26/10/2023 08:43 GMT+7

Nhận rõ trách nhiệm sau lấy phiếu tín nhiệm

Ngày 25-10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 25-10 - Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 25-10 - Ảnh: TTXVN

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là hai người có số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Bộ trưởng quốc phòng nhiều tín nhiệm cao nhất

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang có 448/481 (tính theo số phiếu hợp lệ) đại biểu đánh giá tín nhiệm cao. Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có 437/480 đại biểu đánh giá tín nhiệm cao. Tính riêng trong khối Quốc hội với 17 người, ông Huệ là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất.

Còn với khối Chính phủ, trong số 23 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang có số phiếu tín nhiệm cao nhất. Tiếp theo là Phó thủ tướng Lê Minh Khái với 384/480 phiếu. Thủ tướng Phạm Minh Chính xếp ở vị trí thứ 3 với 373/480 phiếu. Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (371/480 phiếu), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (370/480 phiếu), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (353/480 phiếu), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (334/480 phiếu).

Tiếp theo đó, trong danh sách 44 người thì những người có số phiếu tín nhiệm cao ở các vị trí lần lượt sau Bộ trưởng Phan Văn Giang và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương với 426/478 phiếu, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với 414/481 phiếu, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân với 410/481 phiếu.

Nhận rõ trách nhiệm sau lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 2.

Bộ trưởng giáo dục, khoa học công nghệ "đội sổ"

Ở chiều ngược lại, người có số phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với 187/480 phiếu.

Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 219/481 phiếu; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với 229/479 phiếu; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng với 237/479 phiếu; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với 239/479 phiếu.

Cũng theo số liệu được công bố, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất với 72/479 phiếu. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đứng tiếp theo với 71/480 phiếu.

Người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp thứ 3 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 62 phiếu. Kế tiếp đó là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với 61 phiếu tín nhiệm thấp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với 54 phiếu tín nhiệm thấp...

Tất cả các thành viên có phiếu tín nhiệm thấp đều ở mức dưới 20%.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là thông số để các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, các chức danh lấy phiếu lần này có thêm cơ sở hoạch định chiến lược, kế hoạch tốt hơn nữa cho công việc của mình. Đồng thời cũng hình dung hơn về sự kỳ vọng của đại biểu cũng như cử tri để nỗ lực hơn nữa trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

Cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy rõ trách nhiệm

Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định tại nghị quyết số 96 của Quốc hội.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - chỉ rõ sau lấy phiếu tín nhiệm, những vị trí được tín nhiệm cao thì sẽ vui hơn, người có vị trí thấp sẽ tâm tư vì nỗ lực thời gian qua không chỉ của cá nhân mình mà cả một ngành, lĩnh vực. Do vậy, ông nói đó không phải là đánh giá "đóng đinh" mà chỉ là hướng để các bộ trưởng nhìn về phía trước và sẽ có sự tháo gỡ, thúc đẩy ngành đi lên.

Ông dẫn chứng thực tế các lần lấy phiếu trước có những bộ trưởng được lấy phiếu lúc đầu thấp nhưng kỳ sau cao hơn do nhìn rõ khó khăn vướng mắc để tháo gỡ.

"Ở đây cũng phải chia sẻ rất rõ là có những việc, khó từ nhiều nhiệm kỳ dồn lại. Có những lĩnh vực nhận được sự kỳ vọng rất lớn nhưng nguồn lực dành cho còn hạn chế, muốn tháo gỡ cần nhiều thời gian như lĩnh vực giáo dục, văn hóa...", ông nói.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng điều đáng mừng là tất cả các nhân sự được lấy phiếu đều có kết quả phiếu ở mức an toàn - tức là không lãnh đạo nào có tỉ lệ phiếu tín nhiệm thấp trên 50%. Trên thực tế, một số ngành như giáo dục, khoa học công nghệ, công thương, văn hóa, y tế, giao thông trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng để khắc phục nhưng vẫn còn những tồn tại hạn chế.

Bà Yên cũng nói các tư lệnh ngành được lấy ý kiến cũng đều là những nhân sự mới, nhiều vị lần đầu tiên nắm giữ các trọng trách, nên cần có thêm thời gian để trải qua thử thách, kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa các vị trí này.

Vì vậy, theo đại biểu Yên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trước đồng bào, cử tri cả nước để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện. Từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác; đồng thời là cơ sở, căn cứ quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Động lực cho các vị bộ trưởng nhìn lại

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh - cho rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thể hiện sự khách quan, thẳng thắn của các đại biểu Quốc hội với các lãnh đạo. Nhìn vào kết quả, những ngành, lĩnh vực nhạy cảm mà dư luận quan tâm đều cho thấy số phiếu tín nhiệm cao ở mức thấp và số tín nhiệm thấp có tỉ lệ cao hơn.

"Kết quả này phản ánh đúng thực tế. Do đây là những lĩnh vực khó, cần nhiều vấn đề phải xử lý, việc giải quyết cần thời gian dài với nhiều giải pháp, đòi hỏi cao hơn cho các vị bộ trưởng.

Từ kết quả này để làm tốt hơn công tác cán bộ, chọn lựa và đánh giá cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới. Đây cũng là động lực cho các vị bộ trưởng nhìn lại, xem lại các hạn chế, thiếu sót để làm tốt hơn công việc của mình. Các đánh giá cũng cho thấy sự công tâm, dù lãnh đạo giữ chức vụ cao hay thấp đều có mức đánh giá tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp đồng đều" - bà Thúy nói.

Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh: TTXVN

Quốc hội thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh: TTXVN

Vì sao các ngành giáo dục, công nghệ, văn hóa, công thương "đội sổ"

Nêu quan điểm về các trưởng ngành có phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy thẳng thắn chỉ ra những lĩnh vực này còn một số hạn chế nhất định, trong khi đây là những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến xã hội, được cử tri quan tâm.

Như lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các vấn đề liên quan đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đặt ra vấn đề cho ngành và bộ trưởng phải là người đứng mũi chịu sào, là thuyền trưởng gặp khó khăn nên phải đề ra giải pháp hiệu quả hơn. Chính vì vậy thể hiện việc đánh giá và kỳ vọng nhiều hơn, cao hơn với những bộ trưởng này trong việc khắc phục những hạn chế của ngành này. Hoặc lĩnh vực khoa học công nghệ là những ngành quan trọng hàng đầu, các đại biểu cho rằng thời gian qua còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này.

Lĩnh vực khoa học công nghệ chưa phát triển theo đúng sự đầu tư và kỳ vọng của Nhà nước. Mặc dù đầu tư khoa học công nghệ của nước ta không bằng quốc gia khác nhưng ngân sách vẫn dành một nguồn lực không nhỏ cho hoạt động này. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư khoa học công nghệ mới dừng ở các đề tài nghiên cứu mà thiếu tính ứng dụng nên tỉ lệ đóng góp của khoa học công nghệ cho sự phát triển của nền kinh tế vẫn chưa rõ nét.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng có những ngành khó, có tính lịch sử để lại như ngành giáo dục, ngành công thương, khoa học công nghệ đều là những ngành rất nhạy cảm, tác động đến nhiều người dân.

Như với ngành công thương đều có những vấn đề rất nóng. Ví dụ như yêu cầu phát triển ngành điện, đặc biệt là điện sạch như thế nào, đầu tư xây dựng, giá bán và hòa lưới điện ra sao khi chính sách vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Hay lĩnh vực xăng dầu sẽ quản lý theo cơ chế thị trường ra sao? Công tác quản lý thị trường, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam trong khi khâu cuối cùng là của Bộ Công Thương quản lý.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng việc đánh giá mức độ tín nhiệm lần này cũng chỉ là một bước, vào một thời điểm nhất định và còn rất nhiều dư địa trong tương lai để phát triển tiếp.

Trong khi đó, muốn bước tiếp phải nhìn lại những thứ đã qua. "Những thông số này với định lượng rất cụ thể sẽ tạo áp lực với các bộ trưởng, trưởng ngành nhưng cũng là động lực, tôi tin vào đánh giá công tâm của đại biểu và bản lĩnh của người được lấy phiếu", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Kết quả 4 đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hộiKết quả 4 đợt lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội

Với việc hoàn thành nội dung lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã trải qua 4 đợt lấy phiếu tín nhiệm vào các năm 2023, 2018, 2014 và 2013.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên