Oscar “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”: Chẳng ai buồn cãi nữa vì chán

DƯƠNG LIỄU 09/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Cứ thế này thì mùa Oscar năm nay, hay nhiều năm sau nữa, chắc lại chán ngán mà yên tâm rằng rồi Oscar cho hạng mục phim hoạt hình vẫn rất… hòa bình, chỉ dành cho trẻ em và chẳng ai buồn cãi nữa.

 
 Phim Encanto giành Oscar hạng mục “Phim hoạt hình xuất sác nhất” năm 2022.

Giải Oscar 2022 đã kết thúc với cú tát của Will Smith bay thẳng vào top từ khóa tìm kiếm nhiều nhất trên Google lẫn Twitter. Nhưng những người thực sự quan tâm tới điện ảnh vẫn có những ấn tượng, suy tư riêng của họ về chính điện ảnh mà thôi. Những bài báo với tựa đề quen thuộc như “Bất ngờ ở Oscar” hay “Tiếc nuối ở Oscar” vẫn xuất hiện, với những tranh luận về chuyện bộ phim nào xứng đáng, chính trị chen vào nghệ thuật ra sao.

Dẫu vậy, có một hạng mục chưa bao giờ nằm trong chủ đề phải tranh cãi, đó là giải “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”. Với 15 lần thắng giải trong số 18 lần tổ chức kể từ khi giải thưởng này ra đời đến nay, cặp đôi Pixar và Disney gần như luôn nắm chắc tượng vàng. Mọi chuyện hiển nhiên và dễ đoán, thậm chí Oddschecker, trang web cá độ thể thao, cũng tự tin đưa ra dự đoán 70% phim Encanto sẽ thắng giải Oscar cho “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”. Và mọi việc đúng là vậy.

Nhàm chán và mờ nhạt

Vào cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, công nghệ đồ họa phát triển dần. Phim hoạt hình bắt đầu áp dụng những công nghệ 3D tân tiến và tạo ra nhiều sự đột phá. Sự cạnh tranh cũng dần tăng nhiệt khi Hãng DreamWorks cho ra mắt những phim hoạt hình ấn tượng, phá vỡ thế độc quyền của Walt Disney tại Mỹ. Năm 2001, hạng mục Oscar cho “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” ra đời với tiêu chí ít nhất 75% thời lượng phim phải sử dụng hình họa và bộ phim phải dài ít nhất 40 phút.

Những tưởng đây sẽ là một bước tiến lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh, đáng tiếc thay, sau 20 năm, giải thưởng này vẫn giậm chân tại chỗ. Nếuở các hạng mục phim khác, công thức tính toán ra phim được giải còn nằm ở sự phỏng đoán và tranh cãi thì với “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”, sự phỏng đoán biến thành dự đoán và khẳng định. Rất đơn giản: chỉ cần là một bộ phim dành cho trẻ em, có lồng một ý nghĩa hay bài học cuộc sống nào đó cho các em nhỏ, có sự hài hước, đồ họa đẹp, thế là chắc chắn giải Oscar sẽ lọt vào tay. Công thức này hoàn toàn không đổi qua hai thập niên.

Thêm một điều kỳ quặc nữa là 95% phim nào đã đề cử ở hạng mục này thì sẽ mất tích luôn ở hạng mục “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất”. Một số người có thể cho rằng bản thân phim hoạt hình hay đã phải bao gồm hiệu ứng hình ảnh. Nhưng các phim cũng biến mất luôn khỏi danh sách đề cử cho “Phim hay nhất” - giải phim lớn nhất của Oscar. 

Đơn cử có thể kể đến Shrek năm 2001 - bộ phim đã phá bỏ định kiến về một câu chuyện cổ tích hay phiêu lưu truyền thống; hoặc Wall-E năm 2009 - bộ phim không chỉ tạo cơn sốt trên toàn thế giới mà còn được đề cử ở nhiều hạng mục khác nhau bao gồm kịch bản, hòa âm, âm thanh... chỉ thiếu mỗi hạng mục “Phim hay nhất”. Và giải Oscar cho “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” vẫn là giải… hòa bình nhất Oscar. Không gây tranh cãi, cực kỳ dễ đoán, không có gì bất ngờ.

Đấy chính điều khiến người xem nghi ngờ lựa chọn của giám khảo lẫn giá trị của giải thưởng. Điện ảnh đã thay đổi không ngừng xuyên suốt lịch sử, phim câm chuyển thành phim tiếng, phim đen trắng trở thành phim màu, phim âm nhạc thoái trào… Rất nhiều tiêu chí giải thưởng đã thay đổi, thể hiện những trào lưu nghệ thuật qua từng giai đoạn. Khi một giải thưởng giữ nguyên công thức, bất chấp sự thay đổi chóng mặt của thế giới, giải thưởng đó không còn gắn liền với dòng chảy nghệ thuật điện ảnh của thời đại nữa.

Phim hoạt hình Shrek (2001). Ảnh: IMDB

Tư duy cũ

Sự nhàm chán của giải thưởng có lẽ bắt nguồn từ một suy nghĩ cũ hạn hẹp: phim hoạt hình chỉ dành cho trẻ em. Khi trao giải Oscar 2022 cho phim hoạt hình Encanto, Naomi Scott - diễn viên ca sĩ thế hệ 9X - đã đùa: “Các bậc phụ huynh là ngấm rõ nhất (rằng bọn trẻ cứ xem đi xem lại bộ phim này hàng trăm lần)”. Phil Lord, nhà sản xuất của bộ phim Nhà Mitchell đối đầu với máy móc, một đề cử khác của giải năm nay, đã đăng một tweet sau đó: “Hay quá nhỉ, phim hoạt hình vẫn được mô tả là thể loại phim mà con nít thì khoái xem còn người lớn thì phải chịu đựng”.

Cái bóng của Hãng Walt Disney với hình ảnh thân thiện với trẻ em có lẽ đã phủ lên Hollywood quá lâu, khiến Oscar như đang quên mất rằng hoạt họa chỉ là một công cụ để thể hiện nội dung. Phim hoạt hình chưa bao giờ được định nghĩa là chỉ dành riêng cho trẻ em. 

Từ thời kỳ Đại suy thoái, nhân vật hoạt hình Betty Boop xuất hiện trên TV với thân hình nóng bỏng, đôi môi chúm chím và những trải nghiệm đa dạng, có khi buồn vì áp lực tiền nong, khi thì lại là một hành trình vào địa ngục. 

Series Fritz the Cat kể về cuộc sống trụy lạc phóng túng của một… con mèo. Series South Park kéo dài hơn 20 năm với những trò đùa nhạy cảm động chạm chính trị lẫn tôn giáo đến mức bị cấm ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong khi Family Guy thì không thiếu những hoạt cảnh bao hàm tình dục, lạm dụng chất kích thích.

 
 Loạt phim hoạt hình South Park đã kéo dài hơn 20 năm.

Cần một cú “ tát” kiểu khác

Thị trường châu Âu đã có đủ các bộ phim hoạt hình với thể loại đa dạng như phim tài liệu, chính kịch, phim trẻ em xuất hiện đông đủ trong các lễ trao giải, với nội dung đa dạng từ trải nghiệm cuộc sống, phiêu lưu trong thần thoại hay một người đàn ông gặp ảo giác với một giai đoạn lịch sử đen tối ở châu Âu sau Thế Chiến II.

Hiệu ứng thị giác của phim hoạt họa được khai thác đậm nét, từ những nét vẽ chân phương, mảng màu đơn sắc như cuộc sống bình yên của bà cụ với chú chó trong Louis by the Shore (Cụ Louis bên bờ biển), hay những mảng màu đa dạng, thổi hồn tươi mới vào câu chuyện diệt chủng người Do Thái trong Where Is Anne Frank (Anne Frank ở đâu).

Thế giới đã rất quen thuộc với những bộ phim anime - hoạt hình Nhật Bản, với đa dạng cả chủ đề, đối tượng lẫn nội dung và cách thể hiện, tiêu biểu là series phim hoạt hình khoa học viễn tưởng Ghost In The Shell (Bóng ma trong vỏ bọc) đậm màu sắc triết lý về sự tồn tại của linh hồn, bao hàm những vấn đề tồn đọng và bất công trong xã hội. 

Chủ đề khó nhằn như vậy nhưng Ghost In The Shell vẫn là cái tên được yêu thích, với tận 5 series phim hoạt hình dài tập và 5 bộ phim hoạt hình chiếu rạp. Series chỉ gặp thất bại duy nhất khi Hollywood dựng bản phim người đóng do Scarlett Johansson thủ vai chính. Hollywood vẫn rất rón rén như sợ người xem không hiểu, nên đã đơn giản hóa nội dung và biến tấu thành một tác phẩm hành động pha lẫn chút triết lý tình yêu nửa vời của thanh thiếu niên.

Bởi vậy, giải Oscar cho “Phim hoạt hình xuất sắc nhất” cần tới một cú “tát” kiểu khác để thức dậy và bắt kịp với xu hướng điện ảnh của thế giới. Hoạt hình không phải là một thể loại được đóng khung. Nó là một công cụ thị giác biểu đạt tinh thần của người nghệ sĩ. Diễn viên điện ảnh luôn được coi là những nghệ sĩ chân chính, nhưng họa sĩ phim hoạt hình vẫn rất ít người được công nhận là làm nghệ thuật. Oscar vẫn chưa có cái nhìn công tâm và đúng đắn cho phim hoạt hình, cũng vẫn chưa biết phải đánh giá nó thế nào ngoài dán nhãn dành cho trẻ em. 

Và cứ thế, mùa Oscar năm nay, hay năm sau nữa, chắc lại chán ngán mà yên tâm rằng rồi Oscar cho hạng mục phim hoạt hình vẫn rất… hòa bình, chẳng ai buồn cãi nữa. 

 
 Phim Loving Vincent.

Trong suốt các giải được trao trong lịch sử Oscar cho “Phim hoạt hình xuất sắc nhất”, cái tên đáng chú ý và lạ lẫm duy nhất là Spirited Away (Vùng đất linh hồn) của Nhật - về hành trình của cô bé Chihiro lạc vào thế giới khác, phải trải qua vô vàn gian khó để cứu bố mẹ và trở về thế giới loài người. Trong phim có những sinh vật kỳ bí, những khung cảnh rợn người, cô bé Chihiro bị bầm dập và chảy máu, phim phải dán nhãn 13+.

Nhưng để có được giải Oscar quý hiếm này, không thể quên việc đơn vị phát hành của Spirited Away ở Mỹ chính là Disney, với chiến dịch quảng bá rầm rộ. Với giới phê bình ở Mỹ, Spirited Away vẫn là một bộ phim “hoàn hảo cho một đứa trẻ khi chuyển đến nhà mới” - nhận xét của nhà phê bình Jay Boyar. Đa số bài phê bình đều bỏ qua những chi tiết “ít trẻ con” như việc hám danh lợi, số phận của những linh hồn biến chất… được thể hiện trong phim.

Các bộ phim sau của studio Ghibli với nhân vật người lớn hơn, khai thác khía cạnh tàn nhẫn hơn như cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên, giấc mơ bị vùi lấp trong chiến tranh, cái chết và sự bất lực khi chia ly... dù đạt nhiều giải thưởng to nhỏ thì vẫn không thể nhận thêm được tượng vàng nào nữa. Thậm chí bộ phim Princess Mononoke (Công chúa sói) còn bị đề nghị cắt bớt 1/3 thời lượng phim và những cảnh máu me, đánh nhau chỉ với lý do dễ quảng bá ở Mỹ hơn.

Không chỉ Ghibli, tất cả những phim hoạt hình không nằm trong công thức Oscar đều sẽ bị bỏ qua. Có thể kể đến những cái tên đáng nhớ như Loving Vincent (Vincent thương mến) - bộ phim hoạt họa thể loại chính kịch về cuộc điều tra cái chết của họa sĩ Vincent Van Gogh, qua đó lật lại những dấu mốc và các tác phẩm nổi tiếng của ông, sử dụng kỹ thuật hoạt họa hoàn toàn mới mẻ, đưa người xem vào thế giới trong tranh Van Gogh. 

 
 

 Hay The Red Turtle (Lạc bước đảo hoang) - một bộ phim hoạt hình không thoại về sự tồn tại của con người, với những khung cảnh hoạt họa đẹp lay động - đã thua trước Zootopia (Phi vụ động trời) với môtip kể chuyện cũ mèm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận