Qua những nỗ lực đầy tâm huyết rồi ứng dụng công nghệ, nhiều đặc sản quê hương từ các vùng miền đã lên đường xuất ngoại thành công vào những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…

Bánh mướt (bánh ướt), miến lươn, cháo lươn, cá nục rim, cháo bột cá lóc… được xem là những món ăn dân dã và rất phổ biến. Những món ăn quen thuộc này đã xuất khẩu với nhiều hợp đồng trị giá triệu đô, thêm cơ hội phát triển cho nhiều ngành, nhiều vùng nông thôn.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 1.

Đó là câu nói đầy niềm vui, tự hào của chủ thương hiệu cá nục rim Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khi cuối tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên có lô hàng 10 tấn cá nục rim xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, đại diện Hợp tác xã (HTX) chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội, chia sẻ câu chuyện con cá nục rim như một "mốc dấu lịch sử quan trọng" khi đưa được món ăn đặc trưng của miền Trung tới thị trường quốc tế.

"Để làm được điều này, không chỉ tôi mà cả 25 con người tham gia đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và không ít lần "lên bờ xuống ruộng" với "đứa con" này của mình", bà Thủy kể lại những gian truân.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 2.

Cá nục rim thương hiệu Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhìn đơn giản nhưng khi chế biến có những công thức riêng, bí quyết riêng để sản phẩm giữ hương vị món ăn “miền Trung”.

Ngoài những sản phẩm là nghề gia truyền ba đời của có nguồn nguyên liệu từ nếp như bánh chưng, bánh tét, bánh tổ…, Bà Ba Hội đã "lấn sân" sang nghiên cứu chế biến các món ăn từ hải sản.

Nhớ lại con đường đến với cá nục rim, bà Thủy kể lại: "Cách đây 3 năm, với lợi thế nằm gần biển, tiếp cận được nguồn nguyên liệu tươi nguyên, chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm thêm một số món mới như cá bống kho, cá nục rim, mực nhồi… Sau những nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm thì tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã trình làng sản phẩm cá nục rim và tung ra ở thị trường trong nước".

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 3.

Những nguyên liệu đơn giản của món cá nục rim thương hiệu Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam)

Cá nục rim là món ăn bình dân, dễ chế biến, nguyên liệu dễ mua với giá bình dân; gần như nhà nào ở Việt Nam cũng từng ăn qua hoặc ăn thường xuyên. Cá nục nấu với mật mía, củ nén, dầu ăn, nước mắm; chế biến theo công thức đặc trưng của người miền Trung, giữ được độ dai, độ ngọt tự nhiên và hương vị của món kho… Thế là có món cá nục rim.

"Chính sự dân dã này lại là thế mạnh giúp sản phẩm lọt vào mắt nhà phân phối nước ngoài, mang đậm vị quê hương. Với bà con xa xứ, ăn những sản phẩm này còn có cả ký ức trong đó. Đừng nghĩ xuất ngoại thì phải là món ăn gì đó cao sang", bà Thủy chia sẻ.

Để có được nguyên liệu chuẩn, trong khi cá nục thường có theo mùa nên phải thu mua lượng cá đúng "size", tươi; rồi cho vào kho đông lạnh để dự trữ. "Chúng tôi chủ động để có nguồn nguyên liệu thường xuyên. Phụ thuộc vào tàu thuyền đánh bắt thì không thể nào đủ sản lượng để xuất khẩu", bà Thủy nói thêm.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 4.

Món cá nục rim thương hiệu Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhìn đơn giản nhưng đậm chất quê hương, được kiều bào yêu thích.

Tuy nhiên, chế biến ra được món ăn là một chuyện, nhưng để xuất ngoại là câu chuyện khác. Bởi những món ăn được chế biến thủ công thường sử dụng nhiều gia vị, nguyên liệu nếu không kiểm soát được đầu vào thì khó lòng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định gắt gao, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.

Áp dụng khoa học công nghệ là then chốt giúp món cá nục rim đi xa. Bởi từ khâu bao bì, đóng gói, chế biến… đều phải khép kín, và đạt chuẩn, đúng quy định.

"May mắn là trước khi xuất khẩu, chúng tôi đã đầu tư máy móc để áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm - PV); dù khi đó chỉ bán trong nước. Sau này chúng tôi mới có chứng nhận FDA (tiêu chuẩn giám sát độ an toàn của sản phẩm khi lưu hành trên thị trường Mỹ - PV). Việc chuẩn hóa quá trình sản xuất ngay từ đầu đã giúp sản phẩm này nắm bắt được cơ hội lớn", bà Thủy cho hay.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 5.

Tương tự, câu chuyện "trầy vi tróc vảy" của chàng trai Nguyễn Đức Nhật Thuận (tỉnh Quảng Trị), nhà sáng lập Cà Mèn - thương hiệu vừa ký được hợp đồng trị giá 5 triệu USD để đưa món cháo bột cá lóc Quảng Trị (hay còn gọi là bánh canh cá lóc) vào thị trường Mỹ, cũng khiến không ít người xúc động.

Thuận và vợ từng không ít lần trắng tay, phá sản, đổ nợ, ôm nhau ngồi khóc trên chặng đường khởi nghiệp của mình.

Xuất phát điểm là một người học về xuất nhập khẩu, năm 2015, từ nhân viên một công ty lớn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, Thuận nghỉ ngang về khởi nghiệp, mở quán đưa các món ăn đặc sản Quảng Trị vào Sài thành.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 6.

Hình ảnh sản phẩm thương hiệu cháo bột cá lóc Quảng Trị của anh Nguyễn Đức Nhật Thuận trên thị trường sau một hành trình gian nan, vất vả.

Thuận kể: "Khi bán những món ăn quê hương, tôi nhận ra nhiều bà con ở Quảng Trị xa quê rất thích. Nếu mở quán bán thì chỉ phục vụ được ở khu vực TP.HCM, nên tôi nghĩ tới việc làm sao để những món ăn đặc sản quê hương có thể đi xa hơn. Do vậy, vừa nấu bán tại chỗ, tôi vừa nghiên cứu, tìm cách thực hiện thử nghiệm đóng gói sản phẩm".

Hai năm đại dịch COVID-19 kinh hoàng ở TP.HCM cũng là "chất xúc tác" để Thuận và cộng sự dành thời gian thử nghiệm, mày mò đưa cháo bột cá lóc nóng hổi trên bếp vào đóng gói và mang giấc mơ sang Mỹ.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 7.

Những kiện hàng cháo bột cá lóc Quảng Trị “lên đường” xuất ngoại.

"Tháng 12-2021, Cà Mèn chính thức đóng gói món cháo bột cá lóc nhưng với phiên bản 5 người ăn, khá lớn về kích thước và trọng lượng. Khi chạy "roda" thử trên thị trường, tôi thấy còn nhiều hạn chế vì đóng gói khó xách tay. Người mua phải chia nhỏ nếu không ăn cùng lúc 5 người, phải chia thành phiên bản 1 người ăn còn khó gấp 100 lần. Đó là chưa kể món này cũng không thể vào được các siêu thị. Chúng tôi lại tiếp tục nâng cấp sản phẩm. Nhưng khó là nhóm chúng tôi toàn những "dân tay ngang" nên không thể đếm hết được số lần thất bại", Thuận bùi ngùi kể lại hành trình của mình.

Để "tháo" cái khó, chàng trai 9X tính toán từ nguyên liệu, gia vị, cá phải hấp, xương phải giã ra như thế nào cho ngon. Rồi khi đóng gói, tính cả công thức để cô đặc nước lèo thành gói gia vị nhỏ, sao cho khi pha ra với lượng nước vừa đủ vẫn đảm bảo được vị đậm đà, giữ được hương như nấu ăn tại nhà.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 8.

Tưởng chừng mọi thứ "có đáp án" khi Thuận và ê kíp cứ hì hục nấu, pha chế, đong đếm, thử sai… để đạt được mong muốn; nhưng thử quá nhiều lần, tốn tiền tốn công… nên Thuận chán nản không ít lần.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức" và cuối cùng tháng 6-2022, Cà Mèn cho ra đời cháo bột cá lóc phiên bản 1 người ăn. Phiên bản này gồm một phần bánh gạo, cá lóc nguyên miếng, gia vị, hành, củ nén… Hầu hết gia vị, nguyên liệu Thuận đều nhập từ quê hương Quảng Trị vào để giữ nguyên hương vị quê, người ăn chỉ việc pha chế đơn giản là có ngay tô cháo bột tại nhà.

Tự chào hàng, rồi biếu tặng bạn bè xách tay qua Mỹ giới thiệu đến bà con và được chào đón ở thị trường này; tìm một số đầu mối phân phối xách tay qua đường hàng không… là con đường đưa sản phẩm đi gần, đi xa của Thuận.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 9.

Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (giữa) cùng với cộng sự chụp ảnh lưu niệm nhân dịp lô hàng container cháo bột cá lóc Quảng Trị đầu tiên xuất chính ngạch sang Mỹ.

Trái ngọt cũng đã đến, khi một số đại lý đã chủ động liên hệ để nhập hàng, từ đơn vài chục gói, 100 gói, 200 gói…, cháo bột cá lóc cứ vậy len lỏi vào thị trường Mỹ. Sản phẩm cũng đã lọt vào mắt của LNS - đơn vị chuyên nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam phân phối ở Mỹ. Cuối tháng 6, Thuận đã chốt hợp đồng xuất khẩu với LNS, tổng trị giá 5 triệu USD (khoảng 115 tỉ đồng) đến năm 2026.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 10.

Chị Trần Hà Nhung, giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm NAP Food (Nghệ An), cũng có cả chuỗi câu chuyện đầy tâm huyết trong quá trình đưa rất nhiều món ăn dân dã quê nhà sang thị trường Úc, Nhật, Hàn…

Chị Nhung có hành trình 10 năm, từ quán ăn gia đình với nhiều món đặc sản Nghệ An như miến lươn, cháo lươn, súp lươn, bánh mướt (bánh ướt)… bằng công thức gia truyền; rồi đến đóng gói, đông lạnh cho người địa phương mang vào Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh thành khác; rồi sản phẩm mở rộng dần vào các siêu thị trong nước.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 11.

Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm NAP Food (Nghệ An) chế biến lươn và nguyên liệu để ra sản phẩm miến lươn, cháo lươn, súp lươn, bánh mướt (bánh ướt) xuất khẩu sang các thị trường Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Với những hình thức mở quán, bán hàng online; đưa sản phẩm của mình vào quán ăn ở nước ngoài, sau đó chị đã lấn vào những thị trường khó tính nhất.

Nói về đặc biệt của những món bình dân làm từ lươn, chị Nhung cho biết lươn phải chuẩn lươn đồng; gạo làm cháo phải là gạo quê, củ nén (hành tăm), củ nghệ làm gia vị cũng phải chuẩn vị quê, trồng hữu cơ và thuần tự nhiên. Đáng lưu ý là quá trình chế biến, phải ứng dụng công nghệ sấy lạnh, tách nước… để các món ăn từ lươn không mất đi hương vị đặc trưng.

Từ tháng 6-2021, các sản phẩm lươn đóng gói ăn liền của chị đã được xuất khẩu sang Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản với số lượng 12 - 15 container/năm.

Tháng 3-2023, sản phẩm lươn ăn liền, đóng gói đã được đối tác của Cộng hòa Czech ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với số lượng 4 container/năm. Và trong tháng 8 này, những lô hàng đầu tiên của món bánh mướt, súp lươn sẽ lên đường sang xứ sở cờ hoa theo đường chính ngạch.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 12.

Chia sẻ về câu chuyện đưa những món ăn dân dã Việt Nam ra thế giới, bà Nguyễn Thị Kim Huyền (Jolie Nguyễn), chủ tịch kiêm nhà sáng lập của LNS, cho rằng thứ bà phân phối đến 1.000 siêu thị, cửa hàng ở Mỹ không chỉ là món ăn, mà còn có cả ký ức, hương vị quê hương đến người Việt xa xứ.

"Bản thân tôi cũng sống ở Mỹ, tôi thấy người Việt ở nước ngoài họ cũng được thưởng thức những món ăn Việt ở nước sở tại. Tuy nhiên, hương vị, gia vị, nguyên liệu… không thật sự giống ở Việt Nam. Giá cả lại rất đắt đỏ.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 13.

Món cá nục rim thương hiệu Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhìn đơn giản nhưng đậm chất quê hương

Người Việt tại Mỹ phải trả một số tiền khá lớn để ăn được món của quê hương. Xuất phát từ nhu cầu này, nên chúng tôi chọn sản phẩm phân phối là những đặc sản quen thuộc của Việt Nam", bà Kim Huyền nói.

Bà Huyền thông tin, ngoài thị trường Mỹ, LNS còn có văn phòng tại New Zealand, Nhật Bản, Ý… Hiện đơn vị này đã phân phối rất nhiều món ăn dân dã ra thị trường quốc tế như: cá lóc kho tộ, bánh kếp sầu riêng, bánh chuối nướng Cần Thơ. Dự định sắp tới sẽ đưa bánh gai, xôi khúc, cốm gừng, bánh mướt (hay còn gọi là bánh ướt), súp lươn Nghệ An… đến tay kiều bào.

Với mong muốn phân phối nhiều đặc sản vùng miền của Việt Nam đến nhiều đất nước khác nhau, bà Huyền lo ngại đã là đặc sản vùng miền thì có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác. Để giải bài toán này, "style" của LNS là chọn những sản phẩm phổ biến, dân dã.

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 14.

Công nhân Công ty cổ phần thực phẩm NAP Food (Nghệ An) chế biến lươn và nguyên liệu để ra sản phẩm miến lươn, cháo lươn, súp lươn, bánh mướt (bánh ướt)

Góp một phần để các món bình dân "xuất ngoại" sang những thị trường khó tính, cũng nhờ những đơn vị phân phối như LNS.

Thừa nhận điều này, bà Huyền lý giải: "Chúng tôi còn phải đồng hành, hỗ trợ cho đối tác. Vì nhiều đơn vị đối tác là những cơ sở sản xuất nhỏ, các nhà khởi nghiệp mới; có rất nhiều tập đoàn lớn nhưng cũng có những đơn vị nhỏ lẻ… Đây là cuộc chơi khá công bằng giữa các doanh nghiệp, và chúng tôi đều sát cánh, hướng dẫn họ làm những thủ tục này để có thể đưa hàng qua Mỹ".

Làm việc với nhiều doanh nghiệp để đưa những sản phẩm dân dã này qua thị trường Mỹ; được cộng đồng người Việt ở nước ngoài ưa chuộng, bà Huyền bày tỏ niềm vui của người cầu nối: "Bà con ăn được những món bản sắc quê hương với giá thành tốt hơn so với việc nấu tại bản xứ, tôi xem đây là một phần sứ mệnh của mình".

Nhiều món ăn dân dã lên đường xuất ngoại - Ảnh 15.
THẢO THƯƠNG
NGỌC THÀNH
6-8-2023
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên