Nhạc quảng cáo: nghệ thuật và lợi nhuận

MINH HẰNG 19/08/2008 19:08 GMT+7

TTCT - Ngày càng có nhiều bài hát trong các đoạn quảng cáo được người xem chú ý và ưa thích, như bài Be U with Honda (Hãy là chính bạn với Honda) trong đoạn phim quảng cáo của Honda, Quando trong quảng cáo của Heineken, hay loạt nhạc chủ đề 11 tập phim Planet Earth của Discovery.

Phóng to
Nhóm nhạc rock Aerosmith được trả 2 triệu USD cho bài hát Dream On-0004

Âm nhạc đang có xu hướng trở thành nhân tố chính trong các đoạn phim quảng cáo. Một đoạn nhạc quảng cáo hay có thể làm khách hàng nhớ mãi sản phẩm mặc dù tiền làm quảng cáo không lớn.

Theo adTunes, nếu năm 2006 là năm của âm nhạc trong các đoạn quảng cáo điện thoại thì năm 2007 là năm của nhạc quảng cáo cho các hãng bán quần áo. Năm nay tất cả hãng quần áo lớn như Old Navy, Sears, JCPenney, Macy’s, Okhl’s, Target và thậm chí cả Wal-Mart đều dùng âm nhạc làm quảng cáo chính cho các sản phẩm của mình.

Năm 2007, khuynh hướng này mạnh mẽ đến nỗi dẫn đến một sự kiện có thể là lần đầu tiên xảy ra: hai hãng cạnh tranh với nhau cùng lúc sử dụng nhạc của cùng một nhóm để quảng cáo sản phẩm của mình. Đó là Hãng JCPenney sử dụng bài hát All that I want (Tất cả những gì tôi muốn), và Hãng Old Navy sử dụng bài hát Stars (Những ngôi sao) của cùng nhóm The Weepies.

Ấn tượng

Nhạc của The Beatles dường như ở khắp mọi nơi, trên sân khấu cũng như trên màn ảnh. Có vẻ như việc Paul McCartney và Yoko Ono không đồng ý cho Nike sử dụng bài hát Revolution của nhóm The Beatles vào quảng cáo giày của hãng đã trôi vào quá khứ. Bây giờ cả hai đã thay đổi quan điểm của mình: năm ngoái Ono cho phép sử dụng bài hát Real Love (Tình yêu thật sự) của John Lennon trong quảng cáo sản phẩm của JCPenney, và McCartney cho phép Hãng Fidelity sử dụng bài hát Let’ em in (Hãy cho họ vào). Bài Hello, goodbye (Xin chào, tạm biệt) hát lại của nhóm cũng được sử dụng trong chiến dịch quảng cáo Goobuy (Mua giá hời) của Target. Bài Hello, goodbye cũng được nhóm Son Volt hát lại trong chiến dịch của ESPN quảng cáo cầu thủ David Beckham.

Nhạc trong quảng cáo 11 tập phim Planet Earth (Hành tinh Trái đất) trên kênh Discovery đã gây chú ý đến nỗi các khán giả gắng truy ra nguồn gốc của đoạn nhạc này. Hóa ra nó được trích từ bản nhạc viết cho chứng khoán của Công ATM Music.

Thường thì cuộc truy lùng sẽ kết thúc tại đây, nhưng lần này niềm hâm mộ của công chúng lớn đến mức Công ty ATM Music phải đưa toàn bộ bài hát ra công chúng. Đó là bài The time has come (Thời khắc đã điểm) của Tobias Marberger và Gabriel Shadid (có thể tải xuống từ iTunes).

Sức mạnh

Phóng to

Nhóm nhạc The Beatles mang lại món hời cho Michael Jackson

Khoảng ba phần tư trong số 6 tỉ giờ phát sóng quảng cáo được người dân Bắc Mỹ xem có sử dụng nhạc, theo bài viết của David Huron về âm nhạc trong quảng cáo. Âm nhạc có thể đóng góp hiệu quả một chương trình quảng cáo được phát sóng theo sáu cách: giải trí, sự liên tục, tính dễ nhớ, lời bài hát, hướng về nhóm đối tượng có chọn lọc và tạo lòng tin vào sản phẩm.

Âm nhạc có thể khơi gợi nhiều cảm xúc, chính vì vậy rất thích hợp trong quảng cáo. Theo nghiên cứu quảng cáo của Đài CFOX-FM, những loại nhạc khác nhau có thể khơi gợi sự hoài niệm hay sôi động, tạo hiệu quả hơn đối với quảng cáo.

Nhờ thế nghe nhạc quảng cáo trên CFOX vào buổi sáng có thể khiến những người đi xe buýt đến Vancouver đắm mình liên tưởng tới ánh nắng vùng Caribê và những ly sữa tươi. Một điệu nhạc hay sẽ đi vào trái tim trước, sau đó bộ não mới cảm nhận được. Nếu một bài hát làm chúng ta thích, ngôn từ bài hát sẽ được chú ý và thông điệp của những ngôn từ này sẽ được chuyển tải.

Món hời

Nhạc quảng cáo mang lại lợi nhuận lớn cho các nghệ sĩ. Năm 1995, Tập đoàn Microsoft đã mua bản quyền đối với bài hát Start me up (Hãy đánh thức tôi) của nhóm Rolling Stones để sử dụng trong chiến dịch quảng cáo phần mềm hệ điều hành Windows 95. Như tờ Financial Times cho biết Microsoft đã trả “vài triệu đô” cho bài hát này.

Nhóm Aerosmith cũng nhận được 2 triệu đôla cho bài Dream on (Hãy tiếp tục ước mơ) được sử dụng trong chiến dịch quảng cáo dòng xe hơi sang trọng Buick của General Motors vào năm 2005.

Nhóm The Beatles cũng mang lại lợi nhuận cho một người khác, đó chính là Michael Jackson. Sau khi mua danh sách các bài hát của nhóm này với giá 47,5 triệu đôla vào năm 1984, Michael Jackson có quyền xuất bản chúng và được chia 50% lợi nhuận từ việc sử dụng các bài hát cho các hoạt động thương mại. Những bài hát này hiện được định giá khoảng 1 tỉ đôla.

Phẫn nộ

Phóng to

Ca sĩ Helen Reddy nổi tiếng với bài I am woman

Những người hâm mộ nhóm The Beatles rất giận dữ khi bài hát All you need is love (Tất cả những gì bạn cần là tình yêu) được dùng quảng cáo sản phẩm tã lót của P&G. Đây là bài hát chính về hòa bình trong cuộc chiến tranh ở VN. Trên các diễn đàn và trang web, người hâm mộ đã lên tiếng phàn nàn và kêu gọi tẩy chay Công ty Siatchi and Siatchi, công ty quảng cáo thực hiện đoạn phim cho P&G.

Một bài khác của nhóm được chế biến từ Hello, goodbye thành Hello goodBuy (Xin chào vụ mua bán tốt). Vua nhạc rock ‘n’ roll Elvis Presley cũng bị xúc phạm khi bài hát Viva Las Vegas (Las Vegas muôn năm) của anh bị viết lại thành Viva Viagra (Viagra muôn năm) dùng trong đoạn quảng cáo Viagra.

Viết trên tờ Brand Republic, Darren Davidson cho rằng các công ty nên thuê người nổi tiếng viết nhạc cho quảng cáo như trường hợp McDonald thuê Barry Manilow viết bài You deserve a break today (Hôm nay bạn xứng đáng được nghỉ ngơi). Tuy nhiên, khuynh hướng sử dụng những bài nhạc đã có cho các đoạn quảng cáo ngày càng trở nên phổ biến.

Ngày nay nhiều huyền thoại nhạc rock cho phép sử dụng những bài hát kinh điển của mình vì mục đích thương mại, như Bob Dylan quảng cáo cho sản phẩm đồ lót của Victoria’s Secrets, Led Zeppelin quảng cáo cho Cadillacs, Aerosmith cho Buick, hay thậm chí bài hát rất được ưa chuộng của Helen Reddy I am woman (Tôi là phụ nữ) cũng được sử dụng trong đoạn quảng cáo cho Burger King.

Kiện tụng

Vụ kiện năm 1988 của Tom Waits, một nghệ sĩ nổi tiếng ở Mỹ, chống lại Công ty Frito-Lay vì đã sử dụng nhạc của ông cho đoạn quảng cáo mà không xin phép đã mang về cho ông 2,5 triệu đôla. Trước đó, Công ty Frito-Lay - một công ty sản xuất bánh snack - đã tiếp cận Waits để bàn về việc đưa bài hát của ông vào đoạn quảng cáo của mình nhưng bị từ chối. Thế nhưng, họ vẫn đưa đoạn nhạc có tên là Step right up (Bước lên trên) nghe tựa như bài Small change (Sự thay đổi nhỏ) của ông vào đoạn quảng cáo, do một ca sĩ có chất giọng và phong cách biểu diễn gần giống ông trình bày. Waits khởi kiện và tòa án đã xử ông thắng kiện.

Ngay cả những hãng lớn như Pepsi cũng không thoát khỏi kiện tụng do vi phạm bản quyền âm nhạc trong quảng cáo. Năm 2005, họ phải trả cho ban nhạc Flamingos - một ban nhạc thuộc thập niên 1950 - 250.000 đôla vì sử dụng bản thu âm I only have eyes for you (Anh chỉ dõi mắt nhìn mình em) trong một đoạn quảng cáo mà không xin phép.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận