07/05/2016 10:11 GMT+7

Những công nhân nhiễm bệnh

HOÀNG DUY
HOÀNG DUY

TTO - Hai nhóm nhiễm bệnh Minamata (nhóm ủng hộ trọng tài và nhóm ủng hộ kiện) cùng kiến nghị lên Bộ Y tế phản đối số tiền bồi thường quá thấp, đồng thời phản đối Nhà máy Chisso vẫn không nhìn nhận trách nhiệm xả thải thủy ngân gây thảm họa 
môi trường.

Bản đồ trầm tích ven biển Minamata bị nhiễm thủy ngân (Hg) - Ảnh: seme.uqar.ca
Bản đồ trầm tích ven biển Minamata bị nhiễm thủy ngân (Hg) - Ảnh: seme.uqar.ca

 

Câu chuyện về anh Hanada

Đến ngày 4-5-1970, tiền bồi thường được nâng lên mức 3 triệu yen (8.400 USD) cho gia đình người nhiễm bệnh đã mất và từ 160.000 - 320.000 yen (448 - 896 USD) cho người nhiễm bệnh còn sống. Số tiền dù có tăng cũng chẳng là bao nếu so sánh với tiền bồi thường cho các nạn nhân trong vụ nổ khí đốt ở Osaka công bố cùng ngày hôm đó là từ 8 - 19 triệu yen (22.400 - 53.200 USD) cho gia đình người chết.

Nhóm ủng hộ kiện và các tổ chức hậu thuẫn lo ngại nếu những người nhiễm bệnh Minamata chấp thuận khoản tiền bồi thường này, đây sẽ là tiền lệ nguy hiểm cho nhóm đi kiện. Bởi thế họ quyết định tổ chức tuần hành phản đối trước văn phòng Công ty Chisso ở Tokyo ngày 25-5-1970.

Tại Minamata, công đoàn ban đầu ở Nhà máy Chisso hết mực ủng hộ ngư dân. Họ kêu gọi tổ chức một ngày đình công chống ô nhiễm. Khoảng 800 công nhân tham gia, tức gấp đôi số công nhân tham dự buổi công bố “tuyên bố xấu hổ” hai năm về trước. Dù đình công chỉ kéo dài một ngày nhưng báo chí toàn nước Nhật rất quan tâm. Phong trào này đã tạo đà cho thanh niên công nhân Nhà máy lọc dầu Zeneseki ở Kawasaki đấu tranh chống ô nhiễm và đòi thừa nhận các bệnh nghề nghiệp.

Cùng năm đó, tuần báo ảnh Asahi Gurafu của Nhật số ra ngày 7-8-1970 đã đăng bài khắc họa chân dung của anh công nhân Hanada Toshio với tiêu đề “Tranh chấp trong các nhà máy gây ô nhiễm”.

Cha của Hanada làm việc trong Nhà máy Chisso tại Minamata và đã mất một chân ở đó. Sau đó, Hanada cùng bốn anh em đã nối gót cha vào làm cho nhà máy.

Số phận của họ đều nghiệt ngã. Anh cả chết do mắc bệnh bụi phổi vì hít phải khói độc. Một người sang Triều Tiên làm việc trong Nhà máy Chisso, sau đó rơi từ trên cao 30m xuống đất nứt sọ, may thoát chết. Một người nữa rời nhà máy ở Minamata sang nhà máy tại Triều Tiên, cuối cùng được đưa sang Liên Xô rồi chết vì bệnh bạch cầu. Về phần Hanada, anh mắc bệnh bụi phổi như sáu người trong 21 công nhân cùng tổ với anh.

Bàn tay co quắp của một ngư dân bị nhiễm độc thủy ngân ở Minamata năm 1970 - Ảnh: SHISEI KUWABARA
Bàn tay co quắp của một ngư dân bị nhiễm độc thủy ngân ở Minamata năm 1970 - Ảnh: SHISEI KUWABARA

 

Mánh lới uống nước thải

Cuộc đời của anh Hanada đã chứng minh Nhà máy Chisso không chỉ bất chấp ô nhiễm bên ngoài, mà còn coi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong nhà máy. Vấn đề này đã được tám công nhân (công đoàn ban đầu) trình bày cụ thể trong vụ kiện Nhà máy Chisso.

Tháng 3-1972, trước tòa án ở Kumamoto, họ đã phơi bày các điều kiện lao động hết sức khắc nghiệt và bối cảnh làm việc đầy sỉ nhục trong nhà máy, từ đó dẫn tới cuộc đình công kéo dài hồi 10 năm trước và quá trình công đoàn ban đầu của nhà máy đấu tranh với các chiêu trò ức hiếp của ban giám đốc.

Một công nhân làm đốc công trong Nhà máy Chisso ở Triều Tiên đến năm 1945 kể theo lệnh ban giám đốc, ông phải lấy gậy đánh các công nhân Triều Tiên nếu họ làm việc chậm chạp. Ông khai Nhà máy Chisso ở Triều Tiên tùy tiện đặt ra chính sách phân biệt chủng tộc và sau chiến tranh chính sách này được áp dụng tại nhà máy ở Minamata.

Lời khai của các công nhân đã tác động quyết định đến bản án nghiêm khắc mà tòa án dành cho Nhà máy Chisso vào năm 1973. Lời khai cũng minh chứng hành vi sai phạm kéo dài của nhà máy. Ban giám đốc nhà máy đã trâng tráo đến mức chế ra bộ lọc giả để đánh lừa rằng nước thải đã được xử lý tận nguồn.

Câu chuyện xảy ra vào tháng 1-1960: nhà máy tổ chức một buổi lễ long trọng để ra mắt máy tái chế nước thải trước khi xả thải ra biển. Chủ tịch công ty từ Tokyo đã về Kumamoto dự lễ. Trước mặt mọi người, ông uống cạn ngon lành ly nước thải đã lọc qua thiết bị tái chế.

Sau này như giám đốc nhà máy thừa nhận, mánh khóe tái chế nước thải chỉ để xoa dịu cơn bão dư luận xã hội sau khi hàng ngàn ngư dân biểu tình năm 1959. Dù sao mánh khóe này cũng lừa được khối người, trong đó có cả các bác sĩ ở Kumamoto.

Thế là Nhà máy Chisso ung dung xả thải chứa thủy ngân ra biển cho đến năm 1968 thì ngưng. Vào năm này, không phải nhà máy đã nhận thức về vấn đề gây ô nhiễm mà vì không còn dùng thủy ngân nữa trong quy trình sản xuất hoạt chất acetaldehyde do không có lãi.

Vị bác sĩ vạch trần sự thật

Bác sĩ Harada Masazumi là người chú ý nghiên cứu mối liên hệ giữa bệnh nghề nghiệp và bệnh do ô nhiễm trong Nhà máy Chisso. Ban đầu ông đã cùng cộng sự Yamashita Yoshihiro (thành viên công đoàn ban đầu của nhà máy) bí mật tiến hành cuộc điều tra đầu tiên về bệnh Minamata đối với các công nhân.

Kết quả điều tra cho thấy rất nhiều công nhân mắc bệnh Minamata nhưng lại nhầm lẫn rằng đó là bệnh đặc trưng phát sinh do tiếp xúc với khí độc hay sản phẩm độc hại trong nhà máy hóa chất. Đến năm 1976, 15 công nhân được công nhận mắc bệnh Minamata.

Bác sĩ Harada Masazumi suy luận với con số ít ỏi này, có thể còn nhiều công nhân không dám yêu cầu được công nhận mắc bệnh Minamata vì sợ bị sa thải.

Năm 1985, ông cùng nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra dịch tễ học đối với 300 công nhân. Kết quả cho thấy 70% công nhân đang làm việc và 90% công nhân nghỉ hưu đều có triệu chứng mắc bệnh Minamata.

Với kinh nghiệm ở Nhà máy Chisso, bác sĩ Harada Masazumi đã lập một mạng lưới quốc gia về dự phòng và nhận biết tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp với tên gọi là Hiệp hội quốc gia liên kết các trung tâm vệ sinh và an toàn lao động (JOSHRC).

Công trình nghiên cứu dịch tễ học về bệnh Minamata của ông đã được quốc tế công nhận. Ông thường được mời ra nước ngoài khi xảy ra các ca tương tự như ở Canada năm 1975, Trung Quốc năm 1981, rồi Brazil và Tanzania. Năm 1984, ông đã đến Bhopal (Ấn Độ) sau khi xảy ra vụ nổ nhà máy thuốc trừ sâu của Hãng Union Carbide (Mỹ) gây phát tán khí độc hóa học.

_____________

Kỳ tới: Tiền không là tất cả

HOÀNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên