08/08/2023 17:39 GMT+7

Nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng cản xe vào chuyển thi thể, giám đốc xin lỗi

Sau khi khám nghiệm tử thi xong, gia đình gọi xe đưa thi thể nạn nhân về quê thì bị nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng chặn lại. Việc "giằng co" xảy ra vào rạng sáng 8-8 cho đến khi công an có mặt thì người này mới cho xe bên ngoài vào di quan.

Lùm xùm vụ cản xe vào chuyển thi thể ở Trung tâm Pháp y Đà Nẵng

Sau khi công an phường có mặt thì nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng mới cho xe của gia đình nạn nhân vào đưa thi thể về quê - Ảnh: T.H.

Sau khi công an phường có mặt thì nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng mới cho xe của gia đình nạn nhân vào đưa thi thể về quê - Ảnh: T.H.

Đã thu tiền không rõ ràng còn cản xe

Ngày 8-8, anh Trần Thanh H. (đại diện gia đình nạn nhân Bùi Thu Hường, quê huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) đã có đơn gởi đến báo Tuổi Trẻ liên quan đến việc nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng cản xe vào đưa thi thể người tử vong về nhà.

Anh H. cho biết cháu Hường vào Đà Nẵng du lịch nhưng không may gặp tai nạn tử vong vào sáng 7-8.

Sau đó, thi thể cháu Hường được đưa về Trung tâm Pháp y Đà Nẵng.

Đến tối 8-8, gia đình vào tới nơi thì có một người tên Dũng, làm việc tại trung tâm này, yêu cầu đóng 14 triệu đồng vào tài khoản để "vệ sinh, làm đẹp thi thể".

Dù trước đó gia đình nạn nhân này đã bỏ ra 30 triệu đồng mua quan tài, rượu… ở bên ngoài để khâm liệm sau khi khám nghiệm tử thi.

"Sau khi đóng 14 triệu đồng, đến rạng sáng 8-8 gia đình xin được "chuyến xe 0 đồng" để đưa thi thể cháu về thì bị chính ông Dũng chặn lại nói "đã đến đây thì phải sử dụng dịch vụ ở đây". Nhà tôi không đồng ý nên cự cãi. Sau đó ông này đã đóng cửa Trung tâm Pháp y không cho xe vào" - anh H. nói. 

Bức xúc, gia đình nạn nhân đã gọi công an phường đến can thiệp thì lúc này trưởng ca trực Trung tâm Pháp y có mặt. Sau đó, xe bên ngoài mới được vào đưa thi thể nạn nhân về quê.

Theo tìm hiểu của phóng viên, người nhận tiền, cản xe của gia đình nạn nhân là ông Lê Viết Dũng (nhân viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Viết Thắng, giám định viên Trung tâm Pháp y Đà Nẵng (trưởng ca trực), xác nhận có xảy ra sự việc cản xe. Ông Thắng nói trước đó gia đình đã đồng ý nhân viên trung tâm gọi xe. Tuy nhiên sau đó tìm được "chuyến xe 0 đồng" nên xảy ra sự việc.

Theo ông Thắng, việc nhận số tiền 14 triệu đồng của ông Dũng không phải là dịch vụ khám nghiệm tử thi theo như phản ánh của gia đình, mà là thỏa thuận "chăm sóc và làm đẹp thi thể". Theo ông Thắng, thi thể người gặp tai nạn giao thông thường không nguyên vẹn nên các gia đình thường nhờ anh em pháp y khâu may và tái tạo thân thể, đồng thời tiêm thuốc bảo quản.

"Cái này không phải dễ làm vì có thi thể từ 2-3 mảnh ghép lại, tùy tổn thương anh em làm từ 3-5 tiếng. Anh em khâu may tái tạo. Đây chỉ là sự hỗ trợ kiếm thêm thu nhập theo yêu cầu từ phía gia đình mà thôi" - ông Thắng giải thích.

Giám đốc Trung tâm Pháp y Đà Nẵng: "Sai quá sai"

Ông Mai Xuân Ngọc, giám đốc Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng, cho biết đã xin lỗi gia đình nạn nhân vì việc làm không đúng của nhân viên.

"Tôi không trực tiếp làm nhưng "con dại cái mang", trách nhiệm của mình có trong đó. Vấn đề xe cộ thì pháp y không có dịch vụ chở nạn nhân về nhà hay về quê, mà đó là dịch vụ bên ngoài. Người nhà gọi xe của ai, giá cả thế nào là quyền của người nhà. 

Anh em đơn vị không được phép đứng ra ngăn chặn. Anh em đơn vị đứng gọi xe cũng sai. Trường hợp người nhà không có điện thoại thì mình gọi giúp, chứ chủ động gọi xe dịch vụ bên ngoài là sai" - ông Ngọc nói.

Về vấn đề thu tiền của người nhà nạn nhân, ông Ngọc giải thích hoạt động của pháp y là hoạt động chuyên môn. Trong đó, cơ quan pháp y thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, cơ quan điều tra. 

Khám nghiệm, ghi nhận tất cả các dấu vết, sau đó kết luận nguyên nhân tử vong.  Chi phí khám nghiệm này thì đơn vị nào yêu cầu giám định, đơn vị ấy chi trả.

Còn vấn đề tiêm thuốc bảo quản tử thi, tắm rửa vệ sinh hoặc thẩm mỹ những tổn thương giập nát là thỏa thuận giữa nhân viên với người nhà. Khi người nhà có yêu cầu thì nhân viên mới hỗ trợ giúp. 

Tuy nhiên trong quá trình trao đổi làm việc, nhân viên tư vấn không tới nơi tới chốn. Khiến người nhà nghĩ đó là dịch vụ do cơ quan thực hiện, giá do cơ quan ban hành.

"Thực chất đây là việc làm mang tính thỏa thuận giữa những nhân viên khám nghiệm xong thì họ may vá, thay quần thay áo rồi tiêm thuốc giúp gia đình. Cái sai là làm việc không rõ ràng, không cụ thể. Có những trường hợp người nhà cảm ơn mình vì đã giúp đỡ. Đằng này anh làm kiểu gì để người nhà họ phản ứng là sai" - ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho biết sẽ chấn chỉnh việc này để rút kinh nghiệm không chỉ cho ca trực này, mà còn những ca trực khác, "không phải riêng việc này mà còn cho những việc khác".

Giám định pháp y làm rõ cái chết của một người dânGiám định pháp y làm rõ cái chết của một người dân

Công an tỉnh Bình Phước đã trưng cầu Trung tâm Pháp y TP.HCM giám định nguyên nhân chết của một người đàn ông sau khi làm việc với công an.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên