03/07/2018 12:06 GMT+7

Phên giậu cho Biển Tây

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TTO - Nước chảy đá mòn, nói gì hung hãn như sóng biển vỗ ngày vỗ đêm. Nhưng căn cơ hơn hết là phải tính toán sống hài hòa với kịch bản biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long đang lún. Những tỉnh giáp biển sẽ gánh chịu hậu quả này trước tiên.

Phên giậu cho Biển Tây - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Ngàn ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang vốn có của ăn của để nhờ có 4ha đất vuông tôm cặp theo mé Biển Tây. Vậy mà giờ đây ông hằng ngày đẩy xe bán quần áo dạo kiếm ăn. Biển nuốt hết đất đai nhà cửa của ông.

Hàng chục năm qua, biển nuốt hết đầm đìa, ruộng vườn của hàng ngàn hộ dân ở hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang.

Biển nuốt rừng, nuốt đất, nuốt nhà thì dân chỉ có biết chạy. Chạy cả lên những triền núi lúp xúp hiếm hoi đất phương Nam. Nhưng rồi chạy đi đâu nữa và chạy lên núi thì lấy gì mà ăn?

Cà Mau ngàn đời nay được biết đến mỗi năm phù sa bồi đắp 10-15m ra biển. Nhưng từ năm 2005 đến nay, mỗi năm miền Tây mất bình quân 300ha do xói lở bờ biển (số liệu từ Hội nghị biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long tháng 9-2017).

Xói lở đã vượt bồi. Nguy cơ là hiện hữu.

Chính phủ đã đổ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng cho chương trình làm đê, trồng rừng và nhiều giải pháp khác chống biển xâm thực nhưng không ăn thua.

Đê biển bị đánh tan tác, tiền như muối bỏ biển. Rừng phòng hộ ngày càng teo tóp, một phần do biển nuốt mà một phần cũng do người tự hại mình: chặt cây làm than, đào sâm đất (đồn đột) làm bần, đước, mắm đứt rễ.

Rừng mất thì đất nào còn.

Dân tình ly tán. Xã kêu huyện. Huyện kêu tỉnh. Tỉnh kêu trung ương: tiền! Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống: nào cho thấu với cái kiểu lở đâu chống đó, giặm vá năm ba vạt rừng!

Không thể chống sóng biển bằng cách làm kè bêtông chắn sóng hoặc tạm bợ hơn là kè bản nhựa, kè rọ đá, kè áp bờ...

Nước chảy đá mòn, nói gì hung hãn như sóng biển vỗ ngày vỗ đêm. Nên chăng phải tính tới phương án tốn tiền hơn nhưng căn cơ hơn: kè ngầm tạo bãi, vừa khắc phục sạt lở, vừa giữ phù sa bồi đắp bãi tái sinh cây mắm để khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ rừng, bảo vệ đê biển.

Chắn sóng phải chắn từ xa, làm giảm độ công phá của nước. Mặt khác, phải giữ cho được rừng. Trừng trị bất cứ ai xâm phạm.

Nhưng căn cơ hơn hết là phải tính toán sống hài hòa với kịch bản biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long đang lún. Những tỉnh giáp biển sẽ gánh chịu hậu quả này trước tiên.

Có ngăn chặn được đà xâm thực của biển cũng chỉ mới là giải pháp tạm thời. Lâu dài, người dân đồng bằng sông Cửu Long cần được trang bị kỹ năng sống và được trang bị con giống, kỹ thuật canh tác để được sống lâu bền trù phú trên vùng châu thổ này.

Không thể chống lại thiên nhiên. Chỉ có thể tìm giải pháp bình yên với nó.

Xuất hiện 3 đoạn sạt lở nguy hiểm trên bờ biển Tây Cà Mau Xuất hiện 3 đoạn sạt lở nguy hiểm trên bờ biển Tây Cà Mau

TTO - Hiện tại có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 5,7km tại bờ biển Tây Cà Mau gồm đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh, đoạn từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm và đoạn từ Sông Đốc đến cửa Bảy Háp.

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên