn khi mất con: "Con bé đã tuột khỏi chúng tôi. Tôi cảm thấy một khao khát khủng khiếp được ôm lấy con trong vòng tay và sưởi ấm nó ấy một lần nữa trong lồng ngực của tôi. Ước gì con đáp lại tôi bằng một ánh nhìn yêu thương, một tiếng nói hay một nụ cười". 

Nỗi đau mất con khi mới lọt lòng thì thời nào vẫn thế, nhưng khác biệt là phụ nữ ít có khả năng gặp bi kịch đó hơn các bà mẹ thế kỷ 19. Chưa thể gọi là "thắng lợi", nhưng cũng có nhiều tiến triển.

Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư

Theo Gristwood, điểm chung nhất giữa phụ nữ ngày nay và phụ nữ nhiều đời là họ vẫn phải đối mặt với những vấn đề cá nhân, nội tâm, "những trận chiến mà phụ nữ phải đấu tranh trong đầu, với bạn bè hoặc trong nhật ký".

Đầu thế kỷ 20, Sophia Tolstoy, vợ của tác giả Chiến tranh và hòa bình, tự hỏi bà có nên gắn mãi với mối quan hệ hôn nhân ngày càng bạo ngược với Leo Tolstoy hay không. Trong khi đó, Anna Dostoyevskaya, viết nhật ký chi tiết đến nghiệt ngã về chuyện cảm xúc cứ qua lại giữa hy vọng và tuyệt vọng khi phải sống chung với một người nghiện cờ bạc, tức chồng cô, hay đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky.

Trong bài viết cho Smithsonian, Gristwood cho rằng nhật ký của nhà thiện nguyện và cải cách xã hội Elizabeth Fry (1780 - 1845) khiến bà ấn tượng nhất. Fry là người tranh đấu cho các đạo luật nhằm cải thiện việc đối xử với tù nhân, đặc biệt là tù nhân nữ (do đó được gọi là "Thiên thần của nhà tù"), nhưng trong các trang nhật ký, bà nói về khó khăn của việc dung hòa giữa sự nghiệp và gia đình. 

Fry có tới 11 người con, và đã thẳng thắn chép lại vất vả của mình khi phải gắn kết với đứa bé mới lọt lòng sau một ca sinh khó. "Tôi chưa từng trải qua niềm vui như nhiều phụ nữ mô tả, khi chồng tôi lần đầu tiên mang đứa con bé bỏng, đáng yêu đến bên tôi - Fry viết vào năm 1801 - Con bé sớm trở thành nguyên do cho sự yếu đuối và tinh thần sa sút của tôi, đến nỗi tôi gần như khóc theo khi nó khóc; nhưng tôi hy vọng, khi sức mạnh cơ thể hồi phục, sức mạnh tinh thần lên theo".

Gần một thế kỷ rưỡi sau, năm 1945, tiểu thuyết gia và nhà thơ người Scotland Naomi Mitchison viết nhật ký tả lại chuyện một nhóm bạn thảo luận về "chuyện con cái". "…Thật hiếm khi có được một giờ đồng hồ không bị phân tâm. Vì thế mà tôi biết mình không bao giờ có thể đứng đầu ở bất kỳ lĩnh vực nào… Chúng tôi chủ động chọn lấy gánh nặng này. Tuy nhiên, chúng tôi không biết trước nó khốn khổ ra sao".

Những thế lưỡng nan về hôn nhân, con cái, sự nghiệp này rồi sẽ thay đổi theo thời gian, cùng với tiến bộ của xã hội - chẳng hạn như ly dị không còn phải chịu nhiều điều tiếng như trước đây. Nhưng dù phụ nữ lớn lên cuối thế kỷ 20 đã đạt được những thắng lợi nào trong cuộc tranh đấu nữ quyền đi nữa, cuộc chiến trong chính mái nhà và trong nội tâm vẫn là cuộc chiến mà phụ nữ phải đương đầu mỗi ngày.

"Nhưng quan trọng là chúng ta không đơn độc. Những dòng nhật ký [trong sách] chứng tỏ rằng có một đội quân ở phía sau, trấn an, khuyến khích và thúc giục chúng ta trên từng bước đường" - Gristwood viết.

Nguồn động viên lớn lao đó chính là "lòng cương quyết nảy nòi từ cơn thịnh nộ thầm lặng" của những phụ nữ trong 400 năm qua. Nhà văn, họa sĩ vẽ tranh minh họa Beatrix Potter từng phải ru rú trong nhà như một phụ nữ thời Vitoria đúng nghĩa suốt những năm thanh xuân. Bà trút nỗi lòng vào nhật ký, viết bằng mật mã riêng về chuyện không thể đáp ứng kỳ vọng của xã hội về phụ nữ trẻ thời này ra sao. 

Phụ nữ chép gì trong nhật ký 400 năm qua?- Ảnh 5.

"Buồn và nản, nhưng cũng có những quyết tâm sinh ra từ đó. Potter vẫn tiếp tục viết những mẩu chuyện thần tiên" - bà nói với host Kathy Sheridan của chương trình The Women's Podcast. Khi bước sang độ tuổi 30, Beatrix Potter bắt đầu thành danh và "tìm thấy chỗ đứng của mình trong thế giới", bà cũng thôi viết nhật ký.

Một minh chứng khác về lòng quyết tâm bất chấp bị kìm hãm của phụ nữ: Nightingale - người từng viết "Ôi cầu mong có điều gì đó tuyệt vời quét sạch cuộc đời đáng ghét này vào quá khứ" ở tuổi 25 - cuối cùng cũng theo được nghiệp y khoa và còn đặt nền móng cho ngành điều dưỡng như ta biết ngày nay.

Gristwood kết luận có thể học được rất nhiều điều về trải nghiệm của phụ nữ qua những gì phụ nữ viết trong nhật ký riêng tư của họ. "Phụ nữ sử dụng nhật ký để nói lên những cảm xúc mà họ không thể nói ra công khai vào thời của mình - những tiếng nói thường rất riêng tư, bí mật, gần như bị cấm đoán vào thời của họ, ngay cả khi người viết hy vọng rằng sau này thế giới có thể thay đổi và người ta có thể nghe thấy họ rõ ràng hơn" - bà nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận