23/08/2020 10:00 GMT+7

Ông Khánh cưu mang 'lão cây'

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Dốc cả gia tài mua mảnh đất "ai qua lại cũng sợ", để rồi gần 30 năm nay, một gia đình ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh lặng lẽ bảo vệ "lão cây" mà họ coi là báu vật cho đời sau.

Ông Khánh cưu mang lão cây - Ảnh 1.

Hình dáng độc đáo của cây dầu dù thu hút đông đảo khách từ các nơi đổ về Trà Vinh chiêm ngưỡng - Ảnh: T.TRÌNH

Có người quyết chí lấy cho được vỏ cây vì cả đời mới đến đây, phải lấy về để làm kỷ niệm; có người mê tín mang cả nhang đèn, vàng mã đến đốt dưới rễ cây... Thử tưởng tượng cơ thể mình nay có người đến khoét miếng da, mai có người đến châm lửa đốt, mình có thể sống được không?

Ông THÁI HUY KHÁNH

Có người nói "lão cây" đã trên 800 tuổi nhưng cũng không hiếm người tin cây tồn tại từ xa xưa kia nữa, thời mà người ta chỉ có thể tính bằng truyền thuyết.

"Lão cây" nổi tiếng

Trưa nắng. Đoàn xe nối dài đưa hành khách hướng về con đường Sơn Thông nhỏ nép bên thành phố Trà Vinh. Xe dừng lại bên tàn cổ thụ gần đường. Dòng người không nén được phấn khích, vừa thành khẩn vừa ve vuốt thân cây xù xì, xoắn tròn, có người còn tranh thủ gỡ mảnh vỏ cây bỏ vào túi.

Lọt thỏm trong dòng người ấy, người đàn ông gầy gầy vừa liên tục ra dấu vừa ngăn họ đừng làm tổn thương cây. Có lúc người đàn ông lấy cả thân mình che "lão cây", luôn miệng giải thích: "Tôi là chủ cây này. Bà con làm gì cũng được, đừng làm tổn thương cây...". 

Người ở gần đó kể, bao nhiêu năm rồi, khi có đoàn người lạ nào đến "lão cây" thì ông Thái Huy Khánh (56 tuổi, thành phố Trà Vinh) lại bỏ công ăn chuyện làm chạy đến để giữ cây. 

"Lão cây" nổi tiếng đến mức cũng đã từng có người từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar... lặn lội đến tận nơi để cốt sờ được vào cây, thành khẩn điều gì đó với cây. Khi cây càng nổi tiếng thì ông Khánh lại thêm nhọc nhằn.

Người ta ví von Trà Vinh là "thành phố trong rừng cổ thụ". Ít nơi nào cây xanh được trân trọng, giữ gìn như nơi đây, xem cây như những công dân của thành phố. Tính ra, thành phố Trà Vinh có trên 15.000 "công dân" như thế. 

Tuy vậy, tách biệt với những quần thể cây xanh lớn, khi hỏi đến cây dầu dù, những người biết chuyện ở Trà Vinh đều thừa nhận đây là cây nhiều tuổi nhất, kỳ ẩn nhất, nổi tiếng nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất.

Cây có thân to cỡ 6 người ôm, từ thân đến nhánh cây không mọc thẳng mà vặn hình xoắn ốc. Tán cây xòe hình chiếc dù, bộ rễ tủa ra với những chiếc gù trồi lên mặt đất... Người am hiểu gọi đây là cây dầu ráy đột biến gen nhưng phần đông chẳng cần quan tâm điều đó, bởi cái tên "cây dầu dù" đã trở nên nổi tiếng từ nhiều năm nay. 

Một điều khác thường là khả năng cây tự tái sinh, mỗi khi có một bộ phận bị tổn thương thì y như rằng cây sẽ sản sinh ra để làm lành vết thương như cũ.

Ông Khánh cưu mang lão cây - Ảnh 3.

Ông Khánh nâng niu một chú chim cú mèo trên cây cổ thụ bị rơi xuống và đưa trở lại tổ - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Gia tài

Ông Khánh nói tuổi thanh xuân của ông bị mê hoặc bởi cây. Là dân công nghiệp nhưng ông yêu cây đến mức chấp nhận sự điều động công tác về vùng đất Trà Vinh xa xôi vì thứ duy nhất là nơi đây có nhiều cổ thụ.

Năm 1990, khi tình cờ ra vùng ven thành phố, ông nghe nhắc đến một nơi "lạnh người". Đó là khu đất gần như bỏ hoang của một gia tộc người Khmer. 

Người ta nói thuở trước ai qua đây cũng thấy sợ, không dám dòm, không dám nói bậy, chỉ rón rén đi qua tán cây, đi qua rồi không nên ngoái lại. Truyền thuyết nói cây do một vị cao tăng đắc đạo trồng, thay vì trồng đâm rễ thì ông lại đâm đọt xuống. Nó sống nhờ tự vặn mình để đơm rễ...

Những chuyện kể rợn tóc gáy kèm lời khuyên "đừng đến gần cây" không ngờ lại chẳng làm ông Khánh từ bỏ ý định mua lại khu đất có "lão cây" này. 

Bà Chung Thị Túy Hằng, vợ ông Khánh, kể lại: "Ổng về nói với tui mua miếng đất có cây dầu dù, tôi giật thót mình. Mua đất đâu chẳng mua lại mua đất hoang, lại có cái cây mà ai cũng sợ đó". Nói vậy nhưng biết chồng mê cây nên bà cũng bấm bụng chiều theo.

Từ khi vợ thuận cho mua, ông Khánh lại la cà đến các gia đình chủ đất để "lấy lòng" những người có uy tín, cốt là thuyết phục họ bán lại miếng đất mà nếu không bán thì họ cũng chẳng để làm gì. Đất không đủ lớn để chia chác, mà canh tác thì lại sợ động đến cây dầu dù, nên họ cứ bỏ phế... 

Năm 1991, ông Khánh được vợ "duyệt chi" cho 8 lượng vàng để mua cho được mảnh đất hoang khoảng 2 công với những cái lắc đầu: mua hớ. Thời đó, số tiền này có thể mua được một căn nhà phố khang trang ở trung tâm thị xã.

Mua được mảnh đất, ông Khánh nói ông mừng như trúng số bởi thú thực ông chẳng ham đất mà mua khu này chỉ vì cây dầu dù. Lúc này có người đoán ông sẽ đốn cây lấy gỗ, người đoán ông sẽ bán cây làm cảnh. 

Còn ông, từ khi mua được đất, ông cũng chẳng làm gì trên đó ngoài những buổi đưa vợ con đến quét dọn, ngắm nghía rồi về. Ngay cả vợ ông cũng chưng hửng khi hỏi "không lẽ ông mua đất rồi... bỏ không vậy sao?", ông thản nhiên "mua đất để giữ cây".

Khi khu đất được phát hoang, quét dọn thì nó ít nhiều vơi đi vẻ huyền bí khiến "lạnh xương sống" người qua kẻ lại. Người đến ngắm cây chụp hình, gửi gắm ước nguyện... nhiều lên. Cứ vậy, người đến thăm "lão cây" ngày càng đông và ông Khánh thì ngày càng khổ nhọc để gìn giữ. 

"Mình tưởng tượng cây cũng như người; nó cần không gian sinh tồn, nó cũng biết tổn thương", ông giải thích vì sao cứ chăm chăm giữ "lão cây" vì sợ người đến xâm hại cây.

Ông nói sở dĩ ông bảo vệ cây dầu dù nghiêm như vậy là vì cổ thụ nó có đời sống của nó, không giống như cây xanh khác. Có lần nghe tin tiến sĩ Paul Barber, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu cây xanh từ Úc đến Hà Nội, ông bàn với vợ bỏ tiền thuê ông tiến sĩ đến... xem cây dầu dù để biết rõ hơn về cây. 

Vợ ông nghe theo, nhờ con gái liên hệ. Vị chuyên gia đồng ý giúp không công với điều kiện gia đình ông chịu chi phí đi lại. Ông đồng ý.

Duyên nợ, chẳng lâu sau TS Paul Barber đến Trà Vinh theo lời mời của tỉnh về xem hệ thống cây xanh. Ông Khánh được dịp dẫn vị tiến sĩ nổi tiếng đến cây dầu dù. Ông Khánh kể TS Paul ngạc nhiên với hình thù kỳ lạ và khả năng tự lành vết thương của cây. 

Ông nói cây dầu ráy có ở nhiều nước, ông cũng từng gặp nó ở những nơi nổi tiếng nhất với những cây to hơn rất nhiều. Nhưng cây dầu dù của nhà ông Khánh thì ông chỉ mới gặp lần đầu.

Bà Hằng nói khi có đông khách tìm đến cây dầu dù thì cũng có nhiều người đến hỏi mua mảnh đất với giá cao, nhưng ông Khánh không bán. Nhiều người tìm đến hỏi mướn đất để bán quán cho khách thập phương. 

Ông đồng ý với điều kiện không được kê bếp lò vì sợ nóng cây, không được để vật nặng trên đất vì sợ đè rễ cây..., nghe xong họ bỏ về. Lại có người tìm đến hỏi thuê đất bán quà lưu niệm, ông đồng ý nhưng với điều kiện cất nhà ở xa rễ cây vì cất đè lên rễ cây khác nào đè lên chân, lên tay con người. 

Nghe xong, người hỏi thuê đất cũng vọt mất. Bá tánh đến cúng, nhét tiền vào cây, ông không lấy đồng xu cắc bạc nào mà cho hết chòm xóm gần cây.

Nghĩ về hàng trăm năm sau...

Quý cây như vậy nhưng ông Khánh chẳng giữ riêng cho mình, mà là cho thành phố Trà Vinh thân yêu của ông. Hơn nữa là giữ nguồn gen quý cho thế hệ sau.

"Vì sao người Nhật họ bỏ ra cả triệu USD để bảo vệ cây cổ thụ? Là vì họ giữ nguồn gen quý, giữ văn hóa cho thế hệ sau. Tôi thấy có trách nhiệm với thế hệ con, cháu của mình, với quê hương Trà Vinh này. Hàng trăm năm sau, cây dầu dù vẫn sống vững thì đời cháu, đời chắt sẽ tự hào về cây này đến chừng nào", ông Khánh hỏi chúng tôi nhưng đã đưa ngay ra câu trả lời khi mọi người còn suy nghĩ.

Nhiều cây sống ngàn năm, liệu có cây nào bất tử? Nhiều cây sống ngàn năm, liệu có cây nào bất tử?

TTO - Hầu hết thực vật trên Trái đất đều có vòng đời, nhưng một số ít cây lại sống vài nghìn năm và hiện vẫn khỏe mạnh. Nếu không vì những lý do ngoại cảnh thì các cây này có trường sinh bất tử hay không là một câu hỏi rất khó trả lời.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên