23/07/2023 12:36 GMT+7

Nuôi con kiểu 'liệu cơm gắp mắm'

Anh chị em tôi không chỉ học mà đều lăn xả kiếm sống cùng gia đình, nhờ vậy rất hiểu giá trị của đồng tiền và tôn trọng lao động.

Cho trẻ thỏa thích trải nghiệm cũng là cách khuyến khích trẻ sáng tạo hơn - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Cho trẻ thỏa thích trải nghiệm cũng là cách khuyến khích trẻ sáng tạo hơn - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Emily, cô con gái nhỏ của tôi mới 8 tuổi nhưng khỏe mạnh, khôn ngoan và đặc biệt là biết nhiều ngoại ngữ.

Mọi người thường hỏi tôi về kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, tuy nhiên, tôi cho rằng cách hiệu quả nhất là dựa trên hoàn cảnh của từng người, từng trường hợp để "liệu cơm gắp mắm".

Nếu chúng ta áp dụng cứng nhắc một cuốn sách/ một phương pháp nuôi con mà không hiểu kỹ bản chất, không dựa vào hoàn cảnh thực tế, năng lực của bản thân và con thì có thể lại gây ra tác dụng ngược.

Nhiều trường hợp cha mẹ giỏi và tốt bụng nhưng con lười nhác, thiếu ý chí hoặc sống rất ích kỷ. Cha mẹ nỗ lực và thành công bao nhiêu thì con lại dựa dẫm, ỷ lại bấy nhiêu. 

Ngược lại, có cha mẹ điều kiện sống rất bình thường, thậm chí đời tư hơi bê bối, lộn xộn một xíu nhưng con cái rất có hiếu, nghị lực và thành công.

Nuôi con bằng sự thẳng thắn

Vậy lý do đây là gì? 

Tôi thấy nhiều cha mẹ dù vất vả với cuộc sống mưu sinh nhưng không bao giờ cho con thấy những điều đó. Chẳng hạn mẹ làm giúp việc nhưng giấu, nghỉ hè thường cho con chơi thoải mái với bạn bè. 

Đồng ý là họ mong muốn con mình được như những đứa trẻ khác, chấp nhận giấu đi những giọt mồ hôi của mình để nhìn thấy nụ cười của con trẻ.

Nhưng tôi thì nghĩ khác, đáng ra mẹ nên nhờ con đỡ đần trong thời gian này, giúp vài việc lặt vặt trong nhà hay hỗ trợ mẹ đi làm giúp việc chẳng hạn. Có như vậy con mới hiểu mẹ vất vả ra sao, cơ cực thế nào để nuôi mình khôn lớn, từ đó biết trân trọng đồng tiền mà mẹ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra. 

Hơn cả điều đó nuôi dưỡng ý chí học hành, nỗ lực vươn lên thoát khổ trong tâm trí các con.

Hoặc nếu là mẹ đơn thân, bạn chẳng cần phải gồng mình suốt ngày để trở thành "bà mẹ siêu nhân", chẳng cần "cân" hết mọi việc hoặc hi sinh cuộc sống cá nhân vì con. Mẹ đơn thân vất vả thì nói vất vả, có càm ràm hay than thở một xíu cũng chẳng sao.

Hoặc thay vì gồng mình làm người dẫn dắt, định hướng, cha mẹ có thể thẳng thắn nói: "Cha mẹ không hiểu biết nhiều, con hãy ra ngoài học hỏi từ những người giỏi hơn".

Tôi từng phụ cha mẹ kiếm tiền từ lúc 7 tuổi. 

Nhà tôi đông anh em, bố mẹ là công chức, nên từ cấp I đến cấp III, bốn chị em đã sống theo đúng lịch trình: Sáng đi học, chiều về đi chợ bán hàng cho bà ngoại, tối làm chân chạy hàng dược cho mẹ. 

Thế nhưng bốn anh chị em tôi đều học trường chuyên tỉnh và đều vào đại học rồi đi du học. 

Chúng tôi không chỉ có học mà đều lăn xả kiếm sống cùng gia đình. Nhờ thế, bốn anh chị em tôi rất hiểu giá trị của đồng tiền và tôn trọng lao động. Thay vì như các bạn học 3, 4 tiếng, chúng tôi học thật tập trung 1 tiếng để còn có thời gian giúp đỡ bố mẹ.

Giáo dục là đầu tư dài hạn

Công việc hiện tại của tôi khá bận bịu, phải đi công tác triền miên nên tôi tuyển gia sư, người giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt để đọc sách và dạy bé học. Đổi lại, điểm mạnh của tôi là kinh doanh nên thường tha con theo mỗi lần đi họp, gặp khách hàng, nhân viên...

 Tôi để con quan sát, lắng nghe mẹ và mọi người nói chuyện, giải thích cho con kỹ càng từng khái niệm như: tiêu tiền, kiếm tiền, đầu tư, lời, lỗ, chỉ tiêu, các vấn đề nhân sự, con người.

Nói vậy để thấy, phương pháp dạy con theo tôi đúng đắn nhất là biết cách "liệu cơm gắp mắm", dựa vào hoàn cảnh của cha mẹ và năng lực, sức khỏe của từng đứa trẻ. 

Nếu không đủ tiền cho con học quốc tế thì cho con học trường công. Phần tiền còn lại cho con học tiếng Anh ở một trung tâm thật tốt.

Nếu dư dả hơn số còn lại có thể để dành cho con du học sau này. Đời người quan trọng nhất là lúc về đích, chứ không phải là xuất phát điểm. 

Có nhiều phụ huynh con mới học cấp I nhưng sẵn sàng bán nhà cho con học trường quốc tế. Đến khi con sang cấp II, cấp III lại hụt hơi vì hết tiền. 

Điều này thực sự không nên, bởi giáo dục cần đầu tư dài hạn chứ không phải chớp nhoáng hay chỉ một, hai giai đoạn.

Phụ nữ hiện đại không ngại nuôi conPhụ nữ hiện đại không ngại nuôi con

‘Phụ nữ hiện đại - Không ngại nuôi con’, chương trình tư vấn trực tuyến mang đến những giải pháp, những câu chuyện thực tế cùng những lời khuyên bổ ích từ chuyên gia, sẽ giúp các bà mẹ tự tin hơn trong hành trình sinh con, nuôi con.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên