13/12/2023 10:43 GMT+7

Những người từ chối thành phố - Kỳ cuối: Đưa gia đình về chốn an vui

Áp lực trước cuộc sống ở thành phố, nhiều cha mẹ đã quyết định gác việc, dời gia đình về chốn an nhiên để sinh sống.

Trẻ em ở làng quê được vui chơi thoải mái mà không

Trẻ em ở làng quê được vui chơi thoải mái mà không "dán mắt" vào màn hình điện thoại - Ảnh: B.D.

Ven phố cổ Hội An là một trong những điểm đến của người "ly hương thành phố". Ngay gần đô thị lại là những làng quê bình yên trải dài bên sông, những cánh đồng lúa bạt ngàn với cảnh cò bay, trâu bò thong dong gặm cỏ tạo ra sức hút để nhiều người trẻ dẫn gia đình, con cái về đây sinh sống.

Muốn con được sống trọn vẹn tuổi thơ

Một buổi sáng cuối tháng 12, chúng tôi gặp thầy giáo Lê Minh Hùng khi đang đứng lớp dạy kỹ năng cho trẻ ở một ngôi trường lợp lá bên kia sông Thu Bồn. Thầy Hùng năm nay 43 tuổi, quê gốc ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An và từng tốt nghiệp kỹ sư dầu khí. Sáu năm trước, khi thấy cuộc sống ở TP.HCM vất vả, mỏi mệt và ồn ào, thầy Hùng đã quyết định dẫn vợ cùng cậu con trai về TP Đà Nẵng để sống với mong muốn tìm nơi bình yên hơn.

Nhưng hai năm ở Đà Nẵng cũng không làm gia đình họ thỏa mãn khát khao cuộc sống bình yên thật sự. Năm 2017, thầy Hùng cùng vợ con một lần nữa dời nhà. Lần này điểm đến là làng quê Cẩm Kim nằm bao quanh sông nước, giữa những lũy tre già một bên là sông Thu Bồn.

Gặp Hùng ở Hội An, người thầy xứ Nghệ này nói rằng cho tới giờ vẫn không hối hận với quyết định của mình. Hùng sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, tuổi thơ của anh là thị thành nhưng trong dòng máu lại luôn khát khao sự bình yên của thôn quê.

"Hồi tốt nghiệp đại học rồi ra trường đi làm mình luôn mong muốn được một ngày trở về quê. Nhưng cuộc sống quá nhiều áp lực, khi sinh con trai đầu lòng thì hai vợ chồng mình đều nói với nhau rằng phải giành tuổi thơ trọn vẹn cho con được an vui. 

Vì hiện nay thấy ở thành thị áp lực cơm áo gạo tiền, rồi cha mẹ cũng phải chạy đua theo công việc nên ít có thời gian bên con. Hai vợ chồng mình quyết định rời TP.HCM để đi về Đà Nẵng, sau đó biết có bạn bè cũng bỏ phố về làng quê ở Cẩm Kim nên mình chuyển về đây".

Hùng nói khi về Cẩm Kim, anh và vợ thuê một căn nhà nhỏ tại giữa làng quê để ở. Hằng ngày Hùng đến ngôi trường gần đó để dạy, cậu con trai năm nay gần 10 tuổi cũng ngồi sau lưng bố để ngày ngày đến trường. Vợ Hùng ở nhà chọn một công việc nhẹ nhàng để sống an vui.

"Mình dạy ở trường này đồng lương không quá cao, nhưng cũng đủ để chi tiêu và cơ bản là thấy an vui vì ngày nào cũng được gần con, cuộc sống không quá áp lực", Hùng nói.

Những đứa trẻ con em các gia đình chọn sống an yên ở làng quê Cẩm Kim, Hội An vui chơi tại một trường dạy kỹ năng - Ảnh: B.D.

Những đứa trẻ con em các gia đình chọn sống an yên ở làng quê Cẩm Kim, Hội An vui chơi tại một trường dạy kỹ năng - Ảnh: B.D.

Dẫn tay nhau đi muôn nơi

Ở các làng quê Hội An, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những trường hợp các gia đình trẻ từng có công việc ổn định tại thành phố, tạo lập được sự nghiệp và tài sản. Nhưng họ quyết định gác lại mọi thứ để về làng quê sống an yên.

Ở bên dòng kênh nhỏ với rặng dừa nước, một homestay nhỏ được một đôi bạn trẻ thuê nhiều năm qua để ở. Hằng ngày người vợ thì đi dạy yoga, rồi ngồi ở nhà lên đơn để bán các mặt hàng phục vụ tâm linh như nhang, dụng cụ gõ mõ kinh Phật. Trong khi ông chồng trẻ thì tỉ mẩn đục đẽo những thớ gỗ để đóng kệ sách, trang trí các góc của căn nhà mình ở.

Đôi bạn trẻ này cho biết quê gốc ở Hà Nội, cả hai học đại học cùng nhau rồi ra trường kết hôn và lập một công ty chuyên sản xuất nón bảo hiểm. Những năm 2009, khi công ty bắt đầu ổn định thì hai vợ chồng quyết định dành hết thời gian để đưa cậu con trai đi du lịch trên mọi miền Tổ quốc. Dự định là mỗi nơi đi qua sẽ ghé lại ở 2 - 3 tháng.

Trong hành trình "dẫn nhau đi muôn nơi", gia đình trẻ này đã dừng lại ở Hội An và quyết định thuê nhà sinh sống lâu dài. Công việc ở Hà Nội được giao lại cho người quản lý, đôi vợ chồng trẻ chỉ quản lý từ xa.

"Ở Hội An tụi mình rất thích khi trong một thành phố nhỏ mà có đầy đủ cả phố cổ, rồi cách không xa là làng quê, đi ra chút nữa là gặp biển và cách không xa đất liền có cả đảo Cù Lao Chàm. Nơi đây thật sự bình yên để cả gia đình vui sống thỏa thích, không ồn ào, không áp lực như ở thành phố", cô gái quê Hà Nội nói.

Cách nơi cặp vợ chồng trẻ quê Hà Nội thuê nhà không xa là căn nhà thuê của đôi vợ chồng người Thụy Điển cùng ba con. Đó là Kawa Wandi. Người đàn ông Thụy Điển này có một hành trình đầy kỳ lạ khi cách đây ít năm đã gác toàn bộ công việc, cho thuê tài sản ở Thụy Điển để đưa vợ con thực hiện một hành trình kỳ thú: đi khắp vòng quanh thế giới.

Trước khi tới Hội An vào năm 2020, Wandi cùng vợ, cậu con trai và hai cô con gái nhỏ đã có hành trình nhiều năm qua các vùng đất từ châu Âu, Úc, Bali, Thái Lan, Lào rồi tới Việt Nam.

Wandi nói rằng anh thấy cuộc sống ở Thụy Điển nhiều áp lực, các con của anh không được trải nghiệm trọn vẹn tuổi thơ vui chơi nên anh cùng vợ quyết định lên đường vòng quanh thế giới. Khi tới Hội An vào năm 2020, cả gia đình tính rằng sẽ ở lại đây vài tháng rồi sau đó rời đi. Nhưng mọi thứ đã chuyển hướng. Hội An đã níu chân gia đình Wandi bởi sự thanh bình, cổ kính và bình yên.

Ba năm qua, gia đình Thụy Điển này như đã trở thành một gia đình của cộng đồng Hội An. Wandi thuê một ngôi nhà tại thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh để ở. Hằng ngày anh cùng vợ dạy con, tạo dựng một công ty chuyên bán trà và cà phê. Anh nói đã quyết định dừng lại hành trình của mình, chọn ở lại "làng quê Hội An" để sống an yên cho các con.

"Với người khác thì công việc, thu nhập là số 1, nhưng với Wandi thì khác. Wandi luôn coi gia đình, ba con của mình là lựa chọn cao nhất. Ở Hội An chúng tôi cảm nhận mình an toàn, có được tất cả, quan trọng nhất là các con được an vui", anh vui vẻ nói.

Xu hướng bỏ phố về quê hiện nay được nhiều người ưa thích, kể cả những người còn trẻ, để rời khỏi thành phố đắt đỏ, chật chội, quá nhiều áp lực công việc. Nhiều người đã thực hiện ước mơ, nhưng thực tế không phải ai cũng về quê thành công. Thậm chí, số người thất bại, phải quay trở lại thành phố còn nhiều hơn hẳn số trụ lại quê được. Gần đây, sự vỡ mộng có vẻ ngày càng nhiều vì cuộc sống khó khăn.

Có nhiều lý do dẫn đến thực tế này. Trong đó lý do quan trọng nhất là thu nhập và các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nhiều người đã lầm tưởng cảnh quê đẹp và dễ kiếm miếng ăn, nhưng thực tế không đơn giản như vậy dù chỉ là nhu cầu giản đơn.

Việc kiếm miếng ăn thật sự trên đất đai luôn cần phải có kinh nghiệm, sức khỏe, kiên trì và cả vốn liếng. Nhiều người ở thành phố "yêu thích" cảnh quê nhưng đã sớm thất bại khi phải thật sự đổ mồ hôi trên đất để kiếm miếng ăn cho mình và gia đình.

Ngoài ra, việc cho con học hành cũng là một vấn đề lớn cần phải quan tâm khi về ở vùng quê hẻo lánh hay nơi chốn núi rừng cách xa trường học. Tóm lại, bỏ phố về quê cũng là một giấc mơ đẹp nhưng không phải ai cũng thực hiện được, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định. Bởi dẫu sao, theo nhiều người nhận định ở thành phố vẫn có nhiều việc làm hơn.

Những người từ chối thành phố - Kỳ 6: Ngậm ngùi chia tay giấc mơ núi rừngNhững người từ chối thành phố - Kỳ 6: Ngậm ngùi chia tay giấc mơ núi rừng

Một vùng rừng núi lảng bảng trong mây mù giữa rừng thông già ở Kon Tum nhiều năm nay là tâm điểm của giấc mơ làm nông. Thế nhưng, trái ngược với khấp khởi ban đầu, nhiều người phải rời bỏ cuộc rong chơi trong cảnh tay trắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên