13/03/2014 11:26 GMT+7

Nhớ cua đồng rang muối của mẹ

THẢO NGA
THẢO NGA

TTO - Sinh ra và lớn lên nơi đồng chiêm nước trũng, tôi còn nhớ như in những tháng ngày đi học trường làng. Sáng đi học, chiều về theo lũ trẻ chăn trâu ngoài đồng lội xuống những thửa ruộng xâm xấp nước bắt cua và thành tích là bữa cơm nóng hổi với món cua rang muối đậm đà của mẹ.

NKGGqz3P.jpgPhóng to

Món cua đồng rang muối vẫn theo tôi từ ngày ấy - Ảnh: Thảo Nga

Những ngày mưa dầm, cua thường đục hang ở ngang thân bờ ruộng để ẩn náu. Chúng đào hang rất khéo, nhưng có ngụy trang khéo léo cách mấy cũng không tài nào qua nổi mắt bọn trẻ chăn trâu chúng tôi. Cứ thế, lần lượt từng con cua được cho vào cái xà cạp (một loại tất mà phụ nữ nông thôn thường dùng để đi cấy hoặc gặt) mà chúng tôi mang theo.

Mẹ tôi bảo không nên ăn cua vào những ngày có trăng vì lúc đó cua gầy, thịt không chắc. Để chọn được cua chắc thịt phải tìm con có yếm to rắn chắc, càng và mai ánh sắc xanh xám đục, nếu màu xanh tím là cua mọng nước, ít thịt, xem vỏ lụa ở các khớp càng cua phải căng. Bấm vào gốc chân “mái chèo” con cua, nếu nó quẫy mạnh là còn khỏe.

Đón giỏ cua tôi mang về, mẹ cẩn thận đổ ra một cái chậu nhỏ đầy nước ngâm cho cua nhả hết bùn đất. Cua rửa sạch bỏ yếm, tách mai, cắt bớt đầu nhọn ở chân để cho ráo nước. Sau đó mẹ ướp một chút muối, tiêu để cua ngấm gia vị. Tôi thường được mẹ phân công công đoạn khêu gạch cua, cũng nhờ công đoạn này mà tôi học lỏm được cách làm cua rang muối của mẹ.

Gọi là rang muối nhưng không quá cầu kỳ và cũng không mất nhiều thời gian hơn luộc (hấp) là mấy. Tuy nhiên so với cua hấp thì cua rang muối có mùi thơm, ít tanh hơn hẳn. Phải là những người có kinh nghiệm, có thể “làm bạn” với lửa thì cua mới chín đều, không cháy, không tanh và không mặn.

Đầu tiên mẹ cho mỡ vào cái chảo đã nóng già, hành được phi thơm rồi cho cua vào đảo đều tay. Khi cua chín vàng, thêm muối, đổ gạch cua vào. Tiếp tục đảo cho tới khi muối, cua quyện nhau cùng với gạch cua vàng đều là được. Lúc ấy mùi thơm và béo ngậy của chảo cua khiến bụng tôi cứ réo ầm lên.

Muối ở đây không phải là muối xay, muối rang, mà là chất bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời trông như muối. Khi rang với cua, lớp bột muối bao phủ bên ngoài thịt cua đem lại cái vị đậm đà rất ngon miệng.

Món cua rang muối của mẹ bao giờ cũng đậm đà một chút vì đó là món ăn mặn trong bữa cơm gia đình.

Chia tay với những buổi bắt cua ngoài đồng, tôi lên tỉnh học rồi làm việc ở thành phố. Bao nhiêu năm xa quê mới có dịp về thăm. Những thửa ruộng xưa kia là nơi chúng tôi đã từng lội bắt cua giờ trở thành khu nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao với những giàn sục khí, hệ thống tiêu nước hiện đại.

Nhìn những con cua từ những ao nuôi theo những chuyến xe xuất lên phố làm món ăn đặc sản, ký ức xưa trong tôi lại ào về. Tôi lại nhớ những tháng ngày đi bắt cua và nhớ lắm món cua đồng rang muối của mẹ ngày ấy.

Theo y học cổ truyền, thịt cua đồng có vị ngọt lạnh, ít độc, giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa trị một số bệnh thông thường. Y học hiện đại cũng khẳng định thịt cua có chứa protid, lipid, Ca, P, Fe và vitamin. Chính vì vậy các món ăn chế biến từ cua đã chiếm vị trí hàng đầu trong các bữa ăn gia đình.
THẢO NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên