26/07/2020 09:38 GMT+7

'Cò tặc' lộng hành ở rừng tràm Trà Sư

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Mỗi ngày có hàng trăm con chim, cò bị nhóm "cò tặc" ở các xã giáp ranh Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư vào săn bắn trái phép. Dù đơn vị quản lý du lịch bắt nhiều vụ nhưng đến nay chưa cơ quan nào xử lý khiến nạn "cò tặc" càng lộng hành.

Cò tặc lộng hành ở rừng tràm Trà Sư - Ảnh 1.

Một người săn chim trái phép bị bắt quả tang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khu dịch vụ - hành chính của rừng tràm Trà Sư (H.Tịnh Biên) được UBND tỉnh An Giang giao Công ty cổ phần Du lịch An Giang (thành viên Tập đoàn Sao Mai) khai thác du lịch từ tháng 8-2018. Đây là địa điểm ưa thích của du khách trong và ngoài nước vì có hệ sinh thái đa dạng, vì vậy những kẻ săn trộm chim, cò cũng tìm tới.

Lộng hành cả ngày đêm

Ông Đinh Quang Thái - giám đốc Khu du lịch Trà Sư - cho biết mỗi mùa chim sinh sản lại có nhiều người lẻn vào rừng săn bắn chim, xuyệt cá ngày càng nhiều hơn. 

"Hiện nay xung quanh rừng tràm này hay các chợ lân cận như Chi Lăng, Nhà Bàng vẫn có nhiều quán nhậu với mồi nhậu là chim, cò. Nhu cầu quá lớn nên nhóm "cò tặc" ngày càng lộng hành hơn. Tình trạng này tiếp tục thì nguy cơ chim, cò sẽ không về rừng tràm này nữa" - ông Thái nói.

Trước tình trạng này, đầu năm 2020, đơn vị đã thành lập đội chống "cò tặc" gồm 8 người, nếu thêm nhân viên khác nữa chừng hơn 10 người. Đây là lực lượng bảo vệ rừng, canh giữ cả ngày lẫn đêm, ngăn chặn không để nhóm "cò tặc" vào phá. 

Nhóm "cò tặc" hiện nay đến từ nhiều xã như: Văn Giáo, Thới Sơn, Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú. Các nhóm này đi từ 3 - 5 người để thay phiên hoạt động cả ngày lẫn đêm. Họ thường mang theo công cụ gồm: túi gai, ná, đạn bi... 

Vạc là loài chim bị săn nhiều nhất, số lượng loài hiện tại ở khu vực 159ha lẫn toàn bộ khu rừng giảm mạnh.

Chúng tôi có mặt gặp lúc đội chống "cò tặc" bắt được 2 người đàn ông với 1 bao tải chứa chim, cò bị bắn gãy cánh hoặc gãy chân. 

Anh N.T.G., một trong hai thủ phạm, nói: "Đây là lần đầu vào săn bắn chim, cò được 15 con vạc. Bữa đó, đang nhậu rồi lỡ hứa với người bạn sẽ vào bắt vài con chim, cò để làm mồi cho thằng bạn xây nhà mới. Dù biết bắt vậy là vi phạm pháp luật nhưng vì lỡ hứa với bạn nên phải làm (!?)".

Kiểm lâm và xã đùn đẩy trách nhiệm...

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những người săn bắt trộm mang chim, cò về nhà làm sạch rồi đem ra các chợ hoặc bán cho các đầu nậu thu mua tại chợ Nhà Bàng, chợ Voi, chợ Chi Lăng. 

"Nhiều lần các anh em đã giáp lá cà với nhóm "cò tặc" thì họ chống trả quyết liệt bằng cách dùng ná bắn lại, cần xuyệt cá nhịp sẵn trên tay sẵn sàng kích điện lực lượng tuần tra. Sau khi bị đuổi ra khỏi rừng, nhóm này còn kéo đồng bọn xuống nhà của thành viên trong lực lượng tuần tra đe dọa tính mạng. Bây giờ có khoảng 100 con cò, vạc/ngày bị họ lén lút bắn mang ra khỏi rừng để bán cho các quán nhậu" - ông Thái nói.

Ông Phù Văn Tuấn - chủ tịch UBND xã Văn Giáo - cho rằng chính quyền đã và đang sát cánh cùng với doanh nghiệp xử lý nạn "cò tặc". 

"Địa phương chỉ phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp và ngành kiểm lâm. Còn xử phạt phải do ngành kiểm lâm. Vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cấp xã chỉ có 5 triệu đồng/trường hợp. Trong khi kiểm lâm phạt được tại sao không phạt" - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Phú Hòa - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, khi bắt "cò tặc" thì UBND xã xử phạt cũng được mà kiểm lâm huyện xử lý cũng được. Những người săn trộm thường canh đường lực lượng tuần tra rất kỹ. Nếu xã xử lý mà vượt quá thẩm quyền thì chuyển cho UBND huyện hoặc kiểm lâm cũng được nhưng tùy theo vụ việc. 

"Sắp tới sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm siết chặt quản lý tình trạng chim, cò bị săn bắn trái phép như hiện nay" - ông Hòa nói.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư có hơn 70 loài chim, 23 loài cá, 11 loài thú và 25 loài bò sát. Trong đó, họ chim chiếm tỉ trọng 70% các loài là cò và vạc gồm nhiều loài quý hiếm như: cò trâu, cò ruồi, còng cọc, điêng điểng, cò quắm, vạc bông, vạc xanh... làm tổ và sinh sản với số lượng rất đông, khoảng 5.000 con, diện tích làm tổ lên đến hơn 50% khu du lịch.

Long An: siết hoạt động "chợ chim lớn nhất miền Tây"

dscf8618a 1(read-only)

Một số loài động vật như chim, rắn, chuột... được bán tại chợ chim Thạnh Hóa chiều 25-7 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Ngày 25-7, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho biết tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ các chỗ có kinh doanh mặt hàng động vật, chim chóc trên địa bàn, đặc biệt là chợ nông sản Thạnh Hóa (quốc lộ 62, H.Thạnh Hóa) trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

"Gần như mỗi tuần đều kiểm tra một lần. Chưa kể H.Thạnh Hóa cũng chủ động kiểm tra liên tục tình trạng buôn bán, kinh doanh các mặt hàng động vật, chim, thú tại chợ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã" - bà Khanh nói.

Chợ nông sản Thạnh Hóa trước đây vốn là chợ tự phát, chủ yếu người dân tụ tập ven quốc lộ 62 để buôn bán các mặt hàng nông sản vùng Đồng Tháp Mười như khoai, rau, trái cây và các loại chim, chuột, rắn... Nằm trên tuyến giao thông quan trọng từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và vùng Đồng Tháp Mười về TP.HCM, khu vực chợ tự phát này được biết đến là "chợ chim lớn nhất miền Tây".

SƠN LÂM

Thừa Thiên Huế: khởi tố 4 vụ săn bắt, tiêu thụ động vật trái phép

dongvathoangda 2(read-only)

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân phát hiện bẫy và thả hơn 20 con chim gầm ghì lưng nâu quý hiếm về rừng - Ảnh: C.TUYỂN

Ông Nguyễn Hữu Huy - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế - cho biết từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng tỉnh đã khởi tố 4 vụ án về săn bắt, tiêu thụ động vật trái phép. Theo ông Huy, hằng năm lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng vẫn phối hợp với các lực lượng liên quan thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra, gỡ bẫy và thả động vật quý hiếm về lại tự nhiên. Tuy vậy, tình hình tiêu thụ, săn bắt thú rừng vẫn diễn biến khá phức tạp. Có trường hợp người dân bị lực lượng chức năng phá bẫy rừng quay trở lại tấn công khiến một nhân viên bảo vệ rừng ở Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bị thương phải nhập viện vào năm 2019.

Theo ông Huy, lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế đang tăng cường tuần tra, nắm tình hình để ngăn chặn việc săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã. Vừa qua, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm, phá. "Ngoài ra chúng tôi cũng thường xuyên nhận thông tin phản ảnh của người dân thông qua hệ thống điều hành đô thị thông minh Hue-S về việc các nhà hàng, hộ dân có dấu hiệu tiêu thụ, săn bắt thú hoang dã. Trên hệ thống Hue-S có riêng một phần để người dân phản ảnh việc này nhằm giúp lực lượng chức năng vào cuộc can thiệp kịp thời" - ông Huy nói.

NHẬT LINH

Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã Thủ tướng chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã

TTO - Tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết…

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên