06/10/2019 06:46 GMT+7

Nữ họa sĩ Ruby Silvious và tuyệt phẩm trên những thứ vứt đi

ĐỖ DƯƠNG thực hiện
ĐỖ DƯƠNG thực hiện

TTO - "Năm 2015, trong một lần ngồi uống trà cùng em gái, tôi nhận ra chiếc túi lọc trà sau khi dùng có những vết màu loang thật độc đáo, bất ngờ và thú vị, có vẻ như nó là nền chất liệu tuyệt vời để vẽ, và tôi đã bắt đầu như thế...".

Nữ họa sĩ Ruby Silvious và tuyệt phẩm trên những thứ vứt đi - Ảnh 1.

Các tranh vẽ trên túi lọc trà (từ trái qua): Đền Kinkakuji, Nhà kho, Đức Phật - Ảnh: NVCC

Tôi thích đẩy mọi sáng tạo tới tận cùng của nó và thỏa sức tìm kiếm những cách thức mới mẻ trong việc sáng tạo trên những vật quen thuộc, hằng ngày.

Nữ họa sĩ Ruby Silvious

Đó là những chia sẻ của bà Ruby Silvious - nữ họa sĩ kiêm nghệ sĩ thiết kế, tạo hình trên giấy người Mỹ gốc Philippines, đang sống cùng chồng và các con tại Hudson Valley, tiểu bang New York (Mỹ) - với phóng viên Tuổi Trẻ về thời điểm bà bắt đầu vẽ trên các vỏ túi lọc trà cũ đã được làm sạch và là phẳng.

Thử thách 365 ngày với túi trà

* Thưa bà, trước khi đến với vỏ túi lọc trà, tôi biết bà đã có những tìm tòi nghệ thuật với vỏ trứng và vỏ hạt dẻ cười, túi giấy, lá khô... Hẳn là việc tìm tòi những loại vật liệu "lạ" kiểu này đã trở thành thói quen sáng tạo của bà?

- Tôi nghĩ mọi thứ đều có vẻ đẹp của riêng nó. Trong thời đại của "văn hóa vứt đi", có quá nhiều những vật liệu hằng ngày dù vẫn còn có thể dùng được nhưng đã bị vứt bỏ, tôi chọn cách giữ lại chúng và biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật.

Là một họa sĩ thường dùng các loại vật liệu phi truyền thống để vẽ, việc chuyển sang dùng các túi trà cũ làm vật liệu vẽ với tôi dường như chỉ là vấn đề thời gian. Sau một vài thử nghiệm thất bại đầu tiên, cuối cùng tôi cũng đã có được những kết quả thuận lợi.

* Và chắc là vỏ túi lọc trà đã đem lại cho bà nhiều cảm hứng sáng tạo hơn cả, tới mức bà đã tự đặt ra cho mình thử thách "365 ngày với túi lọc trà", mỗi ngày là một sáng tạo mới với túi lọc trà, liên tục trong một năm?

- Có quá nhiều điều bạn có thể diễn đạt trên túi lọc trà mà bạn từng không thể làm trên các loại vỏ như vỏ trứng hay vỏ hạt dẻ cười. Năm 2015, khi lần đầu tiên bắt tay vào loạt tranh vẽ trên túi lọc trà, tôi tự đặt cho mình một thách thức phải đối mặt mỗi ngày. Theo đó, 365 ngày là 365 thử thách buộc phải sáng tạo một cái gì đó mà mỗi ngày khi thức dậy tôi sẽ phải tìm ra.

Một phần trong thử thách 365 ngày đó của tôi là chia sẻ những sản phẩm sáng tạo mỗi ngày đó lên mạng xã hội (giống như cách mọi người thường làm bây giờ) để đo lường sự đón nhận của công chúng.

Điều duy nhất "không nằm trong kế hoạch" của tôi chính là mức độ thành công lan tỏa nhanh chóng bất ngờ của nó. Tác phẩm của tôi đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội cũng như trên các blog, và tất yếu, nó cũng đã hiện diện trên một loạt tờ báo, trang web của các cơ quan báo chí, thông tấn quốc tế lớn. Cũng từ đây tôi có được cuốn sách 363 Days of Tea: A Visual Journey on Used Tea Bags (tạm dịch: 363 ngày của trà: Hành trình thị giác với các túi lọc trà đã dùng) ấn bản năm 2016.

Phản hồi tích cực với cuốn sách này từ khắp nơi trên thế giới đã trở thành động lực để tôi tiếp tục đưa nghệ thuật với túi lọc trà của mình lên một cấp độ tiếp theo, và sẽ bắt đầu một giai đoạn mới trong serie các dự án sáng tạo nghệ thuật khác với túi lọc trà.

* Những mẫu áo kimono truyền thống của người Nhật gần đây được làm từ hàng trăm, hàng ngàn chiếc túi lọc trà với các họa tiết được phối màu và sáng tạo theo cách độc đáo phải chăng là một trong những dự án thuộc giai đoạn tiếp theo đó, thưa bà?

- Theo thời gian, khi mọi người biết nhiều hơn tới các tác phẩm nghệ thuật với túi lọc trà của tôi, tôi cũng nhận được ngày càng nhiều hơn số túi lọc trà của bạn bè, người thân gửi tới. Ngay cả nhiều công ty sản xuất trà ở Pháp, Singapore, Ý, Hàn Quốc... cũng gửi tặng tôi một số hộp trà của họ. Khác với những túi lọc trà đã dùng được gửi tới theo đủ cách thức và cũng khá lộn xộn, các công ty gửi cho tôi những hộp trà túi lọc còn mới. Món quà nào như vậy với tôi cũng đều rất đáng quý.

Bản thân tôi cũng rất thích uống trà nên số túi lọc tích lại cũng tăng thêm nhiều. Việc làm những chiếc áo kimono từ túi lọc trà là cách hoàn hảo để có thể tạo nên một tác phẩm lớn hơn và tận dụng được hết kho túi lọc trà tôi đã tích lũy được đó.

* Cảm nhận của tôi khi ngắm những bức tranh trên túi lọc trà của bà là một sự nhẹ nhõm, trong trẻo, có cảm giác rất rõ tình yêu thiên nhiên, cuộc sống của người vẽ và một chất thiền trong đó nữa. Xin bà chia sẻ thêm về những cảm xúc riêng khi thực hiện loạt sáng tạo này?

- Các đề tài vẽ trên túi lọc trà của tôi khá ngẫu nhiên. Thường thì cảm hứng vẽ mỗi ngày sẽ tùy thuộc vào không gian, tâm trạng, sự kiện... Những chủ đề tôi yêu thích nhất là thiên nhiên, hoa và phong cảnh.

Sáng tạo là một phần của thói quen

* Phẩm chất sáng tạo là điều nổi trội xuyên suốt các cuốn sách đã xuất bản cũng như những dự án nghệ thuật trước nay của bà. Bà đã nuôi dưỡng điều đó ra sao?

- Thực sự không có bất cứ một công thức cụ thể nào để cụ thể hóa tất cả những chuyện này. Thời nay không hề thiếu những cảm hứng sáng tạo với mọi thứ chúng ta thấy được trên mạng. Nền tảng nghệ thuật được đào tạo của tôi là thiết kế, và nghệ thuật đã trở thành một phần không thể tách rời trong việc nuôi dưỡng khả năng sáng tạo. 

Tôi nghĩ sự kiên trì, bền bỉ cũng là điều rất quan trọng. Tôi thích đẩy mọi sáng tạo tới tận cùng của nó và thỏa sức tìm kiếm những cách thức mới mẻ trong việc sáng tạo trên những vật quen thuộc, hằng ngày.

Tôi thực sự hạnh phúc khi phát hiện ra một điều gì mới, nhất là khi sự phát hiện đó hoàn toàn ngẫu nhiên. Như cái ngày tôi trót làm rơi một chiếc túi lọc trà đã dùng vào vỏ một quả trứng rạn nứt! Sau đó tôi đã bắt đầu dùng nước trà nhuộm màu các phần bên trong vỏ trứng. Tất cả những thói quen tìm tòi này đã là một phần trong hành trình nghệ thuật của tôi.

* Những dự án nghệ thuật với túi lọc trà có mang lại lợi ích kinh tế cho bà không?

- Tôi bắt đầu hành trình sáng tạo này không phải để kiếm tiền. Mặc dù theo thời gian, khi chúng được mang đi triển lãm, tôi cũng đã có thể bán được một số trong đó. Vấn đề là tôi đã không nghĩ nó nhận được sự đồng cảm nhiều đến thế ở mọi người. Tôi đã đắm mình vào nó mà không nghĩ rằng việc này sẽ mang lại tiền bạc hay sẽ được triển lãm. Nó chỉ là một chỗ "xả" mệt nhọc và khiến tôi vui vào cuối mỗi ngày.

Bà Ruby Silvious sinh năm 1957 ở thành phố Tacloban, Philippines. Bà tốt nghiệp khoa mỹ thuật và kiến trúc ĐH Santo Tomas tại Manila, Philippines năm 1977, sau đó sang Mỹ tiếp tục theo đuổi ngành kiến trúc nội thất, thiết kế đồ họa. Bà cũng có thời gian học mỹ thuật đồ họa tại Florence, Ý năm 2012.

Bà có nhiều triển lãm cá nhân tại Nhật, Pháp và Mỹ. Tranh của bà hiện có trong các bộ sưu tập riêng tại Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Đức, Áo, Nhật, Philippines, Nga, Anh và Mỹ. Bà đã xuất bản cuốn 363 Days of Tea: A Visual Journal on Used Tea Bags năm 2016. Cuốn thứ 2 cũng theo mạch cảm hứng sáng tạo nghệ thuật từ những vật dụng bình thường, thậm chí bỏ đi là cuốn Reclaimed Canvas: Reimagining the Familiar ra mắt vào mùa thu năm nay.

Một gói trà túi lọc cao cấp "tặng" cho người dùng 11,6 tỉ hạt vi nhựa Một gói trà túi lọc cao cấp 'tặng' cho người dùng 11,6 tỉ hạt vi nhựa

TTO - Một số túi trà bằng nhựa dạng túi lọc cao cấp có thể để lại hàng tỉ hạt vi nhựa trong tách trà của bạn, các nhà nghiên cứu Canada cho biết.

ĐỖ DƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên