Những cô giáo Tày trên đỉnh núi mai này...

DUY THÔNG 23/11/2003 01:11 GMT+7

TTCN - Họ là những cô gái tuổi đôi mươi sinh ra trên những rẻo núi cao của Việt Bắc. Hàng chục năm qua các cô gái Tày đã vượt rừng lội suối để tìm đến cái chữ. Thoa có tuổi thơ gian truân, Luyến có đôi tay tật nguyền, Linh mồ côi cha mẹ. Mỗi người một hoàn cảnh, song họ cùng một ước mơ cháy bỏng: trở thành những cô giáo của bản làng.

Phóng to
Trên những rẻo núi cao này, còn rất nhiều những cô gái cháy bỏng ước mơ thành cô giáo
TTCN - Họ là những cô gái tuổi đôi mươi sinh ra trên những rẻo núi cao của Việt Bắc. Hàng chục năm qua các cô gái Tày đã vượt rừng lội suối để tìm đến cái chữ. Thoa có tuổi thơ gian truân, Luyến có đôi tay tật nguyền, Linh mồ côi cha mẹ. Mỗi người một hoàn cảnh, song họ cùng một ước mơ cháy bỏng: trở thành những cô giáo của bản làng.

Từ thị xã Bắc Cạn về đến trung tâm huyện Na Rì phải mất đến 80km đường đèo hiểm trở, từ đó vào đến nhà Mã Thị Thoa còn phải mất thêm 7km đi bộ đường rừng. Căn nhà sàn nằm lưng chừng vách núi. Buổi chiều mùa đông của rừng núi Việt Bắc sương mù vây kín. Ký ức về tuổi thơ của Thoa là những tháng ngày vất vả cùng mẹ cha trên những miếng ruộng bậc thang trước nhà.

Gia đình có bốn chị em, Thoa là chị cả, nên sớm hiểu được hoàn cảnh gia đình. Hồi Thoa còn là học sinh cấp I của trường bản, mẹ vẫn còn sức lực cùng bố làm lụng nuôi con. Khi học xong cấp I, cũng là lúc mẹ phát bệnh, đi đứng khó khăn không thể ra đồng. Mọi công việc đồng áng trong nhà thêm gánh nặng trên vai người bố. Lúc này phải chuyển lên trường huyện, chuyện học hành càng thêm vất vả. Thoa muốn nghỉ học để phụ giúp gia đình. Kết quả học tập khá giỏi nhiều năm của Thoa đã là động lực khiến bố mẹ động viên Thoa thi vào trường nội trú để được hưởng chính sách.

Phóng to
Mã Thị Thoa
Thi đỗ vào trường, Thoa bắt đầu xa nhà để sống cuộc sống tự lập từ năm 10 tuổi. Thoa nhớ lại: hồi mới đi xa, nghĩ về gia đình thương cho mẹ phải chịu những cơn đau để phụ giúp việc vặt trong nhà thay mình. Em thơ chưa làm lụng được nhiều. Những hôm cuối tuần, cô bé đã vượt qua nỗi sợ hãi đi bộ xuyên rừng 30km để về thăm nhà. Cũng chỉ mong cấy được mảnh ruộng, nấu được nồi cơm... rồi 3 giờ sáng cô lại vượt rừng về lại lớp.

Trong cơn khốn khó đó, em càng thấm thía lời bố mẹ dặn “chỉ có học mới thoát được cuộc đời cơ cực”. Đã gần chục năm qua, Thoa đã nỗ lực hết mình để không phụ lòng cha mẹ, nhưng trong lòng vẫn canh cánh một nỗi lo là chị cả mà không trực tiếp phụ giúp cha mẹ lo cho các em đi học. Em kế của Thoa đã phải nghỉ học ở lớp 10 để tiếp sức cho người bố cáng đáng công việc đồng áng.

Thoa nói nhiều khi rất phân vân, muốn bỏ hết để quay về giúp bố mẹ. Những lúc như thế cô cũng lại tự động viên mình phải học xong mới trở về. Học càng cao, chi phí càng nhiều, không phải chỉ một mình Thoa lo lắng. Đứa em út đang học lớp 4, viết thư cho chị “mong chị cố gắng học giỏi. Không biết chị còn tiền để tiêu không, ở nhà mẹ cũng không có tiền để gởi cho chị”. Cuối bức thư là chữ của người mẹ nhắn thêm: “mẹ gởi cho con hai bơ lạc (2 lạng) và sáu ống gạo (4kg)”. Những dòng chữ mộc mạc từ nhà đã giúp sức cho Thoa vững bước từng ngày...

Ước vọng của hai chị em mồ côi

Phóng to
Lương Thị Ngọc Linh (bên trái) và chị
Lương Thị Ngọc Linh mồ côi mẹ từ năm 3 tuổi, đến năm 13 tuổi thì người bố cũng ra đi sau một cơn bạo bệnh. Mẹ Linh vốn là một giáo viên cấp II môn văn của huyện Hòa An (Cao Bằng). Lúc sinh thời, người mẹ vẫn mong gia đình có đứa con nối nghiệp. Lúc mẹ mất linh còn quá nhỏ, lúc sắp mất bố đã kêu chị em Linh dặn dò niềm mong ước đó.

Năm bố mất, chị Ngọc Anh của Linh 17 tuổi đang học lớp 11. Người chị đã quyết định nghỉ học ở nhà làm ruộng nuôi em. Mảnh ruộng chừng 2.000m2, hai chị em tảo tần sớm hôm cũng chỉ đủ lương thực xoay xở trong nhà, nuôi thêm vài con gà, con lợn để chạy chợ cho Linh đến trường. Linh thi đậu vào trường nội trú. Từ đó, người chị quán xuyến mọi việc cho em.

Ngọc Anh năm nay vừa tròn 20 tuổi mà trông chững chạc như một người mẹ. Ngọc Anh nói không sợ khó khăn vất vả chỉ sợ lòng người không vững. Linh đã không phụ lòng chị, nhiều năm liền là học sinh giỏi, Linh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn địa lý. Linh được tuyển thẳng vào Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Lạng Sơn.

Giờ đây nỗi lo của người chị mới thật sự bắt đầu. Mỗi tháng làm ruộng, tính ra thu nhập chỉ hơn 150.000đ, giờ phải chia đôi cho hai chị em. Trong căn nhà đất đã nứt nẻ xiêu vẹo, hằng đêm hai cô gái vẫn phải chi li từng cân lúa để trang trải. Hôm nhận được thư mời nhận học bổng, hai chị em mừng suốt đêm không ngủ. Mừng vì giấc mơ của người mẹ đã có cơ sở để thành hiện thực, Linh nói sẽ trở thành giáo viên văn của bản làng, thay thế người mẹ đã ra đi.

Linh nói chị sẽ đỡ vất vả, bởi em đã có thể tự lo cho mình. Số tiền dành dụm được thay vì gửi cho em ăn học thì người chị sẽ dồn vào sửa chữa căn nhà để mỗi khi trời mưa khỏi phải nơm nớp sợ nó sập xuống bất kỳ lúc nào.

“Cô giáo Tày” mai này viết bằng tay trái

Phóng to
Hà Thị Luyến
Ở vùng miền núi Việt Bắc, hình ảnh “cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” là một tấm gương người thật việc thật đã trở thành bài hát mà cho đến bây giờ vẫn có sức lôi cuốn nhiều bạn trẻ. Hà Thị Luyến có đôi bàn tay tật nguyền, cả tuổi thơ chưa được ra khỏi bản làng, giờ đây cũng đã thành sinh viên sư phạm Bắc Cạn.

Bàn tay phải không thể cầm phấn, Luyến vẫn quyết tâm trở thành cô giáo. Luyến nói sau mỗi lần lên lớp trở về ký túc xá, hằng đêm em vẫn luyện cầm phấn viết bằng tay trái. Luyến tự tin, bởi lúc còn ở nhà đã ra đồng học cấy lúa bằng tay trái để phụ giúp bố mẹ. Cô mong sao mau tốt nghiệp để trở về. Luyến còn nhớ con đường đến trường của mình quá đỗi gian truân, vượt hàng chục kilômet đường rừng cũng chỉ vì thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Giờ đây cô đã đi gần đến đích, mong trở về giúp những đứa trẻ bớt nhọc nhằn tìm đến với con chữ...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận