27/10/2023 18:52 GMT+7

Nối 2 cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet

Ngày 27-10, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM, Tây Ninh và đại diện Bộ Giao thông công chính Vương quốc Campuchia đã họp bàn phương án kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cao tốc Phnom Penh - Bavet.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh, Việt Nam) đoạn giáp với cửa khẩu Bavet (Campuchia) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh, Việt Nam) đoạn giáp với cửa khẩu Bavet (Campuchia) - Ảnh: CHÂU TUẤN

UBND TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồng thời, chủ trì phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh và các đơn vị liên quan tính toán các phương án, điểm kết nối với cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia).

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trước đó. ngày 23-6, tại cuộc họp về dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã kết luận Bộ Giao thông vận tải thống nhất giai đoạn 1 nghiên cứu đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối với cửa khẩu Mộc Bài tại Km53 850, quốc lộ 22, cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 5km. 

Sau đó, sẽ tiếp tục nghiên cứu và làm việc với Campuchia để có phương án kết nối tối ưu hai tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet.

Từ đó đến nay, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Tây Ninh đã tiếp tục có một số buổi làm việc với Bộ Giao thông công chính Campuchia về việc họp bàn phương án kết nối hai tuyến cao tốc.

Tại cuộc họp hôm nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết sẽ chọn nơi kết nối 2 tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet qua cặp cửa khẩu hiện hữu (cửa khẩu Mộc Bài và cửa khẩu Bavet).

Trong ảnh là vị trí dự kiến làm điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (nối vành đai 3, đoạn qua huyện Củ Chi) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trong ảnh là vị trí dự kiến làm điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (nối vành đai 3, đoạn qua huyện Củ Chi) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Do đó, phó chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn 5km đường Xuyên Á (quốc lộ 22) từ cửa khẩu Mộc Bài đến nút giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài lên 10-12 làn xe để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, thông thương hàng hóa giữa hai nước.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND Tây Ninh tiếp tục phối hợp Bộ Giao thông công chính Campuchia trong việc nghiên cứu, đề xuất quy hoạch tuyến kết nối. Tính toán phương án và giai đoạn đầu tư phù hợp để kết nối trực tiếp giữa 2 cao tốc khi quốc lộ 22 không còn đáp ứng nhu cầu.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là một trong các dự án trọng điểm, xác định đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2022-2027, cần triển khai ngay để đảm bảo thời gian làm dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thống nhất các nội dung UBND TP.HCM đã báo cáo (tại văn bản số 5231/UBND-DA) về phương án kết nối tại nút giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.

Xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, rút ngắn thời gian đi lại

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Tấn Tài - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh - cho biết sau khi kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và Phnom Penh - Bavet, thời gian đi lại từ TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia sẽ rút ngắn rất nhiều, tạo sự thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế...

"Về vấn đề kiểm tra giấy tờ thông quan hải quan hai nước sẽ phối hợp. Làm sao để tổ chức được việc kiểm soát qua lại biên giới phù hợp, thuận tiện, không tốn nhiều chi phí, thời gian cho xe cộ nhưng phải đảm bảo được về mặt an ninh", ông Tài cho hay.

Cao tốc Mộc Bài - TP.HCM không thể chậm hơn nữaCao tốc Mộc Bài - TP.HCM không thể chậm hơn nữa

Cao tốc Mộc Bài - TP.HCM hình thành sẽ chia lửa với quốc lộ 22 vốn đang quá tải để khơi thông mạch giao thông, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế phía Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên